Mã số 1239:
Cha mất, mẹ bỏ rơi, hai chị em vất vả mưu sinh
(Dân trí) - Lúc chị vừa lờ mờ hiểu chuyện, em chập chững biết đi thì mẹ bỏ nhà theo người đàn ông khác. Khi hai chị em cắp sách đến trường thì cha gặp tai biến cũng lìa thế gian. Hai đứa trẻ ham học lắm, nhưng cơm trong nhà còn khó kiếm…
3 năm gian khổ nhọc nhằn
Đó kể từ cái ngày anh Lê Thanh Tâm (sinh năm 1976) ngã xuống, cuộc sống của Lê Thị Thủy Tiên (sinh năm 1999) và Lê Thành Đồng (sinh năm 2002) không còn êm ấm nữa. Cái ngã của anh Tâm đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trong 1 đêm cuối năm 2010, khi 2 con đang ngủ, anh đứng dậy ra ngoài thì bất ngờ bị tai biến ngã xuống. Nghe tiếng hai chị em hô hoán, hàng xóm chạy sang đưa đi cấp cứu nhưng anh đã qua đời khi chưa đến bệnh viện.
Cuộc đời bất hạnh của 2 chị em bắt đầu từ khi Thành Đồng mới chập chững bước đi, cha mẹ bất hòa, mẹ bỏ đi gá nghĩa cùng người đàn ông khác, chưa 1 lần về thăm 2 chị em. Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, anh Tâm ở vậy nuôi con. Nỗi đau khiến anh lấy bạn làm rượu để tìm quên, rồi anh mắc phải chứng cao huyết áp dù tuổi còn trẻ và ra đi vì cơn tai biến, để lại 2 đứa con nhỏ bơ vơ.
Ngày cha mất, Thành Đồng lên 8, Thủy Tiên cũng chỉ mới 11 tuổi. Hai chị em chỉ biết sống dựa vào bà nội già yếu làm thuê, làm mướn. Bà Nguyễn Thị Hai (62 tuổi) là bà nội của 2 em cho biết: “Tôi thì yếu ớt, bệnh tật liên miên, có sức đâu mà kiếm đủ cơm ăn cho hai đứa nó. Từ khi ba tụi nó mất, hai đứa nó phải tự lao động để kiếm thêm miếng ăn cho cả nhà”.
Nhiều người sẽ khó hình dung được 2 đứa trẻ trên dưới 10 tuổi có thể làm gì để kiếm miếng ăn ở vùng đất nghèo khó nằm cạnh hồ thủy điện Dầu Tiếng này, nhưng “bụng đói thì đến đầu gối cũng phải bò”. Thủy Tiên thì lụm cụm chạy theo bà xin đi làm mướn cho người ta. Sức yếu nên em chỉ làm được việc nhẹ như lặt đậu mướn, chặt mía… Và tất nhiên là tiền công của em cũng ít hơn người lớn rất nhiều, nhưng may mà còn có người thương tình gia cảnh của em mà thuê chứ có mấy ai chịu thuê 1 đứa trẻ còi cọc mới hơn 10 tuổi.
Còn Thành Đồng cũng làm đủ mọi việc để kiếm miếng ăn: từ vào rừng bắt kiến đem bán cho người ta câu cá cho đến lượm lặt bất cứ thứ gì ăn được để phụ vào bữa ăn cho cả nhà. Nay Thành Đồng đã lên lớp 6, học trường THCS Phước Minh (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) nhưng các thầy cô cũ của em ở trường Tiểu học Phước Minh A vẫn nhớ hoài cậu bé Đồng cứ đi học vài bữa lại nghỉ vài bữa. Hỏi ra mới biết là em nghỉ để đi bắt kiến kiếm tiền mua gạo. Nhà có gạo ăn vài ngày thì em đi học, hết gạo lại nghỉ đi làm. Lắm lúc thấy tay em đầy vết mẩn đỏ vì kiến cắn mà thầy cô xót lòng…
“Con thích đi học lắm!”
3 năm đã trôi qua kể từ ngày cha mất, hai chị em nương tựa nhau sống qua ngày. Dù cuộc sống khó khăn nhưng hai chị em Thủy Tiên vẫn học tập rất giỏi. Thầy Lê Văn Quý, Tổng phụ trách đội trường THCS Phước Minh cho biết: “Năm nào Thủy Tiên cũng đạt học sinh tiên tiến, em chăm học lắm!”.
Trong căn nhà Nhân ái xây bằng gạch thô chưa trát được Hội đồng đội huyện Dương Minh Châu trao tặng cho 2 chị em dán đầy giấy khen. Bà nội 2 bé cho biết: “Nhà chẳng có gì để treo giấy khen của tụi nó, lấy hồ dán lên tường nên lâu ngày rớt hết, chỉ còn gần chục tấm thế này thôi”.
Hỏi hai em có muốn đi học không, Thành Đồng bẽn lẽn không trả lời, còn đôi mắt Thủy Tiên sáng rực bảo: “Có, con thích đi học lắm! Con ráng học hết cấp 3 rồi kiếm việc làm đàng hoàng để có tiền nuôi em con học tiếp…”. Nói rồi em chợt ngập ngừng nhìn sang bà nội như chờ xin ý kiến. Bà nội em cũng quay đầu đi không trả lời…
Bởi sang năm Thủy Tiên đã học xong lớp 9, phải lên học cấp 3 ở huyện. Đi học rồi ai làm mướn phụ bà kiếm tiền mua gạo? Đi học rồi mình bà làm gì để nuôi sống 2 đứa nhỏ? Cơm ăn còn không có, tiền đầu mà học xa nhà? Nhiều câu hỏi ngổn ngang nên người bà gầy yếu phải ngoảnh mặt đi, né tránh ánh mắt của cô cháu gái nhỏ bé…
Năm nay Thủy Tiên học lớp 9, chương trình năm cuối cấp rất nặng nên em phải học cả ngày, không còn thời gian đi làm thuê, một phần lớn việc mưu sinh phải dựa vào cậu bé Thành Đồng mới hơn 10 tuổi. Dù đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng người Thành Đồng nhỏ choắt, da vàng xạm, mắt thâm quầng và khuôn mặt hốc hác vì làm việc nhiều… Thế mà cái ăn của 2 chị em còn tất bật chưa xong thì làm sao dám nghĩ đến việc học tiếp?
Thầy Lê Văn Quý cho biết: “Hiện hàng tháng mỗi thầy cô ở trường góp 5 ngàn đồng, tất cả được hơn 200 ngàn đồng cho 2 em mua gạo muối. Nhưng việc em Thủy Tiên học lên cao thì khó quá, trường không đủ sức hỗ trợ được, chỉ còn mong các cơ quan cấp trên thôi!”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1239: Bà Nguyễn Thị Hai (bà nội em Lê Thị Thủy Tiên và Lê Thành Đồng (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) hoặc qua thầy Lê Văn Quý, Tổng phụ trách đội trường THCS Phước Minh, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh Điện thoại thầy Quý: 0949.504.785 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |