1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nghệ An:

Cô bé tật nguyền và mong ước được làm việc

(Dân trí) - Không may mắn như những đứa trẻ khác, lớn lên Hà đã phải mang dị tật sau một trận ốm. Trong vòng tay âu yếm của gia đình đến tuổi đi học Hà được bố mẹ mua sắm sách vở đến lớp cùng với bạn bè để làm dịu đi những nỗi buồn cho con...

Đó là em Sầm Thị Hà (SN1983), con gái đầu của gia đình anh Sầm Văn Bài, người dân tộc Thái ở bản Đồng Huống, xã Châu Quang, huyện miền núi Quỳ Hợp. Hà đã phải vượt qua tất cả nỗi đau, vượt qua bệnh tật để đến trường.

 

Mang nỗi đau đến trường

 

Ham học và học khá, trên đôi chân tập tễnh nhưng Hà đã cố vượt qua nỗi đau suốt 12 năm để đến trường không bỏ bất kỳ một phút học nào. Tấm gương vượt khó, học giỏi của Hà đã được các thầy cô và bạn bè khen ngợi.


Cô bé tật nguyền và mong ước được làm việc - 1

Hàng ngày Hà phụ giúp bố mẹ bán tạp hóa kiếm cơm nuôi em qua ngày đoạn tháng

 

Tốt nghiệp THPT tại trường THPT Dân tộc Nội trú Quỳ Hợp năm 2002. Sầm Thị Hà thi đậu vào khoa Ngữ Văn, trường Đại Học Đà Lạt. Không thể nói hết niềm vui của bố mẹ mười thì bà con dân bản cũng không kém khi cô bé Hà tật nguyền trở thành cô sinh viên Đại học đầu tiên ở cánh rừng khỉ ho cò gáy này.

 

Lần đầu tiên xa nhà, mang theo nỗi nhớ người thân bước vào những năm tháng học Đại học. Sầm Thị Hà mang ước mong cháy bỏng, đó là cố gắng học tập thật tốt để khi ra trường có việc làm ổn định, xoá đi mặc cảm tật nguyền...

 

Năm 2007, tốt nghiệp Đại học Đà Lạt với chứng chỉ khá ngành Ngữ Văn. Hà mang niềm vui về quê và ước mơ được làm việc, dẫu chỉ là một công việc bình thường đúng với chuyên nghành được đào tạo cháy bỏng trong lòng...

 

Nhưng, chuyện đời không đơn giản! Ngày cầm tấm bằng Đại học hăm hở là thế, nhưng đến nay cũng đã gần ba năm cô Cử nhân Ngữ văn vẫn chưa có việc làm, bởi một thực tế đó là: Khó xin việc quá (!?).

 

Hoàn cảnh gia đình Hà không mấy dư giả, cả nhà 5 miệng ăn đều trông vào thu nhập từ mấy sào ruộng nước và chăn nuôi thêm con gà con vịt. Niềm vui khi con trở thành sinh viên Đại học lớn bao nhiêu, nay buồn bấy nhiêu trước thực tế ra trường không việc làm của cô con gái tật nguyền...

 

Gian nan ngày trở về

 

Kết thúc 4 năm học đại học, trở về với tấm bằng khá trong tay, Hà mừng thầm có thể nhờ tấm bằng này em sẽ có được một việc làm kha khá. Nhưng những nơi gia đình, anh em đi qua “chạy” lại nạp hồ sơ xin việc, đều được từ chối khéo: cháu Hà bị cà nhắc nên họ không nhận.  

 

Những lần như thế cũng buồn lắm, nhưng Hà chợt nghĩ một điều, với những người lành lặn để xin việc đã khó chứ nói đến người tàn tật như Hà lại càng khó hơn. Nghĩ thế, cho nên Hà vẫn luôn tỏ ra lạc quan và yêu đời, để rồi hàng ngày phụ giúp công việc vặt cho bố mẹ cũng được.

 

Ngoài những giờ giúp bố mẹ, dạy dỗ hai đứa em học hành, Hà lại cặm cụi làm thơ, tập văn gửi Tạp chí văn học nghệ thuật huyện cho khuây khỏa tâm hồn. Hà bảo: “Em viết là để khuây khoả tâm hồn, chứ bỏ công sức đi học đại học 4 năm trời lẽ nào về nhà lại ngồi chơi. Thứ đến là cũng góp chút kiến thức đã học cho quê hương...”.

 

Điều đáng nói, những bài viết của Sầm Thị Hà đều được Tạp chí VHNT huyện Quỳ Hợp trân trọng sử dụng. Đây là niềm vui và cũng nguồn động viên lớn đối cô - người con gái có số phận không may mắn.


Cô bé tật nguyền và mong ước được làm việc - 2

Những lúc nhàn rỗi, Hà lại xem sách rồi làm thơ,

viết văn cho Hội văn học huyện Quỳ Hợp để khuây khỏa tâm hồn

 

Ông Sầm Văn Bài (bố Hà) là Bí thư chi bộ bản Đồng Huống tâm sự: “Gần ba năm sau khi tốt nghiệp đại học, gia đình vẫn chưa xin được việc cho cháu... Biết là rất khó khăn ngay cả với người lành lặn... huống chi Hà lại tật nguyền. Nhưng cũng cố gắng nộp hồ sơ xin việc biết đâu. Thôi thì trong khi chờ có nơi nhận, gia đình vay mượn vốn để hàng ngày Hà kiếm thêm đồng ra đồng vào cho khuây khỏa tâm hồn…”. 

 

Ông Phan Xuân Thu - Trưởng bản Đồng Huống thì thầm khen ngợi: “Tuy tật nguyền nhưng cháu Hà vẫn không bi quan, mong sao cháu Hà sớm có việc thì càng tốt, chứ khổ công vợ chồng ông Bài bao năm vun vén cho con…”.

 

Ông Thu cho biết thêm, cháu Hà hiện nay được Ban chủ nhiệm CLB VHNT huyện Quỳ Hợp kết nạp là hội viên, mặc dù cháu bị tật nhưng rất tích cực tham gia mọi sinh hoạt của CLB.

 

Nhìn Hà với những bước đi tập tễnh như đứa bé mới tập đi trong lòng chúng tôi thầm nghĩ: Cô bé đầy nghị lực, vượt qua mặc cảm, vượt qua nỗi đau và giờ đang cố vượt qua những lời thị phi về căn bệnh của mình để mong có một việc làm.

 

Mong sao một ngày nào đó Sầm Thị Hà được những cơ quan, tổ chức nào đó có chút lòng hảo tâm thương giúp bố trí một công việc phù hợp.
 

Nguyễn Phê