(Dân trí) - Năm 2019, Thu phát hiện bản thân mắc ung thư vú khi vừa sinh đứa con trai đầu lòng. Các biến chứng càng rõ ràng hơn khi căn bệnh đã di căn đến phổi và não nhưng Thu vẫn cố gắng chống chọi vì con trai.

"Biết ơn vì hôm nay con tôi vẫn chưa mồ côi mẹ…"

Vừa qua, câu chuyện của Bùi Thị Hà Thu (SN 1992, trú tại Thị trấn Hát Lót, Sơn La) tự chụp ảnh thờ, viết "tâm thư" gửi con trai sau ngày mất đã lấy đi không ít nước mắt của độc giả. 

Phía sau câu chuyện đau lòng ấy là nỗi đau Thu phải trải qua từng ngày. Từ khi phát hiện ra bệnh, Thu đã trải qua tổng cộng 73 lần truyền hóa chất và đang chuẩn bị cho lần truyền thứ 74 sắp tới. Không những vậy, cô gái 32 tuổi đã vượt qua 20 mũi xạ trị cho căn bệnh ung thư vú.

Lời khẩn cầu của người mẹ tự chụp ảnh thờ, viết tâm thư gửi con trai

Trong một ngày đầu tháng 8 tại Hà Nội, khi cái nắng như muốn thiêu đốt tất cả thì tôi đã có dịp gặp mẹ của Thu. Vừa hỏi thăm được vài câu, một chiếc xe khách Sơn La - Hà Nội đột ngột dừng lại trước mặt chúng tôi. 

Sau một tiếng xì, cửa xe kéo thật mạnh về một phía, hiện ra trước mắt tôi là hình dáng của một cô gái hơn 30 tuổi dáng người gầy gò, tay chân teo tóp, mặt nổi đầu mụn. Nhưng trong đôi mắt của cô gái ấy lại toát lên vẻ nghị lực mạnh mẽ phi thường.

Lời khẩn cầu của người mẹ tự chụp ảnh thờ, viết tâm thư gửi con trai - 1

Mẹ Thu phải cõng con đi khám bệnh và về nhà (Ảnh: Minh Trang).

Dồn sức vào đôi tay nhỏ bé, Thu cố gắng bấu víu vào tay phụ xe để bước xuống bậc. Sau hai bước chân khó nhọc, Thu rướn người lên để ngã vào tấm lưng gầy gò của mẹ đã chờ sẵn phía dưới.

Có vẻ như hình ảnh này đã quá quen thuộc với nhà xe nên không một ai trên xe cảm thấy phiền lòng. Thay vào đó là những lời cảm ơn và lời chúc mau hồi phục vang lên rộn ràng. 

Hai chân của chị Thu đã teo đi vì bệnh tật khiến việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. "Mỗi lần muốn di chuyển đều phải sử dụng xe lăn hoặc có người cõng, thậm chí nhiều lúc đi vệ sinh tôi cũng phải có người dìu đi", Thu khẽ nói  với tôi.

Cứ 3 tuần, chồng lại đưa Thu lên xe khách từ Sơn La xuống Hà Nội để chữa bệnh. Khi gần tới, Thu sẽ gọi mẹ đang trọ ở Hà Nội ra cổng viện chờ sẵn để cõng cô vào viện.

Lời khẩn cầu của người mẹ tự chụp ảnh thờ, viết tâm thư gửi con trai - 2

Sức khỏe của Thu ngày càng yếu (Ảnh: Minh Trang).

Biết con gái mệt, mẹ Thu gồng mình cõng cô thật nhanh vào viện. Vừa đi, mẹ vừa động viên Thu cố gắng vì gia đình, vì đứa con trai còn thơ dại.

Hiện nay, tình trạng phổi của chị Thu ngày càng kém dần, dù mới 32 tuổi nhưng Thu từng bị cháy phổi do xạ trị khối u vú. Khối u lớn nhất thậm chí to bằng quả trứng gà.

