(Dân trí) - Anh Nguyên là người dân tộc Dao vốn hiền lành lại trở nên ít nói từ ngày vợ bỏ đi. Người đàn ông sống với "quy ước thầm lặng" chấp nhận làm công việc độc hại để kiếm miếng ăn qua ngày cho 2 bố con.

Đau lòng cảnh người cha nghèo gửi con đi ở nhờ vì sợ nhà sập

Anh Phùng Thừa Nguyên (SN 1979), dân tộc Dao ở xã Thổ Bình, lấy vợ và ở rể tại Bản Đồn, xã Minh Quang (cùng huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang). Cách đây chừng 5 năm, vợ anh đi thành phố làm công nhân rồi không về với bố con anh nữa. Từ đó, anh dắt con trai ra mảnh đất trồng hoa màu của mình ở rìa Bản Đồn, dựng căn nhà tạm để làm chỗ nương náu cho hai cha con.

Cũng kể từ đó, người đàn ông vốn hiền lành lại cangtrở nên ít nói. Anh sống với "quy ước thầm lặng".

Anh Phùng Thừa Nguyên, Bản Đồn, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang

Đã gần 5 năm 2 vợ chồng li dị và cũng chừng đó thời gian căn nhà tạm này là chỗ chui ra chui vào của bố con anh Nguyên. Do nền đường làng sau này được tôn cao, nên căn nhà nhỏ của bố con anh Nguyên đang thấp hơn mặt đường khoảng hơn một mét. Mỗi khi có mưa to thì căn nhà lại bị ngập sâu trong nước.

Trong căn nhà nhỏ, tài sản có giá trị nhất là mấy chiếc nồi cũ và bộ bàn ghế cũ hàng xóm không dùng nên tặng lại cùng với chiếc giường ọp ẹp. Tất cả còn lưu lại vết bùn đất do nước ngập.

Ông Ma Văn Gia, Bí thư chi bộ Bản Đồn và ông Ma Văn Thơ, Trưởng thôn Bản Đồn khi dẫn chúng tôi tới thăm nhà anh Nguyên kể rằng, đợt mưa vừa rồi thì nhà anh Nguyên bị ngập sâu trong nước vì nhà thấp hơn mặt đường chừng 1,2m.

Quy ước thầm lặng của người đàn ông chấp nhận làm công việc độc hại - 1

Căn nhà nhỏ tạm bợ của bố con anh Phùng Thừa Nguyên ở Bản Đồn, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Mạnh Mường).

Anh Nguyên cho biết, anh sợ nhất là những lần mưa to hoặc mưa đá về đêm, bố con anh không biết đường nào mà trốn, cũng chính vì vậy mà anh quyết định gửi con trai sang bên nội.

Anh bảo: "Có con ở bên thì vui nhưng không yên tâm, nên tôi phải gửi con sang ở nhờ nhà em trai. Ở đây đêm hôm mưa gió có ngập nước hay sập nhà thì tôi còn chạy được, hai bố con sợ đêm hôm xoay xở không kịp".

Con trai anh Nguyên là cháu Phùng Xuân Long (SN 2012), thi thoảng cuối tuần đạp xe về thăm, thỉnh thoảng cháu ở lại ăn cơm cùng bố.

Chị Phạm Thị Thu Hằng, phụ trách văn hóa xã hội, chế độ chính sách của xã Minh Quang bộc bạch chia sẻ, "thú thực 2 cha con anh này đều không được nhanh nhẹn như người bình thường".

Quy ước thầm lặng của người đàn ông chấp nhận làm công việc độc hại - 2

Cháu Phùng Xuân Long (áo đen) thi thoảng cuối tuần sẽ đạp xe về thăm hoặc ăn cơm cùng bố (Ảnh: Thành Đông).

Đi phun thuốc sâu thuê để kiếm miếng ăn qua ngày 

Anh Phùng Thừa Nguyên cho biết, hiện tại, sức khỏe của anh không được tốt, lại thêm bệnh thoái hóa cột sống nên anh không làm được các công việc nặng. Hàng ngày, anh nhận phun thuốc trừ sâu thuê hoặc đi phát cỏ cho hàng xóm để có tiền trang trải và lo cho con trai ăn học. Tuy nhiên, công việc cũng không được đều đặn do sức khỏe của anh ngày càng yếu.

