"Xin các nhà hảo tâm cho chồng em một cơ hội được sống. Chỉ cần chồng được phục hồi, dù thế nào em cũng đi làm kiếm tiền nuôi anh ấy. Hai con em còn nhỏ quá…", người vợ nắm chặt tay chồng trong phòng hồi sức, nghẹn ngào khẩn cầu.
Đầu tháng 8, phóng viên Dân trí nhận được lời đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho một hoàn cảnh bị tai nạn rất thương tâm. Thời điểm phóng viên tiếp cận, bệnh nhân vẫn đang ở giữa lằn ranh sinh tử.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Trắng, khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) chia sẻ, bệnh nhân Nguyễn Hồng Thậm (34 tuổi) nhập viện cuối tháng 7 trong hoàn cảnh bị điện giật nặng tại công trình.
Khi được đồng nghiệp đưa vào viện, bệnh nhân đã ngưng tim, suy đa cơ quan, tổn thương cơ tim.... Dù được các bác sĩ khẩn cấp hồi sức có tim trở lại, bệnh nhân vẫn trong cơn nguy kịch, suy hô hấp, tụt huyết áp, choáng tim…
Trước tình trạng này, ekip điều trị quyết định cho bệnh nhân chạy ECMO (hồi sinh tim phổi nhân tạo), hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục. Sau khoảng 5 ngày điều trị, bệnh nhân cai ECMO, chức năng tim có cải thiện nhưng tình trạng vẫn rất nặng, phải thở máy, điều trị kháng sinh, theo dõi tổn thương não sau ngưng tim.
Thạc sĩ, bác sĩ Giang Minh Nhật, Phó trưởng khoa Hồi sức tim mạch cho biết, vì sử dụng các biện pháp can thiệp phức tạp, viện phí của bệnh nhân đã rất cao. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình còn nợ đến 120 triệu đồng. Đáng chú ý, bệnh nhân chưa mua được bảo hiểm y tế, khiến tiền điều trị mỗi ngày tiếp tục tăng nhanh.
"Anh Thậm vào viện không có gì trong người, không căn cước công dân lẫn tiền bạc. Bệnh nhân còn quá trẻ, đang làm thợ hồ để nuôi vợ và hai con nhỏ, nên Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo làm tất cả mọi thứ có thể để tìm cách cứu sống.
Hiện tại, chúng tôi cho bệnh nhân thở máy, dùng an thần, kháng sinh và chờ xem não có hồi phục hay không, vì thời gian thiếu oxy kéo dài quá", bác sĩ Nhật thông tin.
Bên giường bệnh, chị Phạm Thị Thanh Thùy (29 tuổi), vợ anh Thậm nuốt nước mắt chia sẻ, trước đây vì Covid-19, họ rời Thành phố về quê do không thể cầm cự nổi cuộc sống. Giữa năm 2023 khi tình hình dịch đã được đẩy lùi, cả hai trở lại TPHCM để mưu sinh.
Gần đây vì mới sinh con, chị Thùy về quê ngoại Cà Mau để tiện chăm sóc bé và người mẹ lâm bệnh, trong khi chồng ở lại để đi làm thợ hồ lo sinh kế.
"Khi cha chồng gọi báo cho em hay anh Thậm gặp nạn, em sốc đến ngất xỉu. Sáng hôm sau, em bắt xe lên tới bệnh viện thì anh ấy đã trở nặng. Lúc đó bác sĩ có nói sợ cứu không được, em rầu lắm, chỉ biết khóc…", chị Thùy nói, tiếng hòa vào âm thanh máy thở. Trên giường bệnh, miệng anh Thậm mấp máy liên tục, tay chân co giật nhưng mắt vẫn nhắm nghiền.
Người vợ tâm sự, vì con gái út mới 8 tháng tuổi không thể gửi, nên khi phải chăm chồng gặp nạn, chị ẵm con theo từ Cà Mau lên TPHCM. Những ngày qua, cả gia đình bệnh nhân cố gắng đi vay mượn khắp nơi, nhưng chỉ lo được 50 triệu đồng đóng viện phí. Chị Thùy thú thật, đã hết khả năng để đóng tiếp.
"Ở quê không có đất, cả nhà em ai cũng lang bạt ở trọ đi làm mướn, không thể lo nổi tiền viện phí. Xin cộng đồng giúp đỡ dùm để anh Thậm sống tiếp. Chỉ cần chồng trở về, dù thế nào em cũng đi làm kiếm tiền nuôi anh ấy. Hai con em còn nhỏ quá, cháu lớn ngày nào cũng hỏi sao mẹ không chở cha về ngủ với con…", người vợ tâm sự.
Trước khi rời căn phòng hồi sức, chị Thùy vẫn cố nắm chặt tay chồng, nói như cầu nguyện: "Anh mau khỏe lại về với em, với con. Hai đứa nó ở nhà nhớ anh lắm. Anh ơi…".
Đại diện phòng Công tác xã hội chia sẻ, mỗi đóng góp dù nhỏ hay lớn đều là nguồn động viên lớn lao cho anh Nguyễn Hồng Thậm trong cuộc chiến giành lại sự sống. Do đó, bệnh viện xin được kêu gọi sự giúp đỡ từ những nhà hảo tâm gần xa cho hoàn cảnh này.