Hà Tĩnh:
Gần 30 triệu đồng đến cô gái trẻ mắc căn bệnh hiểm nghèo
(Dân trí) - Ngược thành phố Hà Tĩnh hơn 60km, chúng tôi trở lại thăm ngôi nhà của cô gái trẻ Phan Thị Hồng Thơm (thôn Hợp Phát, xã Đức Giang, huyện Vũ Quang) - nhân vật trong bài viết "Cha già bất lực nhìn con gái chết mòn vì bệnh ung thư máu".
Sáng 4/2, sau hơn 1 tháng trở lại, trong mỗi chúng tôi đều cảm thấy phấn khởi khi sắp được tận tay trao số tiền 29.600.000 của bạn đọc ủng hộ giúp em chữa bệnh. Thế nhưng chưa kịp vui mừng thì chúng tôi được người nhà thông báo Thơm đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, em vừa kết thúc đợt xạ trị thứ 1.
Đã 3 tuần nay, bố Thơm đều túc trực Thơm trong thời gian điều trị. Hiện chỉ còn mẹ Thơm ở nhà cùng chị gái thứ 2. Gặp chúng tôi, bà Trần Thị Tích – mẹ Thơm, không giấu nổi những giọt nước mắt khi kể về người con gái út của mình.
“Thơm ngoan lắm, là con út nhưng hay lo lắng, suy nghĩ của cha mẹ và anh chị. Đi mô về cũng mua quà, tiền cũng từ tiết kiệm rồi làm thêm. Ai ngờ, cháu bị bệnh hiểm nghèo như thế. Tôi chỉ sợ…”, không dám nghĩ tiếp, bà Tích lại nghẹn ngào.
Mỗi lần có điện thoại từ ông Phan Văn Nậm – bố Thơm, bà lại lo lắng không yên. Bởi nhiều ngày nay, bệnh tình của Thơm đang xấu đi.
Thơm năm nay vừa tốt nghiệp khoa Lý luận chính trị trường ĐH Hà Tĩnh với tấm bằng loại ưu. Trong thời gian nộp hồ sơ chờ việc, Thơm xin làm thuê tại Thành phố HCM. Khi vừa có tin vui từ công việc cũng là lúc em được biết mình mắc căn bệnh hiểm nghèo. Sau khi đi khám tại bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, các bác sĩ chẩn đoán em bị ung thư máu cấp tính dòng tủy. Theo tính toán ban đầu, muốn cứu sống Thơm, gia đình phải tốn hơn 1 tỷ đồng nhưng sự sống của em cũng rất mong manh.
Đó là số tiền quá lớn với 1 gia đình quanh năm với ruộng vườn như gia đình em. Gia đình đành vay mượn điều trị tạm thời cho Thơm một thời gian. Hết tiền, Thơm xin về nhà điều trị.
Thế nhưng căn bệnh của Thơm khi đã phát hiện ra, nó phát triển một cách nhanh chóng. Về nhà được 2 tuần vòm miệng của Thơm bắt đầu sưng loét, không ăn uống được. Thời gian đầu, chỉ choáng nhẹ, Thơm vẫn đi lại được. Nhưng sau đó, em thường xuyên bị ngất, phải nằm một chỗ. Lắm lúc, Thơm không tự chủ để đi vệ sinh. Lo lắng bệnh tình của em, gia đình một lần nữa đưa em đi điều trị tại khoa huyết học, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Hiện nay, các bác sĩ vừa kết thúc đợt xạ trị đầu tiên cho Thơm. Được biết, em còn phải trải qua 3 đợt xạ trị như thế, sau đó mới ghép tủy.
Được biết, mỗi đợt xạ trị, gia đình phải tốn từ 100 triệu đến 150 triệu đồng. Trong đợt xạ trị lần 1, chị gái Thơm đã phải cầm cố nhà cửa và vay mượn của bạn bè để chạy chữa cho em. Trong những lần xạ trị tiếp theo gia đình Thơm vẫn chưa biết sẽ bấu vúi vào đâu.
Hằng ngày, cơ thể của Thơm được chuyền 2 bịch máu, 2 bịch tiểu cầu và đạm, kháng sinh…
Theo người nhà kể lại: Thơm nhiều khi thèm ăn lắm nhưng không ăn được. một phần do miệng bị loét, một phần cứ ăn vào lại nôn ra. Nhiều khi đau quá, nhưng Thơm không dám nói, cứ nghiến răng bíu chặt giường bệnh chịu đau vì sợ bố lo. Đến khi không có sức để mà bíu nữa em lại lả đi. Nhiều người vào thăm người nhà trong phòng, ai cũng thương, cảm phục nghị lực sống của em.
