(Dân trí) - Trong một gia đình 13 người thì 10 người chết vì căn bệnh ung thư. Câu chuyện về gia đình ông Hà Văn Bích (thôn Đoài Giáp, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) khiến những người biết đến ai cũng quặn lòng xót xa.
10 lần tiễn người thân xuống mồ
Trong xã, ngoài làng ai cũng biết đến gia đình ông Bích, gia đình ông nổi tiếng vì gặp nhiều “bất hạnh”. Một người trong làng, chỉ cho chúng tôi: “Sau quả đồi kia là nơi chôn cất 10 người nhà ông Bích. Đứa cháu gái của ông ấy mới đôi mươi mất cách đây hơn một tháng cũng vì bệnh ung thư”.
Đôi vợ chồng già bất hạnh chăm sóc nhau những ngày cuối đời...
Đến thăm gia đình ông, ngay từ ngoài cửa một cảm giác lạnh lẽo, u ám bao trùm lên cả ngôi nhà. Trên bàn thờ, di ảnh cô cháu gái của ông vẫn còn rất mới. “Từ ngày cái Thanh mất, ông Bích quỵ hẳn. Ông ấy mới từ viện về được hơn tuần nay… 25 năm tôi về làm dâu ở đây tận mắt chứng kiến tự tay ông Bích chôn mười người trong gia đình gồm: Người vợ cả, 6 đứa con, và 3 đứa cháu”, giọng chị Sửu (người hàng xóm) nghẹn lại, nước mắt trào ra.
Như một định mệnh nghiệt ngã, lần lượt từng người con của ông ra đi cùng một căn bệnh. Các con trai của ông đều sắp ở tuổi trưởng thành khỏe mạnh, vạm vỡ. Tưởng chừng như đó là sự bù đắp cho những tháng ngày không may mắn, nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng đầy gang khi họ lần lượt bỏ ông đi.
Trong số những người con của ông Bích, chỉ duy nhất có anh Hà Tiến Long mạnh khỏe qua tuổi trưởng thành. Sau ngày giải ngũ, anh Long về lập gia đình với chị Hậu, rồi sinh được ba người con là Hà Thị Giang (1987) và Hà Thị Thanh (1989) và một cháu bé chưa kịp đặt tên sinh năm 1993.
Khi sinh cháu thứ 3, bác sĩ phát hiện chị Hậu bị ung thư phổi. Sau ngày phát hiện bệnh không lâu, chị qua đời. Một tuần sau đứa con còn đỏ hỏn chưa kịp đặt tên cũng tắt hơi thở cuối cùng, đi theo mẹ. Giỗ tròn năm vợ, anh Long cũng ra đi vì căn bệnh ung thư xương.
Trước chị Hậu, anh Long có một người vợ và một đứa con trai. Vì bất đồng quan điểm, người vợ cả của anh bế con bỏ đi. Khi nghe tin anh Long bệnh nặng, con trai anh - Hà Tiến Trung trở về chăm sóc cha. Trung là niềm hi vọng cuối cùng của gia đình ông Bích: “Thằng bé đẹp trai, thông minh và rất ngoan nên ai cũng quý, nhưng khổ thân cho nó…”, nói đến đây chị Sửu lặng người không nói tiếp được.
Cháu Trung cũng bị ung thư xương giống bố, mới 15 tuổi cháu phải từ giã cuộc đời. Niềm hi vọng lớn nhất của gia đình ông Bích giờ chỉ còn trong vô vọng. Người vợ cả của ông, 6 đứa con và 3 đứa cháu lần lượt chết trẻ vì ung thư. Tự tay ông Bích bốc từng nắm đất chôn cất người thân. Những ngày tháng này ông Bích phải oằn mình chống đỡ với những sóng gió cùng lúc ập đến.
Khi hỏi nguyên nhân của hiện tượng lạ này, bác Nguyễn Chí Thanh, trưởng thôn cho biết: “Đã có nhiều đoàn kiểm tra về để giám định nhưng cũng không phát hiện ra điều gì. Nguồn nước hoàn toàn không có vấn đề gì vì người dân sống quanh đấy không ai bị sao cả”.
Nỗi trăn trở cuối cùng của người đàn ông bất hạnh
Bước vào căn nhà, đập vào mắt chúng tôi là cảnh buồn thương đến quặn lòng. Ông Bích năm nay đã bước sang tuổi 81, vẫn nằm liệt giường sáu năm nay. Ông cụ mù lòa, khuôn mặt héo quắt đang đắp chăn bông nằm bẹp rúm, im thít trên chiếc giường cũ. Người ông giờ chỉ còn da bọc xương, khẳng khiu như que củi. Bệnh viện đã trả ông về vì “ông chẳng còn được mấy ngày nữa”. Trong ngôi nhà làm từ mấy mươi năm trước vẫn chưa được lát nền, nhiều mảng tường bong tróc. Đồ vật đáng giá nhất có lẽ chính là chiếc ti vi cũ. Căn nhà ba gian thấp tè, giờ đang để hẳn một gian để làm nơi thờ những người xấu số trong gia đình.
Ngồi cạnh ông là bà Đinh Thị Pháo (vợ hai ông Bích) năm nay cũng đã tròn 80 tuổi. Sau khi vợ cả và 2 con đầu của ông Bích chết vì ung thư, bà Pháo tình nguyện về gánh vác việc nhà giúp ông. Một tay xoa bóp cho ông Bích, một tay bà run run, mồm móm mém không nói rõ lời: “Tôi bị như thế này từ năm lên 4 tuổi, giờ tay lúc nào cũng khòng khoè, chân thì không đi được”, bà tâm sự. Già yếu lại bệnh tật bà Pháo thường ngày chỉ ngồi một chỗ ở nhà trông nom ông Bích đang bệnh nặng.
Giờ đây, trong nhà chỉ còn duy nhất cháu Hà Thị Giang, 22 tuổi là khoẻ mạnh. Một mình Giang phải cáng đáng mọi việc trong nhà, lo cho hai ông bà bệnh nặng. Gần đây Giang cũng thường xuyên bị những cơn đau bụng lạ hành hạ nhưng vì gia đình không có điều kiện nên em vẫn chưa thể đi khám. Hiện nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình là khoản trợ cấp tật nguyền 120.000 đồng/tháng của bà Pháo.
Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông Bích luôn trăn trở: “Giá mà có thể sống được thêm vài năm nữa để thấy con bé Giang trưởng thành, tôi lo cho nó lắm. Nó là đứa cháu cuối cùng của cái gia đình này. Rồi đây, khi tôi nhắm mắt không biết cuộc sống của hai bà cháu nó sẽ ra sao…”.
Khi những trang viết về cuộc đời bất hạnh của ông Hà Văn Bích còn dang dở tôi hay tin ông Bích đã qua đời đầu tháng 4/2009, sau 1 năm chống chọi với trọng bệnh.
Giờ đây trong căn nhà “ ung thư” chỉ còn hai bà cháu nương tựa bước qua quãng đời dài phía trước. Nghĩ vậy, lòng tôi quặn lại.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Cháu Hà Thị Giang: Thôn Đoài Giáp, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội.