Bố mẹ lần lượt qua đời, vợ mất sớm, ông lão mù Đặng Văn Bính sống chật vật, cô độc trong căn nhà cũ nát ở ngoại thành Hà Nội. Hàng ngày ông ăn mì tôm sống, nhiều khi ăn cơm mốc, cháo thiu qua bữa.
Ông lão mù lòa thường xuyên ăn mì tôm sống, nhiều bữa ăn cháo thiu
Ông Đặng Văn Bính (SN 1956) ở xóm Mới, thôn Thanh Mạc, xã Thanh Đa (Phúc Thọ, Hà Nội) bị mù từ nhỏ, sức khỏe ông Bính hiện tại rất kém, tai điếc, mắt mù, lưng còng đi lại phải rê rê từng bước nhỏ. Thời gian này, ông Bính thường xuyên bị lên cơn đau tức ngực trái nhưng ngặt nỗi, ông chẳng có nổi một xu dính túi để có thể nhờ ai đưa đi khám.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, ông Bính lập gia đình năm 29 tuổi, sau đó sinh được một người con trai. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi con trai ông tròn 4 tuổi thì vợ ông bị bệnh hiểm nghèo và qua đời.
Từ đó, người đàn ông mù lòa sống trong cảnh gà trống nuôi con. Sức khỏe của ông Bính cũng vì thế ngày càng kém đi. Một thời gian dài, ông bị đau nửa thân dưới từ thắt lưng trở xuống nhưng điều trị không khỏi dẫn tới còng lưng.
Dù mắt hỏng từ bé nhưng ông Bính chưa bao giờ ngừng cố gắng. Tuổi thiếu niên ông tập tành và làm đủ thứ việc. Lớn lên vẫn gánh vác việc nặng trong nhà, cho tới khi bị còng lưng, người đàn ông mù lòa vẫn ngồi xe lăn đi khắp xóm để thu hoạch ngô thuê.
Con trai ông Bính lấy vợ cách đây gần 10 năm và sống cùng gia đình nhà vợ ở tỉnh Điện Biên, nhưng cuộc sống quá khó khăn nên muốn về thăm bố cũng chẳng có nổi tiền tàu xe. Ông Đặng Văn Tân (anh họ của ông Bính) nói rằng, lần gần nhất con trai ông Bính về thăm bố là Tết năm kia, năm kìa gì đó mà ông không nhớ chính xác.
Người đàn ông mù lòa khốn khổ Đặng Văn Bính hiện sống cô độc trong căn nhà tuềnh toàng được cha mẹ quá cố của ông xây từ 29 năm trước. Mọi sinh hoạt đều trông chờ vào tiền trợ cấp khuyết tật và sự cưu mang của họ hàng, làng xóm.
Cũng may, có hai vợ chồng người anh họ ở cạnh thường xuyên để mắt tới, đó là ông Đặng Văn Tân (65 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hòa (59 tuổi). Ngày nào hai vợ chồng họ cũng thay nhau chạy qua chạy lại.
Trưa 11/6, khi chúng tôi có mặt ở đây, ông Bính dò dẫm để nấu cơm, nhưng tay cứ loay hoay, quờ quạng mãi như tìm từng hạt gạo còn sót lại trong bao tải. Lần mãi không đủ gạo, tới nỗi ông buông xuôi rằng, thôi chiều mới nấu ăn một thể.
"Chú ấy cứ vậy, nấu một lần ăn nhiều bữa. Có những hôm tôi sang thăm thì còn nguyên nồi cháo thiu mà vẫn để lại ăn. Trần đời tôi chưa thấy ai khổ như chú ấy, chả dám ăn đâu, ai cho gì ăn nấy, cho mì tôm thì ăn sống luôn", bà Hòa, vợ ông Tân thở dài.
Chân ông Bính ngày càng yếu, tới nỗi, trong lúc di chuyển, ông phải cầm ngón chân cái để mà kéo cả chân trái lết theo chân phải. Mỗi bước nhọc nhằn di chuyển được chừng gang tay.