Trên trang facebook của Thơm, bạn bè của em vẫn luôn quan tâm, nhắn tin động viên Thơm. Tất cả những điều này là nguồn động lực tiếp thêm niềm tin cho Thơm ở phía trước.
Thơm chia sẻ trên facebook của mình “…Tinh thần phải mạnh mẽ mặc dù cơ thể đã yếu đi nhiều, các mạch máu đã yếu dần đi đến nỗi mỗi lần gọi tên lấy máu và chuyền thuốc là giật bắn người khi nghĩ đến các mũi kim đâm vào nhưng ko thành công. 2 cánh tay giờ đếm không được những nốt chai sạn của những lần chuyền và lấy máu, rồi tâm trạng cứ hoảng hốt mông lung khi mỗi lần nghe y tá bảo "ven em yếu" hay "ca này khó quá". Ai cũng nhận xét Thơm mạnh mẽ mà giờ ngồi kể lể về mấy mũi tiêm thế này thật xấu hổ. Đúng vậy, mấy mũi kim bé tí thì nề hà gì so với cái tuổi 24, cái tuổi đội trời đạp đất chông gai chẳng là gì”…
Không gặp được Thơm ở nhà, chúng tôi đã trao số tiền 29.600.000 của bạn đọc báo Dân trí ủng hộ cho người nhà của Thơm trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Đón nhận món quà này, bà Tích – mẹ Thơm vô cùng xúc động, bà cũng cho biết, trong nhiều ngày qua gia đình bà đều được bạn đọc gọi điện thăm gọi và ủng hộ.
Có mặt tại buổi trao quà, ông Nguyễn Minh Vĩnh- chủ tịch UBND xã Đức Giang, thay mặt gia đình gửi lời cám ơn chân thành đến bạn đọc báo Dân trí đã chia sẻ với gia đình em Phan Thị Hồng Thơm trong cơn hoạn nạn. Và mong rằng sẽ có thêm nhiều sự quan tâm, chung tay của bạn đọc để cứu lấy sự sống cho Thơm.
Thế những niềm vui chưa kịp gửi đến tay em thì chúng tôi nhận được tin xâu vè bệnh tình của Thơm. Ngày 5/2, 1 ngày sau khi trao số tiền của bạn đọc cho gia đình em PhanThị Hồng Thơm, tôi được cán bộ xã thông tin Thơm vừa mất trong tối 4/2 tại bệnh viện Bạch Mai. Thật khó diễn tả được cảm xúc của tôi lúc này. Bởi mới hôm qua thôi, khi trao số tiền của bạn đọc đến gia đình, tôi đã hy vọng và chắn chắn trao cả hy vọng cho người thân của em.
Trên facebook của em, từng giờ những dòng tin nhắn của bạn bè vẫn đang được cập nhật. Nhưng em không còn đọc, trả lời cho bạ em được nữa.
Tôi lướt trang facebook của em và dừng lại trước dòng tin nhắn vĩnh biệt của một chàng trai: “Em à anh không biết ở nơi đó em có nghe những lời anh nói hay ko. Em ác lắm em đã hứa là sẽ chờ anh qua về nữa mà em bảo em sẽ cố gắng chiến thắng bệnh tật cơ mà. Tại sao em ko chờ anh về chứ tại sao em bỏ lại anh 1 mình chứ? Rồi đây anh sẽ ra sao khi bên anh ko còn em nữa hả em? Có phải ông trời đã quá bất công với chúng mình ko hả em? Dù cuộc sống có thế nào đi nữa em vẫn luôn ở trong trái tim của anh. kiếp sau chờ anh em nhé . Anh mãi mãi yêu em”…
Đó là dòng tin nhắn của người yêu Thơm. Đôi bạn trẻ dự định năm 2016 sẽ kết hôn sau khi chàng trai đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài trở về. Trong thời gian Thơm bị bệnh, bạn trai đã bay một quãng đường xa về chăm sóc Thơm gần 2 tuần. Anh cũng chỉ vừa mới đi cách đây ít ngày…
Phượng Vũ