Không phải “người bình thường” nào cũng làm được như Phương!
(Dân trí)- Lần đầu gặp Phương ai cũng thương cảm cho chàng trai nhỏ bé, gần ba mươi tuổi mà chỉ như cậu bé lên năm. Thế nhưng sau vẻ ngoài ấy là một bản lĩnh thực sự, anh đã kiếm sống bằng chính đôi tay của mình mà không phải người bình thường nào cũng làm được.
Đó là Nguyễn Ngọc Phương, 29 tuổi (Quế An - Quế Sơn - Quảng Nam) bị ảnh hưởng chất độc da cam từ thuở nhỏ vì bố anh tham gia kháng chiến tại chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng nên anh chỉ cao 90cm, cân nặng 20kg.
Gia đình rất nghèo vì đông con, cả nhà có 6 anh chị em. Cuộc sống hết sức cơ cực, nhưng bằng nghị lực phi thường Phương đã phải tự vươn lên lăn lộn trong cuộc sống nơi đất khách quê người vừa học nghề vừa kiếm sống. Và giờ đây anh lại là người cùng chung sức với người cùng cảnh ngộ như anh.
Vươn lên tật nguyền
Nhà Phương nằm dưới chân núi Dương Là, một huyện miền núi của đất Quảng ngày phải “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Tuổi thơ của Phương chỉ là những ký ức nhạt nhoà, mông lung ngày đêm tiếng hời khóc của mẹ.
Mới 14 tuổi, Phương một mình lặn lội ra thị trấn Đông Phú học nghề để kiếm tiền về đỡ đần gia đình. Tuy nhiên, đi đến đâu anh cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối vì lý do chiều cao “quá khiêm tốn”. Cực chẳng đã, nhưng Phương không nản với phương châm “người ta làm được thì mình cũng cố gắng, cho dù công việc ấy là khó khăn”.
Không tìm được người dạy chính cho mình, Phương tìm cách học lén và cứ thế cuối cùng rồi Phương cũng thành thục học nghề bơm ga, cách sử dụng đồ nghề này mà mình yêu thích.
Trở về quê Phương liền sắm sửa dụng cụ và bắt đầu hành nghề bơm ga kiếm sống. Thế nhưng việc đi lại của Phương lại là một thử thách. Không nản chí, anh quyết tâm tập đi xe đạp. Nhưng với thân hình như chú bé lên năm nên rất khó khăn. Rất may một người thương tình đã mua tặng Phương một chiếc xe đạp phù hợp.
Dù không biết bao lần tập xe bị ngã, trầy xước chân tay, mẹ Phương xót lòng khóc van Phương đừng cố tập. Tuy nhiên, những cố gắng đã không phụ con người. Rồi anh đi được và ngày lại ngày đạp xe quanh xóm bơm ga cho làng xóm để kiếm vài ba ngàn đồng về giúp gia đình.
Nhưng việc bơm ga cũng không thuận lợi, thu nhập lại thấp nên Phương lại xuống thị trấn học nghề sửa chữa đồng hồ đeo tay. Lần này may mắn Phương được người thợ truyền nghề cho còn đóng chiếc ghế cao hơn cái tủ hành nghề. Thấy vẫn không yên ổn với công việc kiếm sống “bữa đực, bữa cái” vì các nghề này ngày càng thưa vắng khách hàng.
Một lần nữa Phương lại khăn gói lên đường đi học nghề mong kiếm được nhiều tiền hơn giúp đỡ cho gia đình. Quyết định đi xa học nghề khác của anh đã làm người mẹ phải khóc vì thương đứa con tật nguyền tội nghiệp không phải bị như thế “Nó đáng được hưởng những ưu đãi mà lẽ ra là từ rất lâu rồi”. Nhưng Phương không nản với quyết tâm: “Mình nghèo, các em không có tiền ăn học, bố lại bị đau ốm triền miên. Con vào Sài Gòn học nghề giúp đỡ cả nhà thì phải học một nghề khác tốt hơn khi nào học được nghề ổn định thì con về”.