Mỗi khi đi lại quanh nhà, ông Bính vẫn thường phải dùng hai cây gậy chống. Nhưng hôm nay ông thấy khỏe nên chỉ dùng một cây thôi. Gậy như que củi mỏng mảnh, một đầu đóng đinh, một đầu buộc dây vải. Mọi hoạt động di chuyển của ông đều dựa vào nó cả.
Ông lão mù lòa trong căn nhà sắp sập, trời mưa nước ngoài sân trong nhà bằng nhau
Căn nhà nơi ông Bính đang ở, nằm giữa khu vườn chuối đầy cỏ dại và những bức tường đổ nát, cạnh con đường bê tông, ven bờ mương của thôn Thanh Mạc.
Nhà này do bố mẹ ông Bính xây đã ngót 30 năm, nay đã xuống cấp trầm trọng. Xung quanh nhà, những mảng tường bong tróc, để lộ những viên gạch non bị thấm đẫm nước, bở ra.
Đứng trên đường nhìn xuống, căn nhà thấp lè tè như bao diêm được nhặt đâu đó từ bãi phế liệu về đặt vào giữa bụi cây hoang dại. Khi chúng tôi đến thăm, hai bên cửa nhà vẫn đóng kín và được quàng bằng sợi xích đã hoen gỉ.
Phải nhờ người gọi và chờ rất lâu thì ông Bính mới lần mò ra mở cửa. Tay, chân ông Bính có vẻ không đủ sức mở cửa, thành thử ông ghếch mông vào từ từ đẩy từng cánh cửa một cách rất nặng nhọc.
Ông Bính tai nghe không rõ, mắt không nhìn thấy nên không thể biết được rằng, căn nhà ông ở, đang trong tình trạng đáng báo động, có chỗ thì sập ông Tân đã phải tự sửa lại. Có đợt mưa gió, nước ngập, vợ chồng ông Tân phải sang di chuyển ông Bính đi nơi khác vì sợ nhà sập.
"Mưa thì nước trong nhà và ngoài sân bằng nhau. Chú ấy mù, có biết cái nhà nó đang thế nào đâu, chúng tôi sợ sập nhà, chết không ai biết", ông Tân chia sẻ chuyện những đợt mưa trước mà vẫn nguyên vẻ lo lắng.
Trong gian nhà ẩm mốc, có nhiều chỗ thủng được bít tạm bằng tấm ván cũ, thậm chí có chỗ được che bằng vải cũ, bao tải rách… Nơi ông Bính ngủ có rất nhiều xô, chậu để hứng nước mưa. Và rồi, người đàn ông này cũng dùng chỗ nước đó để ăn uống hàng ngày.
Nói về mong ước của bản thân, ông Bính chỉ ước có cái tủ lạnh đựng cơm với cháo.
Khi chia sẻ về người em họ của mình, ông Đặng Văn Tân dốc lòng nói: "Tôi thấy cuộc sống của chú Bính là quá nhiều khó khăn. Vợ chồng tôi có miếng ăn thì không quên mang cho chú. Như chúng tôi là anh em họ, cũng chỉ thương miệng thương môi, giúp được miếng ăn miếng uống, để mắt tới và động viên nhau thôi, chứ tuổi già không có tiền bạc mà cho nhau. Mong cộng đồng thương chú ấy, giúp chú ấy thêm".
Ông Đỗ Bá Khang - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, Hà Nội xác nhận thực tế hoàn cảnh khó khăn của ông Bính, đồng thời cũng tha thiết mong mỏi, bạn đọc báo Dân trí tạo điều kiện giúp đỡ để ông Bính vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Ông Đặng Văn Bính (SN 1956)Địa chỉ: xóm Mới, thôn Thanh Mạc, xã Thanh Đa, Phúc Thọ, Hà Nội
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.
Đọc thêm chi tiết về hoàn cảnh MS 5250