Vợ bị tai nạn nằm liệt giường, những tài sản có giá trị đều đã được bán đi, người đàn ông ở Nghệ An sức cùng, lực kiệt cầu mong vợ sống để các con có mẹ ở bên.
Cuối tuần nghỉ học, Lê Đức Bảo, lớp 8, Trường THCS Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) được bố chở xuống Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An thăm mẹ. Nhìn mẹ nằm trên giường bệnh, cơ thể gầy, khuôn mặt không chút phản ứng trước sự xuất hiện của con trai sau tháng ngày dài xa cách khiến Bảo rất buồn.
"Mẹ nhanh khỏe lại để về nhà với con đi. Mẹ còn đau nhiều nữa không. Mẹ phải thật cố gắng nhiều hơn nữa mẹ nhé", Bảo nói.
Đứng bên cạnh, anh Lê Viết Mạnh (49 tuổi, bố của Bảo, trú xóm Xuân Hải, xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa) nhói lòng khi nghe tâm sự của con trai.
Anh Mạnh bê bát cháo đã nghiền nhuyễn vừa cho vợ ăn, vừa thở dài kể, một buổi chiều năm 2022, vợ anh là chị Đoàn Thị Thanh Nga (44 tuổi) đi cấy thuê ở làng bên. Chị đang điều khiển xe máy trên quốc lộ 48 để về nhà, không may tông phải xe đạp điện do 2 học sinh chở nhau.
Cú va chạm mạnh khiến chị ngã ra đường, đầu đập mạnh xuống nền đường, nằm bất động trên vũng máu. 2 học sinh đi xe đạp điện may mắn chỉ bị xây xước nhẹ.
Người dân xung quanh nhanh chóng đưa chị Nga đến bệnh viện cấp cứu nhưng vì tình trạng quá nặng, chị được chuyển lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương với kết luận bị chấn thương sọ não.
"Vợ tôi đã trải qua 5 ca phẫu thuật, điều trị khắp các bệnh viện lớn nhỏ. Dù giữ được sự sống nhưng sức khỏe của cô ấy ngày càng yếu, vẫn nằm một chỗ, mơ màng, không nói được. 3 năm trời đưa vợ nằm viện, tôi chẳng còn gì ngoài 2 bàn tay trắng và khoản nợ khổng lồ, chỉ mong giữ được sự sống cho vợ để 2 con có mẹ mà thôi", anh Mạnh tâm sự.
Ngày vợ chưa bị tai nạn, hàng ngày chồng đi phụ hồ trong các công trình xây dựng, vợ ở nhà chăm lo việc đồng áng, làm thuê.
Năm 2020, cố gắng lắm vợ chồng anh cũng cầm cố nhà cửa, vay mượn họ hàng được khoản tiền lớn cho con trai Lê Đức Sơn (24 tuổi) đi lao động ở Nhật Bản.
Thế nhưng, vừa qua Nhật Bản được mấy tháng thì đại dịch Covid-19, về cũng không được, ở cũng không xong. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, Sơn cố gắng bám trụ để làm việc trả nợ dần.
Dịch bệnh khiến công việc bấp bênh, mãi 2 năm sau mới trả gần hết nợ, mẹ ở nhà bị tai nạn nên Sơn về nước chăm mẹ.
Anh Mạnh cho biết, để có tiền cứu chữa cho vợ suốt thời gian qua, ngoài bán đất, bán bò, anh còn vay ngân hàng, anh em nội ngoại với số tiền 200 triệu đồng.
Ông Phạm Minh Khuê, Trưởng xóm Xuân Hải, xã Đông Hiếu chia sẻ, anh Mạnh dù mắc bệnh tiểu đường nặng nhưng không dám đi chữa trị, phần vì không có tiền, phần vì vợ tai nạn nằm một chỗ 3 năm nay.
Anh Mạnh còn phụng dưỡng bố mẹ già gần 90 tuổi cùng cậu con trai năm nay học lớp 8. Kinh tế trông chờ vào nghề phụ hồ của anh Mạnh, nhưng kể từ ngày vợ gặp nạn, anh quanh năm đưa vợ nằm viện nên không thể đi làm.
Con trai lớn của anh Mạnh sau khi đi Nhật về cũng phụ bố chăm mẹ nằm viện. Những hôm chị Nga bớt đau, người con trai lớn về nhà vừa chăm sóc ông bà, chăm em và tranh thủ đi phụ hồ kiếm thu nhập.
"Từ ngày chị Nga bị bệnh, những tài sản trong nhà như trâu bò, đất đai đều phải bán đi. Phía chính quyền địa phương, bà con thôn xóm cũng kêu gọi ủng hộ được gần 40 triệu đồng để anh Mạnh thêm thắt lo cho vợ.
Thời gian điều trị của chị Nga còn rất dài, chi phí tốn kém trong khi gia đình khó khăn, gánh nặng nợ nần. Mong các nhà hảo tâm hỗ trợ để anh Mạnh có thêm chi phí cứu chữa cho vợ", ông Khuê chia sẻ.