"Mỗi khi truyền thuốc, da mặt tôi đều nổi mụn loang lổ. Tôi còn bị phát ban, mẩn ngứa, trào ngược dạ dày... Thậm chí, xạ trị khiến bản thân cháy ven, cảm giác cơ thể bỏng rát và chảy máu cả 2 tay.

Lời khẩn cầu của người mẹ tự chụp ảnh thờ, viết tâm thư gửi con trai - 3

Khối u đã đến giai đoạn cuối (Ảnh: Minh Trang).

Khối u di căn lên não khiến tôi phải xạ trị thêm Gammar knife não (là phương pháp xạ trị điều trị u não ác tính). Xạ trị phải liên tục nếu không khối u não phát triển nhanh quá sẽ di căn thêm khối u chỗ khác", Thu chia sẻ với tôi trong trạng thái kìm nén đau đớn.

Vào phòng bệnh, Thu được đặt lên giường để truyền dịch. Đôi tay Thu vô thức nắm chặt tay mẹ để quên đi nỗi đau. Nhưng cô vẫn không quên giữ nụ cười gắng gượng trên môi để mẹ không lo lắng, thể hiện mình luôn lạc quan đứng trước ranh giới sinh tử.

Đau đớn dày vò từng giây nhưng mỗi lần nghĩ về cậu con trai, Thu như nhìn thấy hi vọng để cố gắng sống tiếp. "Tôi khao khát được sống. Ngày nào còn được mở mắt, còn được thở, tôi biết ơn cuộc đời ngày ấy. Biết ơn vì hôm nay con tôi vẫn chưa mồ côi mẹ…", Thu vừa nói những giọt nước mắt vừa lăn dài thấm đẫm trên gối.

5 năm sống chung với ung thư, sức khỏe của Thu ngày càng yếu dần, kinh tế gia đình cũng kiệt quệ theo. Từ trụ cột chính của gia đình, giờ đây Thu đã không còn khả năng lao động. Chi phí khám chữa bệnh phải chạy vạy mọi nơi, chỗ nào thân quen Thu đều liên hệ hết nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.

Lời khẩn cầu của người mẹ tự chụp ảnh thờ, viết tâm thư gửi con trai - 4

Nghị lực để Thu tiếp tục sống chính là tình yêu thương của gia đình (Ảnh: Minh Trang).

Do tình hình căn bệnh chuyển biến ngày càng nặng, từ sau Tết Nguyên đán 2024, Thu xin nghỉ việc tại cơ quan. Hoàn cảnh gia đình túng thiếu vì gánh nặng ung thư, nay càng khó khăn hơn khi chồng đi làm thêm bị ngã đứt dây chằng, phải vào viện mổ gấp.

Gánh nặng kinh tế đè lên vai của đôi vợ chồng trẻ. Để có tiền đi xạ trị mỗi tháng, gia đình lại phải vay tiền ngân hàng rồi lại gom vào trả, trả xong được một tháng lại phải vay lại.

Mỗi khi nghĩ đến "vòng lặp chẳng có hồi kết" này Thu lại bật khóc. Số tiền nợ ngân hàng đã lên tới con số gần 800 triệu đồng và không còn khả năng chi trả.

"Bệnh tật chẳng biết lúc nào ra đi, tôi chẳng để lại cho con được cái gì lại khiến chồng và con mang trên mình khoản nợ khổng lồ", Thu nói khi khuôn mặt đã ướt nhèm từ dòng nước mắt chảy nước mắt chảy ra lúc nào không hay.

Bà Nguyễn Thị Thảo (SN 1968, trọ tại Hà Nội) mẹ đẻ của chị Thu thuê trọ tại con phố Phạm Văn Đồng, Hà Nội, mỗi ngày bà Thảo đều bán rong trên vỉa hè phố Phạm Văn Đồng để kiếm sống qua ngày. Chi phí sinh hoạt thiếu thốn, bà Thảo cũng không thể hỗ trợ con về kinh phí chữa trị.

