Cảnh gà trống nuôi con nhỏ trong căn nhà dột nát, anh Sắc thần trí vốn không ổn định lại phải chăm mẹ già thường xuyên ốm đau chỉ mong có căn nhà vững chắc để chống chọi những lúc mưa to, gió lớn.
Khu Chiềng Nhỏ, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cách Hà Nội khoảng 130km nhưng phải đi ô tô hơn 4 tiếng đồng hồ mới tới đầu làng. Rồi từ đây, chúng tôi phải bỏ xe lại cuốc bộ một đoạn dài mới vào tới nhà anh Hà Thanh Sắc (SN 1985).
Gọi là nhà nhưng nơi anh Sắc ở hiện ra trước mắt chúng tôi giống lán dựng cho người ở tạm. Vài miếng fibro xi măng lợp lên trên những cây cột gỗ đã bị mối ăn rỗng, lộ ra cả vết mục bên trong. Thậm chí, các cột trụ đã nứt đôi khiến cho căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Tường nhà được ghép tạm từ những miếng ván gỗ đã nứt toác có thể đưa cả bàn tay xuyên qua. Tệ hơn, trần nhà cũng chỉ được vá tạm bợ bằng vài miếng tôn rách. Khó có thể tưởng tượng được mỗi khi có mưa gió, ba bố con anh Sắc cùng người mẹ già phải hứng chịu cái lạnh thấu xương nơi miền sơn cước.
Bước vào nhà, tài sản có giá trị nhất của anh Sắc là chiếc tủ lạnh cũ trị giá vài trăm nghìn, cùng chiếc quạt máy. Không thấy ai trong nhà, phóng viên liền đi quanh thì thấy anh Sắc đang loay hoay dưới bếp.
Trong căn bếp được quây bằng lưới che nắng và vài thanh tre, anh Sắc đang hì hục sửa lại cái dậm đã vá chằng vá đụp. Nhìn thấy phóng viên, anh Sắc cẩn thận treo đồ nghề kiếm sống chính của cả gia đình lên góc bếp và mời mọi người ra phòng khách.
Vừa rót nước, anh Sắc vừa tâm sự, anh lấy vợ từ năm 2006 và sinh được 2 người con. Con gái đầu là Hà Thiên Hương đang học lớp 6, con trai út là Hà Kiến Quốc học lớp 2. Thế nhưng, điều kiện kinh tế quá khó khăn nên vợ chồng anh đã ly hôn từ năm 2022.
Nói được vài câu, thần trí anh Sắc trở nên không ổn định, người mẹ già bên cạnh đành tiếp lời: "Sau khi ly hôn, Sắc cố gắng làm thuê, làm mướn trải qua nhiều nghề để có tiền cho các con đi học và chăm sóc mẹ già bệnh tật. Tuy nhiên, Sắc không có công việc ổn định mà tôi lại đau ốm, thường xuyên nằm viện, các con còn nhỏ phải đi học nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn".
Mẹ anh Sắc cho biết, con bà hiền lành nhưng chậm chạp nên không có nhiều việc. Tiền công của Sắc chỉ vài chục ngàn đồng đến hơn trăm ngàn. Công việc lúc có lúc không, Sắc thường đi đánh dậm bắt con cá, con tôm để có bữa cơm cho con.
"Ngôi nhà dột nát mà Sắc cùng các con đang ở cũng là do chồng tôi dựng cho con trước khi mất. Khó khăn đủ đường, cả gia đình sống trong căn nhà dột nát. Nhiều đêm nằm thương con, thương cháu, thương thân mình đau yếu bệnh tật, nước mắt tôi cứ trực trào không ngủ nổi", mẹ anh Sắc nghẹn ngào.
Gia đình khó khăn là vậy nhưng theo mẹ anh Sắc, hai cháu Hương và Quốc luôn chăm ngoan, học giỏi và biết đỡ đần cho bố. Ngoài những lúc học hành, các cháu vẫn phụ giúp cơm nước, giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc bà.
Niềm mong mỏi lớn nhất hiện nay của gia đình là được bạn đọc Dân trí cùng chính quyền địa phương chung tay giúp đỡ xây dựng lại căn nhà vững chắc hơn, các cháu có bát cơm, manh áo và có thêm tiền chữa bệnh.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về gia đình anh Hà Văn Sắc, Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn Nguyễn Ngọc Cường cho biết, hoàn cảnh gia đình anh Sắc thực sự khó khăn. Xã rất mong được sự quan tâm của báo Dân trí và các nhà hảo tâm để gia đình anh Sắc có một căn nhà mới kiên cố hơn, giúp cuộc sống của gia đình bớt đi phần nào vất vả.
Hưởng ứng mục tiêu của Chính phủ và lời kêu gọi của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung "toàn ngành chung tay để thực hiện tốt nhất mục tiêu hết 2025 không còn nhà tạm nhà dột nát trên cả nước", báo Dân trí triển khai Chương trình xây dựng 100 căn nhà tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng lao động trên cả nước. Mục tiêu của báo Dân trí đề ra mỗi hộ gia đình sẽ được hỗ trợ tối thiểu 50 triệu đồng từ nguồn tiền ủng hộ của bạn đọc, mạnh thường quân trong và ngoài nước. Chương trình đặt ra tiêu chí mỗi ngôi nhà "3 cứng" đều có sự chung tay của chính quyền địa phương, bạn đọc, mạnh thường quân đồng hành với báo Dân trí. |