Người đàn bà tật nguyền và giấc mơ đại học cho con
(Dân trí) - Bị dị tật bẩm sinh, nỗi vui mừng khi sinh con chưa hết, người mẹ tật nguyền lại lo không biết rồi ra lấy gì cho con ăn. Khi con lớn lên, chị lại tất tả làm lụng, lê đi trên đôi chân què quặt để những mong con không dang dở học hành...
Lê lết nuôi con
Vừa lọt lòng mẹ, chị Nguyễn Thị Năm (sinh năm 1954, trú xóm 4B, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã bị dị tật bẩm sinh ở chân tay. Chân tay khoèo và cong queo khiến chị đi không vững, nhưng chị vẫn gắng đến trường trong lúc chiến tranh đang diễn ra. Rồi chị phải bỏ học dở chừng khi bước vào lớp 2 vì bị những miếng bom nhỏ li ti đâm thẳng vào người và chân tay khiến chị không thể bước đi thêm một bước nào.
Năm tháng trôi đi, tuổi càng lớn hơn, cứ nhìn đám trẻ con trong xóm làng tung tăng vui đùa chị lại càng ao ước có một đứa con để vui vầy lúc tuổi già. Với ý nghĩ ấy, chị âm thầm "xin con". Thế là vào năm 1998 khi 44 tuổi, chị sinh được cậu con trai, đặt tên là Nguyễn Công Mạnh. Những tháng ngày sinh con, chị Năm tưởng như mình không qua nổi bởi dị tật luôn hoành hành, chân tay chị ngày càng teo tóp. Đã thế chị lại chẳng có lấy một đồng để mua thuốc, thành thử có lúc chị đã tính uống thuốc chuột chết đi cho đỡ khổ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Quỹ Nhân Ái, báo điện tử Dân trí, Số 2/48 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội, điện thoại: 04. 7366491 (máy lẻ 403)
2. chị Nguyễn Thị Năm, xóm 4B, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. |
Để kiếm ngày bát gạo nấu cháo cho con ăn đoạn bữa, chị Năm làm hết việc này đến việc nọ. Mảnh vườn khoảng 50m2 cạnh nhà được chị “tận dụng” hết công suất, hết trồng cải, rồi trồng bầu, nuôi gà.... Chị còn ra sức chăm bẵm cho mảnh rau muống nhỏ xíu để hái những ngọn rau non nhất, xanh nhất ra chợ bán kiếm vài ba ngàn đồng gom góp cho con ăn học. Nhưng giờ đây, sau những ngày giá rét cực độ, mảnh rau ấy đã lụi tàn, chị Năm phải lết khắp mảnh vườn nhỏ nhen nhóm những gì có thể kiếm ra tiền để nuôi con.
Giấc mơ cho con ăn học nên người
Đến thăm nhà chị Năm, thấy trong nhà nhìn đi nhìn lại cũng chỉ có cái giường, cái bát, xoong nồi là có giá, ngoài ra chẳng có thứ gì khác đáng đồng tiền. Ngay cả căn nhà này cũng không phải của chị, mà là của chú em út. Nay mai, hai mẹ con còn chưa biết sống ở đâu vì chú út đã lập gia đình trong miền Nam và sắp trở về.
Biết phận mình đói nghèo, lại cộng thêm bệnh tật, nhiều lúc chị Năm muốn cho con nghỉ học. Nhưng nghĩ đến tương lai của con, chị lại không đành lòng. Chị đã viết đơn xin miễn giảm tiền cho cháu Mạnh, rồi lết đi trên đôi chân tật nguyền lên tận xã, đến tận trường nộp đơn xin sự "cứu giúp" của cấp trên. Đôi chân khoèo của chị ứa từng giọt máu, nhiều người thấy thế lấy làm chạnh lòng và chở giúp chị về nhà. Sau trận ấy, chị nằm liệt giường mất mấy tháng liền.
Nhìn căn nhà trống huơ hoắc, nhìn hai mẹ con chị Năm ngày hai bữa cơm rau chấm muối vừng, chúng tôi thấy lòng mình như trĩu nặng mà chẳng biết làm gì. Rời căn nhà nơi hai mẹ con chị Năm ở tạm, trong tôi vẫn ám ảnh lời chị: “Chừng nào tui còn lê được một bước, tui quyết tâm nuôi cháu Mạnh học hành đến nơi đến chốn. Chỉ mong trời cho tiếp tục được sống, có chút sức lực để mà lo cho cu Mạnh....".
Nguyễn Duy