Lời khẩn cầu của người mẹ tự chụp ảnh thờ, viết tâm thư gửi con trai - 5

Trong căn phòng trọ cũ kĩ của bố mẹ ở Hà Nội, Thu không đêm nào ngủ được vì thương số phận mình (Ảnh: Minh Trang).

Túm vạt áo gạt đi khóe mắt rưng rưng, bà Thảo cho biết: "Tôi bán hàng cả ngày ngoài đường, thậm chí có những hôm chẳng có ai mua. Bố của Thu làm bảo vệ đến tối mới về, 2 vợ chồng tôi tích cóp được vài đồng để mỗi lần con gái lên Hà Nội chữa bệnh cũng có phí chăm sóc.

Thu bề ngoài lạc quan là vậy, nhưng đêm nào nằm cạnh, con gái tôi cũng khóc nấc nghẹn ngào. Những đau đớn dày vò khiến nó khóc đến khi mệt mới ngủ được. Nhưng giấc ngủ cũng lại đứt đoạn vì cơn đau hành hạ. Những lúc như vậy tôi thấy thương con vô cùng nhưng lại chẳng biết làm gì được, tôi thương lắm!".

Lời khẩn cầu của người mẹ tự chụp ảnh thờ, viết tâm thư gửi con trai - 6

Mỗi tháng tiền thuốc 25 triệu đồng cùng với khoản nợ hơn 800 triệu đồng khiến gia đình Thu kiệt quệ về tài chính (Ảnh: Minh Trang).

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Theo bệnh án của chị Hà Thu, căn bệnh của chị đã đến giai đoạn cuối, các loại thuốc chữa lại đắt tiền do phải dùng thuốc chuyên trị.

Không còn trụ thêm được gánh nặng kinh tế. Thu khóc nấc lên thổn thức: "Tiền viện phí thuốc mỗi tháng lên tầm 25 triệu đồng, chồng tôi cũng nằm viện do ngã đứt dây chằng nên mấy tháng nay chẳng thể đi làm. Vì vậy tôi mong nhận được sự giúp đỡ từ phía bạn đọc Dân trí để tôi có điều kiện chữa trị". 

Hiện nay, chị Thu đang điều trị tại Bệnh viện 19-8 Bộ Công an. Tuy nhiên, theo bác sĩ điều trị trực tiếp cho chị Thu, tiên lượng về sức khỏe của chị rất xấu.

Cụ thể, bác sĩ điều trị cho Thu tại viện 19-8 cho biết, từ tháng 10/2019, bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư vú phải và di căn sang phổi 2 bên. Đến tháng 10/2020, Thu phát hiện ung thư di căn sang não và phải điều trị Gama Knife tại Bệnh viện Bạch Mai.

Từ tháng 1/2021, tình trạng bệnh nặng hơn. Vú trái sờ thấy khối 3cm đã sinh thiết là khối u xơ, vú phải một phần tư dưới trong có u kích thước 7cm, xâm lấn da gây tím da, đỏ da gây loét, chảy ít dịch, vùng trung tâm lệch 1/4 trên ngoài có u kích thước 5cm (tăng dần kích thước), rắn chắc không di động, bác sĩ điều trị của Thu cho hay.

"Từ tháng 5/2024 đến nay, Thu đã được xạ trị giảm đau vùng u vú phải, sau đó đổi phác đồ điều trị hóa chất. Trong thời gian tới, các bác sĩ sẽ chăm sóc nâng cao thể trạng, hóa chất triệu chứng, nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống tối đa cho bệnh nhân", tuy nhiên bác sĩ điều trị của Thu cho biết, tiên lượng sức khỏe của cô rất xấu.

 

Mã số 5290:

Lời khẩn cầu của người mẹ tự chụp ảnh thờ, viết tâm thư gửi con trai

13/08/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng hoàn cảnh

Báo Dân trí