Ở tuổi 76, bà Nam vẫn chật vật trong căn nhà vách gỗ cũ nát, chạy ăn từng bữa. Cuộc sống của cụ bà cơ cực đến nỗi bị gãy chân nhưng không có tiền rút đinh sau phẫu thuật ghép xương.

Giữa làng Hai Huân, xã Thanh Phong, huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, căn nhà vách gỗ của bà Lang Thị Nam (76 tuổi) trông không khác gì một túp lều tạm bợ. Bên trong, tài sản đáng giá nhất chỉ là chiếc giường ọp ẹp.

Trong những ngày tháng 6 nắng như đổ lửa, chúng tôi cùng ông Vi Văn Biên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thanh Phong, đã ghé thăm gia đình bà Nam. Bà chia sẻ rằng căn nhà tranh này là tài sản duy nhất của bà ở tuổi xế chiều.

Cụ bà gãy chân không có tiền rút đinh, mơ căn nhà kiên cố tuổi xế chiều - 1

Căn nhà tạm của bà Nam ở thôn Hai Huân, xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Bà Nam kể rằng, bà có 4 người con (1 trai, 3 gái), tất cả đều đã lập gia đình và sống riêng. Trước đây, bà cùng chồng sống trong căn nhà tranh này. Tuy nhiên, ba năm trước, chồng bà bị đột quỵ và qua đời, kể từ đó bà sống một mình trong căn nhà đang xuống cấp. Ngày nắng thì nóng, ngày mưa nước dột tứ phía.

"Đúng là khốn khó ba đời. Nhà nghèo nên tôi không thể lo cho các con đến nơi đến chốn. Giờ mấy đứa cũng đã lập gia đình nhưng điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, tôi không muốn trở thành gánh nặng cho các con nên ở một mình.

Mấy năm nay, căn nhà xuống cấp, có hôm trời mưa to, nước dột khắp nơi. Cả đời lam lũ nhưng đến tuổi già vẫn sống chật vật, nhiều lúc nghĩ cũng thấy tủi thân lắm", bà Nam buồn bã tâm sự.

Cụ bà gãy chân không có tiền rút đinh, mơ căn nhà kiên cố tuổi xế chiều - 2

Đã nhiều năm qua, bà Nam sống khắc khổ trong túp lều tạm (Ảnh: Thanh Tùng).

Con gái bà, chị Lê Thị Bích, vì trục trặc gia đình nên đã dẫn theo con gái (14 tuổi) về ở cùng. Cuộc sống ở vùng quê nghèo miền núi khó khăn, thương mẹ vất vả, chị Bích quyết định ra Hà Nội làm thuê với hy vọng kiếm tiền về xây nhà cho mẹ.

Chị Bích chia sẻ, hiện tiền lương của chị mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt và thuê phòng trọ, chị gửi về cho mẹ 2 triệu đồng để nuôi con và trang trải thuốc men.

"Mặc dù mẹ có 4 người con nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi chưa đủ điều kiện để xây nhà cho mẹ. Nhiều lúc nghĩ thương mẹ, ở tuổi gần đất xa trời vẫn phải sống trong túp lều tạm. Tôi mong công việc đều đặn để tích cóp chút tiền sửa lại căn nhà cho mẹ đỡ khổ", chị Bích tâm sự.

Cụ bà gãy chân không có tiền rút đinh, mơ căn nhà kiên cố tuổi xế chiều - 3

Căn nhà nhìn quanh không có tài sản gì đáng giá (Ảnh: Thanh Tùng).

Năm 2015, trong một lần đi làm rẫy, bà Nam bị ngã gãy chân, phải phẫu thuật đóng đinh. Sau lần phẫu thuật, mỗi khi trái gió trở trời, bà lại bị cơn đau hành hạ. Mặc dù đã phẫu thuật gần 10 năm nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, đến nay bà Nam vẫn chưa thể đi rút đinh ở chân.

"Giờ tôi chỉ mong mẹ ở quê được khỏe mạnh. Cả đời bà đã vất vả rất nhiều. Nay tuổi già vẫn phải sống cảnh kham khổ, phận làm con chúng tôi thấy có lỗi với bà vô cùng. Vừa qua tôi tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng, dự tính đến cuối năm kiếm thêm chút ít để về quê sửa sang lại căn nhà cho mẹ đỡ khổ", chị Bích nói.

Ông Vi Văn Biên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thanh Phong chia sẻ, hoàn cảnh của bà Nam thuộc diện khó khăn nhất xã. Mặc dù ở tuổi già nhưng bà vẫn sinh sống trong căn nhà tạm vì không có điều kiện sửa chữa hay xây mới.

Cụ bà gãy chân không có tiền rút đinh, mơ căn nhà kiên cố tuổi xế chiều - 4

Nhiều hôm nắng to, bà Nam phải lấy chiếu che chắn vách cửa trống huếch, trống hoác (Ảnh: Thanh Tùng).

"Vừa qua xã đã huy động, kêu gọi các nguồn tài trợ để có kinh phí xây dựng lại căn nhà cho bà được 50 triệu đồng. Hy vọng, qua báo Dân trí, bạn đọc quan tâm, giúp đỡ để hiện thực hóa giấc mơ xây nhà đối với bà Nam", ông Biên chia sẻ.

Mã số 240420:

Cụ bà gãy chân không có tiền rút đinh, mơ căn nhà kiên cố tuổi xế chiều

13/06/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng dự án

Báo Dân trí