"Cứ mỗi bình thuốc trừ sâu được trả công 15 đến 20 nghìn đồng. Vừa làm vừa giữ sức vì bây giờ đêm về thấy rất tức ngực, khó thở, sợ có mệnh hệ gì lại để con một mình", anh Nguyên chia sẻ, bản thân anh cũng biết rõ, tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu sẽ có hại cho sức khỏe nhưng đây là công việc duy nhất giúp anh có tiền trang trải.

Ngày 16/7, sau nhiều ngày ốm nằm một chỗ, anh Nguyên lại dậy đi phun thuốc sâu thuê cho người trong thôn. Anh vừa thở dài, vừa than rằng, không rõ vì sao đợt này thường xuyên đau ốm, nhưng hễ "hôm nào khỏe khỏe một chút là phải tranh thủ nhận đi phun thuốc cho người ta để còn kiếm cái ăn".

Quy ước thầm lặng của người đàn ông chấp nhận làm công việc độc hại - 3

Dù mới ốm dậy, nhưng anh Phùng Thừa Nguyên lại bắt tay ngay vào công việc phun thuốc trừ sâu thuê (Ảnh: Mạnh Mường).

Do bản tính chất phác, thật thà lại chịu khó nên chính quyền địa phương và bà con nhân nhân ở đây đều rất quý anh Nguyên. Mọi người đều mong cho 2 cha con anh sớm thoát khỏi khó khăn hiện tại.

Quy ước thầm lặng của người đàn ông chấp nhận làm công việc độc hại - 4

Ông Ma Văn Gia, Bí thư Chi bộ Bản Đồn dẫn phóng viên Dân trí tới thăm bố con anh Phùng Thừa Nguyên và cháu Phùng Xuân Long (SN 2012) (Ảnh: Mạnh Dũng).

Ông Ma Văn Gia, Bí thư Chi bộ Bản Đồn, xã Minh Quang là người thường xuyên tạo công ăn việc làm cho anh Nguyên chia sẻ: "Ở đây, mọi người đều rất thương cháu Nguyên, vừa hiền lành, vừa chịu khó. Tôi có công việc cũng cứ ưu tiên gọi cháu Nguyên đến làm giúp rồi gửi tiền công, để cháu nó có đồng ra đồng vào còn lo cho con.

Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ cho bố con cháu Nguyên, để hai cha con có ngôi nhà kiên cố, be bé thôi cũng được. Về phía địa phương, chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn lực, kêu gọi bà con cùng góp công sức", ông Gia bày tỏ.

Đại diện cho địa phương, ông Ma Văn Thơ, trưởng thôn Bản Đồn chia sẻ: "Gia đình chú Nguyên quá khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Rất mong bạn đọc báo Dân trí giúp đỡ hai bố con có điều kiện làm được căn nhà nhỏ kiên cố. Nếu gia đình chú được báo Dân trí giúp làm nhà thì chúng tôi sẽ huy động bà con góp công sức, ai biết xây thì góp công xây giúp".

Quy ước thầm lặng của người đàn ông chấp nhận làm công việc độc hại - 5

Anh Phùng Thừa Nguyên và con trai Phùng Xuân Long (SN 2012) đứng trước căn nhà nhỏ, được dựng tạm cách đây nhiều năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Thành Đông).

Bộc bạch về ước nơ lớn nhất của bản thân, anh Nguyên nói: "Bây giờ bệnh tật ốm đau, kiếm đồng tiền để nuôi con cũng thấy khó khăn, không biết lúc nào mới có điều kiện làm được căn nhà kiên cố. Giờ mỗi lần mưa nước lũ lại ngập vào nhà, hai bố con chẳng có nhà mà ở. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ 2 bố con".

Mã số 240431:

"Quy ước thầm lặng" của người đàn ông chấp nhận làm công việc độc hại

30/07/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng dự án

Báo Dân trí