(Dân trí) - Sau tai nạn lao động, cả 3 ngón tay bị nghiền nát, người đàn ông nghèo chạy chữa, hết tiền, gia đình đưa nhau từ thành phố Bình Dương về Đắk Lắk tá túc trong căn nhà bằng tre nứa tạm bợ, sắp sập.
Giữa trưa tháng 5 của Tây Nguyên, chúng tôi tìm đến căn nhà của anh Y Nùn Ayun (33 tuổi) tại buôn Ea Đrai A, xã Tân Tiến (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) qua lời giới thiệu của một chiến sĩ công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự huyện Krông Pắk.
Gọi là nhà nhưng nơi gia đình Y Nùn Ayun tá túc chỉ là một túp lều bằng tre, nứa, vỏn vẹn 10m2. Trong căn chòi vừa đủ chỗ để kê chiếc giường nhỏ với chi chít đồ đạc, áo quần và bếp củi đơn sơ làm nơi nấu ăn cho gia đình 4 người.
Với cái nóng gần 40 độ C, căn chòi thấp, rách nát càng thêm ngột ngạt. Tuy nhiên, với gia đình anh Y Nùn Ayun nếu không có căn chòi này cả nhà không biết tá túc ở đâu, do anh đã cạn kiệt tiền bạc kể từ sau vụ tai nạn lao động.
A Y Nùn Ayun kể, vào 4 năm trước, vợ chồng anh đều làm công nhân tại một xưởng gia công giày dép tại tỉnh Bình Dương. Trong một lần chạy máy nghiền vật liệu, anh Y Nùn Ayun không may bị cuốn cả bàn tay vào máy, dù được ngắt điện kịp thời nhưng cả 3 ngón tay của anh đều bị nghiền nát.
Được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng 3 ngón tay của anh đều bị tháo khớp và 1 ngón út bị ảnh hưởng không cử động như bình thường.
Thời điểm bị tai nạn, anh Y Nùn Ayun mới xin vào xưởng làm chưa được 1 tuần nên chưa ký hợp đồng lao động do đó, anh cũng không có bảo hiểm chi trả mà phải tự lo liệu chi phí chữa trị.
Sau vụ tai nạn không mong muốn, tiền bạc của 2 vợ chồng cạn kiệt, anh Y Nùn Ayun dắt díu vợ con về nhà bố mẹ tại Đắk Lắk để tá túc. Do nhà bố mẹ đông người, anh Y Nùn Ayun được bố mẹ cho một miếng đất nhỏ nhưng không có tiền nên anh đành dựng tạm căn chòi để có chốn chăm sóc con cái.
Để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày, người đàn ông xin đi làm thuê làm mướn khắp vùng, tuy nhiên, ảnh hưởng vụ tai nạn, bàn tay anh Y Nùn Ayun lều khều, lao động chậm chạp nên công việc bữa có bữa không.
"Để vợ con chịu khổ, ở trong căn chòi tạm bợ, tôi cũng rất buồn, dù bản thân cũng cố gắng làm lụng nhưng công việc thất thường nên cũng chỉ đủ tiền ăn hàng ngày. Vợ chồng tôi ao ước có căn nhà nhỏ che mưa nắng nhưng thực tế quá khó khăn quá", anh Y Nùn Ayun nghẹn ngào.
Điều gia đình anh lo lắng nhất là vào mùa mưa bão. Anh Y Nùn Ayun kể, trận mưa lớn năm ngoái, cả căn chòi rung lắc, giật từng hồi như sắp sập, nước dột tứ phía, cả nhà ôm nhau trong căn chòi chỉ chực sập.
Nay mùa khô đến, biết các con nhỏ không chịu nổi cái nóng của Tây Nguyên, ban ngày vợ anh phải bế các con qua nhà họ hàng, làng xóm để ở tạm cho thoáng mát, đến tối mới về lại căn chòi để ngủ chứ không còn cách nào khác.
Gia đình nghèo khó, kinh tế eo hẹp, đến nay người con gái của anh Y Nùn Ayun đã gần 5 tuổi những chưa được bố mẹ cho đến trường. Người bố nghèo cũng tất tả chạy ngược xuôi xin việc làm. Nhiều người thương cho anh Y Nùn Ayun làm công, nhiều người khác lắc đầu từ chối vì anh không được việc khiến người đàn ông càng thêm buồn bã khi chưa thể lo cho gia đình nhỏ của mình.
Ông Y Yik Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết, gia đình anh Y Nùn Ayun là một trong những hộ khó khăn trên địa bàn xã. Anh Y Nùn Ayun không may bị tai nạn lao động, cuộc sống càng thêm vất vả, thiếu thốn.
"Căn nhà tạm của gia đình anh Y Nùn Ayun hiện rách nát, tả tơi nhưng chưa có kinh phí xây dựng. Chúng tôi cũng mong báo Dân trí, mọi người chung tay giúp đỡ gia đình anh sớm có căn nhà vững chãi để an tâm lập nghiệp", ông Y Yik Byă chia sẻ.
|
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Anh Y Nùn AyunĐịa chỉ: Buôn Ea Đrai A (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk
Số điện thoại: 0348.388.187
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.
Đọc thêm chi tiết về hoàn cảnh MS 5221