Vào Sài Gòn, Phương bắt xe ôm dạo quanh đường phố, đến nhiều tiệm sửa xe honda, thế nhưng không có người nhận vì thấy Phương như “người ngoài hành tinh” nên không nhận. Nhưng với quyết tâm kiếm sống Phương đã đăng ký đơn tìm việc. Thật không ngờ, mẫu tin vừa đăng đã được ông Mai Thành Hoàng ở phường 13, quận Tân Bình nhận vào học nghề sửa chữa honda tại tiệm ông và còn được chủ cho ăn ở không tính tiền nữa.
Mặc dù tiệm sửa chữa chỉ làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng dù vất vả thế mà cứ sau giờ làm Phương vẫn lại tự tìm đồ hư hỏng để mày mò sửa chữa.
Nửa năm sau, Phương được ông chủ trả lương như một người thợ bình thường và còn bao ăn cơm. Hạnh phúc vì được chủ tiệm coi trọng từ đó Phương càng cố gắng làm việc và anh còn được phân công làm giám sát và chỉ đạo mọi việc trong tiệm sửa xe này.
Và “Giấc mơ mang tên mình”
Sau 8 năm lăn lộn kiếm sống ở Sài Gòn, Phương trở về quê. Phương kể, có lần về thăm quê, thăm làng xóm nhìn thấy nhiều người cũng có hoàn cảnh giống mình là Phương nghẹn ngào. Mình có thể may mắn vượt qua, nhưng sẽ có rất nhiều người như Phương sẽ không bao giờ đạt được ý nguyện chứ đừng nói đến chi kiếm sống bằng chính đôi tay của mình. Ý định ấy chỉ loé sáng chứ Phương cũng không bao giờ thực hiện được vì hoàn cảnh gia đình Phương cũng vô cùng vất vả và cả vì sự tự ti của bản thân tật nguyền của Phương nữa.
Cuối năm 2007, Phương ra Đà Nẵng thuê nhà ở đường Âu Cơ, phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu để mở tiệm sửa chữa xe máy cùng với ai người học trò nghèo vừa làm vừa học nghề và cũng đỡ đần cho anh những công việc nặng mà anh không thể làm nổi.
Tiệm sửa xe vừa vào hoạt động được gần 8 tháng, khách hàng đã bắt đầu quen, thì bên cho thuê cửa hàng sắp đi nước ngoài nên phải bán nhà Phương phải chuyển tiệm đi chỗ khác, bao nhiều vốn bỏ ra làm ăn giờ chưa thể thu hồi lại kịp.
Thấy khó khăn, Phương liền tìm đến Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin Đà Nẵng nhờ giúp đỡ. Cảm động trước hoàn cảnh của Phương, Hội đã mời Phương vào đây dạy nghề. Lúc đầu Phương ái ngại vì thiếu tự tin và hơn nữa trọng trách phải kiếm tiền giúp các đứa em còn thơ dại nên Phương từ chối.
Nhưng cuối cùng anh cũng đã đồng ý làm công việc gian nan này mà không màng đến thu nhập. Nhất là sau khi đi thăm trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/đioxin ở đường Nguyễn Như Hạnh. Ở đây Phương đã bắt gặp những cậu bé như Hoạch, Hoài, Hương… những đứa trẻ có số phận giống mình đã làm Phương xúc động. Từ đó Phương dành thời gian và tâm huyết với công việc dạy nghề cho người khuyết tật.
Chị Nguyễn Thị Hiền Chủ tịch Hội xúc động: “Phương là một tấm gương thể hiện sự nỗ lực, điều đó rất đáng quý đó là tấm gương cho các em ở trung tâm noi theo”.
Khi hỏi về tương lai, Phương tâm sự: “Trước mắt thời gian còn dài, nhưng mình sẽ cố gắng làm thêm để giúp đỡ các em còn ăn học. Sau đó sẽ hết sức đóng góp chút công sức cho Hội nơi mà nhiều bạn cũng như mình đang từng ngày mong muốn được vươn lên”.
Trần Minh