(Dân trí) - Cụ Ẹt 92 tuổi ở Lạng Sơn, đi không vững, kiệt sức vì nuôi người con trai tâm thần, bại liệt. Nhiều hôm chẳng có gạo, cụ phải sang nhà hàng xóm xin để về nấu cháo, mẹ con ăn qua ngày.
"Con chết trước thì mẹ còn lo được, chứ mẹ chết rồi không biết con sẽ thế nào"
Cụ Hứa Thị Ẹt (SN 1932) ở phố Nà Lộc, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, ngày càng yếu. Nỗi lo lớn nhất của cụ Ẹt là, khi cụ chết không có ai chăm sóc cho người con trai bị tâm thần, đang nằm liệt giường. Con trai cụ là ông Nông Văn Tới (SN 1969), dân tộc Nùng.
Theo giấy xác nhận khuyết tật ghi ngày 20/12/2013, ông Nông Văn Tới bị khuyết tật thần kinh, tâm thần mức độ nặng. Hàng tháng, ông Tới được hưởng trợ cấp khuyết tật 720.000 đồng; cụ Ẹt được nhận tiền trợ cấp người chăm sóc là 360.000 đồng. Mọi chi tiêu của hai mẹ con họ đều dựa vào số tiền này.
Theo chia sẻ của cụ Ẹt, trước đây con trai cụ dù bị tâm thần nhưng vẫn biết nghe lời mẹ, nên cụ vẫn cố gắng quán xuyến được con. Một số việc trong nhà, ông Tới vẫn chịu làm.
Bà cụ kể lại theo trí nhớ lõm bõm, vào năm 2019, hôm ấy ông Tới đi chơi trong xóm về, không rõ ngã từ lúc nào, nghe tiếng ú ớ, cụ lật đật ra xem thì thấy con trai mình đã nằm kiệt sức ở mép sân. Dù gia đình đã tìm mọi cách chạy chữa nhưng bệnh tình của ông không hề thuyên giảm.
Từ đó đến nay, ông Tới nằm liệt giường, sức khỏe ngày càng kém đi, cơ thể suy yếu. Hiện tại, một khối u ở cổ khiến cho vùng cổ của người đàn ông này phình to một cách bất thường, khuôn mặt cũng bị biến dạng. Nhưng gia đình cũng không có điều kiện đưa đi thăm khám.
Hàng ngày, mọi việc trong nhà đều một tay cụ Ẹt lo liệu. Người mẹ 92 tuổi này, có những ngày mệt không muốn mở mắt nữa, nhưng vẫn phải cố lết dậy để dọn dẹp, thay bỉm, vệ sinh rồi lo cơm nước cho người con trai đã gần 60 tuổi.
Để tiết kiệm chi phí, ngày ngày cụ Ẹt vẫn nhặt nhạnh từng que củi trên núi, mang về đun nấu, rồi bòn mót từng khóm rau dại quanh vườn, ăn qua bữa. Bà cụ chia sẻ, thi thoảng lắm mới dám gửi hàng xóm mua cho vài quả trứng hoặc vài thanh đậu phụ để cải thiện.
Khi chúng tôi đến đây, ông Tới lật đật mãi mới ngóc đầu dậy, đưa ánh mắt nhìn vô hồn và phát ra vài âm thanh không rõ ràng, cứ ậm ự trong họng.
Cụ Ẹt sức đã yếu hẳn, đi lại không vững, thường phải chống gậy. Từ chỗ giường ông Tới nằm, sang đến bàn uống nước chừng 3 mét mà cụ phải ngồi thở một lúc mới trò chuyện được.
Nói về nỗi lo lắng của mình, cụ bảo rất lo cho con trai, chỉ sợ mình chết trước, không có ai lo cho con trai. Nói rồi những giọt lệ hiếm hoi khi tuổi đã về già như muốn ứa ra từ đôi mắt khô khốc của cụ:
"Có khi tôi chết trước cái thằng này (bà cụ Ẹt gọi ông Tới như vậy), thế thì không biết phải làm thế nào. Con chết trước thì mẹ còn lo được, chứ mẹ chết rồi không biết con sẽ thế nào".
Đi xin gạo hàng xóm về nấu cháo, mẹ con ăn qua ngày
Cuộc sống hiện tại cùng cực, không còn chỗ bấu víu nên bà cụ 92 tuổi đã nhờ người viết đơn xin được giúp đỡ. Trong đơn mà cụ Ẹt nhờ người viết nêu rõ:
"Hiện gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, sức khỏe của tôi yếu, tuổi cao không thể chăm lo cho con trai tôi và càng không thể lao động để lo cho cuộc sống của hai mẹ con. Hoàn cảnh hiện tại hết sức khó khăn. Mong báo Dân trí và các nhà hảo tâm giang tay giúp đỡ, để chúng tôi có thể vượt qua khó khăn này".
Khi nói chuyện với cụ Ẹt, chúng tôi phải nhờ người thạo cả tiếng Nùng và tiếng Kinh để dịch lại. Cụ Ẹt có nói: "Để mọi người phải giúp đỡ, tôi thấy xấu hổ lắm, nhưng giờ chả biết làm thế nào.
Tuổi tôi già cũng không cần ăn nhiều, nhưng con thì vẫn rất cần ăn để có sức. Nhiều hôm trong nhà hết gạo, tôi phải đi xin hàng xóm một ít về nấu cháo loãng, mẹ con cùng ăn".
Căn nhà mà cụ Ẹt và người con trai già cả, khổ sở đang sống, được xây dựng cách đây chục năm. Đến nay nhà cũng vẫn chỉ có chiếc vỏ thô kệch, trống rỗng không có gì bên trong.
Hiện tại, nền nhà vẫn là nền đất, mái nhà hơn một nửa lợp ngói âm dương, còn lại một góc nhỏ lợp bằng tấm lợp fibro xi măng, nhiều chỗ thủng, gây thấm dột. Nhiều hôm nước vào nhà mà bà cụ Ẹt cũng bất lực, chỉ kịp lấy manh áo mưa che chỗ con trai nằm cho đỡ bị ướt.
Bà Hoàng Thị Liễu, Bí thư chi bộ, Trưởng phố Nà Lộc, thị trấn Văn Quan cho biết, hộ này có bốn nhân khẩu. Cụ Ẹt từng là công nhân hỏa tuyến, hiện tại đang được hưởng trợ cấp người cao tuổi và trợ cấp cho người nuôi dưỡng ông Tới.
Bà Trương Thị Bích (SN 1976, là vợ ông Tới), thuộc đối tượng chất độc da cam được hưởng trợ cấp hằng tháng. Tuy nhiên, bà Bích đi làm phụ vữa nay đây mai đó, thỉnh thoảng có đám cưới, đám hiếu mới về thôi. Ông Tới, bà Bích có con gái sinh năm 2005, học đến giữa năm lớp 11 thì bỏ học đi phụ bán hàng, cũng ít về nhà.
"Thương bà cụ Ẹt, cứ cứ lủi thủi, lọ mọ một mình làm mọi việc, có hôm tôi gặp cụ loay hoay vác cả cây củi dài ở chân núi. Cái nhà này cũng kém quá rồi. Bây giờ, nếu báo Dân trí và các nhà hảo tâm giúp sửa lại mái nhà, trát tường và lát nền cho cụ thì tốt quá, chứ để thế này cứ mưa gió là nước vào nhà lênh láng, nền đất trơn trượt nguy hiểm cho cụ quá", bà Liễu nói.