Cuộc sống của vợ chồng ông Dũng ngày càng nghèo khó hơn khi con gái qua đời, để lại 2 đứa con cho bố mẹ nuôi giúp. Bao năm qua, họ phải sống trong căn nhà dựng tạm, có thể sập bất cứ lúc nào.
Những đêm thức trắng vì sợ nhà sập
Nửa đêm, cơn mưa như trút nước, đổ xuống khu vực ấp Cả Đá (xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An).
Trong căn nhà dựng tạm của gia đình ông Lý Văn Dũng (SN 1966) và bà Huỳnh Thị Chín (SN 1962), phần cột nhà làm bằng cây dầu gió đã mục nát, bị dông lốc làm cho rung lắc dữ dội. Mái nhà bằng tôn đập vào nhau liên hồi như muốn bung hết ra, tạo vài lỗ hở khiến nước mưa cứ thế tạt hết vào trong nhà.
"Ông ngoại ơi, hay mình chạy ra ngoài đi, con sợ nhà sập đè ông ngoại", cháu gái của ông Dũng nói, đôi mắt rưng rưng.
Ông Dũng nghẹn ngào, cho hay mỗi khi cơn dông kéo đến, gia đình ông lại chạy ra tấm phản gỗ đặt trước nhà. Nếu gió to cả đêm không ngớt, cả nhà cũng thức theo. Bởi nếu vào bên trong, nhà sẽ sập và đè lên họ bất cứ lúc nào.
Trước đây, mưa, dông từng khiến căn bếp của ông sập xuống. May mắn, lúc ấy không có ai ở trong.
Nhà ông Dũng chỉ có 2 bóng đèn điện, 2 chiếc giường mỏng và 2 bàn thờ đã cũ là tài sản lớn nhất. Nền bằng đất, được ông xin mấy chiếc bao xi măng đem về lót tạm. Nhìn cảnh căn nhà xập xệ, tối tăm, ông Dũng thấy xót xa vô cùng.
"Thương cho mấy đứa cháu ngoại, không có nổi một chỗ ở đàng hoàng. Tôi lớn tuổi rồi, đến đâu hay đến đó, nhưng như vầy hoài thì tội cho mấy cháu lắm. Chúng nó cũng chẳng bao giờ dám dắt bạn về nhà chơi, vì nhà nghèo quá", ông Dũng bộc bạch.
Căn nhà này được chính quyền hỗ trợ xây hơn 20 năm trước, với số tiền 10 triệu đồng. Vì không có nhiều tiền, ông Dũng nhớ rõ bản thân mình cũng phải vào xây phụ để đỡ chi phí thuê thợ.
Hoàn cảnh khó khăn
Gia đình ông Dũng thuộc diện khó khăn trên địa bàn. Mỗi tháng, ngoài hỗ trợ học phí cho các cháu, địa phương cũng ưu tiên trao tặng lương thực, thực phẩm cho gia đình ông Dũng nếu có đoàn thiện nguyện nào đến.
Ông Dũng làm thuê đủ nơi, còn bà Chín đan lục bình để kiếm sống. Hằng tháng, cả hai kiếm được hơn 1 triệu đồng, nhận tiền địa phương hỗ trợ cho các cháu là tổng hơn 2 triệu đồng.
Ông Dũng có 7 người con, nhưng ai nấy đều dựng vợ, gả chồng, hoàn cảnh khó khăn, thỉnh thoảng mới về thăm và cho tiền bố mẹ. Người con gái thứ tư của ông Dũng đã qua đời, để lại 2 đứa con cho bố mẹ nuôi giúp. Từ đó, cảnh nghèo của vợ chồng ông lại càng thảm thương hơn.
"Ngày con gái mất, các cháu chỉ mới 2, 3 tuổi. Chúng nó chả biết gì, đến cạnh giường ôm mẹ. Đến khi nhận thức rồi, các cháu mới khóc, đòi mẹ. Cháu trai thì thường xuyên ra mộ mẹ ngồi thật lâu. Cháu gái thì ngày nào cũng lau chùi bàn thờ của người mẹ mà cháu chỉ được thấy qua hình ảnh", ông Dũng tỏ vẻ xót xa.
Với số tiền ít ỏi kiếm được hằng tháng, đôi vợ chồng già không dám ăn, không dám mặc, dành dụm nuôi 2 cháu. Mới đây, ông Dũng vừa phẫu thuật dạ dày nên sức khỏe yếu dần, không thể đi làm.
Mọi sinh hoạt trong nhà hầu như phụ thuộc vào bà Chín. Nghĩ đến hoàn cảnh của mình, bà Chín đêm nào cũng khóc. Ở cái tuổi đáng lẽ phải được con cháu phụng dưỡng, bà Chín và chồng phải gồng gánh, nuôi 2 cháu ngoại.
"Bây giờ, tôi chỉ mong có một căn nhà nhỏ vững chắc, để ông bà cháu không phải sợ nhà sập nữa. Tôi cầu xin bà con, mạnh thường quân thương tình, giúp đỡ cho gia đình tôi", ông Dũng bộc bạch.
Đại diện chính quyền xã Tân Thành cho biết gia đình ông Dũng rất khó khăn, đặc biệt là không có một căn nhà vững chắc để ở, phải sống trong căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Vì thế, địa phương mong các mạnh thường quân giúp đỡ để gia đình ông Dũng có một căn nhà vững chắc, bảo đảm an toàn cho tính mạng của các thành viên trong gia đình.