Cuộc sống cùng cực của người đàn bà "sống chung xương sống" với con trai:
Cậu bé bỏ học bắt cua, ốc...giờ đi bán bia kiếm tiền nuôi mẹ khiến cả quán cảm động
(Dân trí) - Mẹ bị ngã gãy xương sống trở thành người tàn phế, học hết lớp 5 Đặng Văn Linh phải bỏ dở để chăm sóc mẹ. Kể từ đó, mẹ con "sống chung một xương sống". Hàng ngày Linh lặn lội, khắp cánh đồng kiếm con cua, con ốc để mẹ con sống qua ngày... Giờ cua ốc ngày càng ít nên Linh xin mẹ xa nhà đi bán bia thuê để lấy tiền nuôi mẹ.
>> Cuộc sống cùng cực của người đàn bà "sống chung xương sống" với cậu con trai
Sau nhiều lần hẹn Linh mà không gặp được, cuối cùng tôi cũng “túm” được em ở một quán bia hơi trên đường Thanh Niên- thành phố Hải Dương. Hôm nay “mát giời” nên quán thưa khách, chính vì vậy mà chúng tôi có khá nhiều thời để gian trò chuyện.
Công việc thường nhật của Linh ở quán bia.
Khi biết Linh chính là nhân vật cậu bé hiếu thảo phải bỏ học, để mò cua bắt ốc nuôi mẹ trong bài viết “Cuộc sống cùng cực của người đàn bà "sống chung xương sống" với cậu con trai”, chị Huyên- quản lý công việc kinh doanh của quán bia, không khỏi xúc động. Chị nói: “Cũng biết cháu Linh hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng chị không ngờ cuộc sống của 2 mẹ con lại bi đát như vậy”.
Nắm tay Linh chị Huyên kể tiếp: “Cách đây vài hôm, chị thấy cậu bé này đến quán xin thử việc, thấy người bé nhỏ, hỏi ra thì mới 15 tuổi, chủ quán có phần e ngại. Nhưng cậu bé cứ năn nỉ và kể hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thấy khuôn mặt hiền lành nên chị đồng ý nhận vào làm việc. Được cái cậu bé ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, mấy anh chị cùng làm ai cũng quý mến…”.
Chị Huyên cho biết, nhận giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn là một phần trách nhiệm của chị, vì thế khi biết cậu bé Linh lặn lội từ Vĩnh Phúc xuống đây xin việc sẵn sàng giúp đỡ Linh. Ngoài Linh còn 3 nhân viên khác cũng có gia cảnh rất khó khăn, được chủ quán bố trí chỗ ăn, ngủ và trả thù lao khoảng 4 triệu/tháng.
Linh có dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt hiền lành, u buồn. Cậu có phần nhút nhát, rụt rè, phải liên tục gợi chuyện em mới cởi mở hơn. Linh tâm sự, đây là lần đầu xa nhà, nên nhớ mẹ lắm, nhất là về đêm không ngủ được là em lại gọi điện về cho mẹ.
Em chỉ lo mẹ ở nhà không có người chăm sóc lại ốm, Linh khoe, hồi em mới thôi học có ngày em bắt cua bán được cả trăm ngàn, nhưng ở quê bây giờ cua, ốc cũng hiếm lại nhiều người bắt nên không kiếm được mấy. Tiền bán cua, ốc cộng với hơn 600 ngàn/tháng tiền trợ cấp tàn tật của mẹ, là tất cả thu nhập của mẹ con Linh. Lại phòng lúc ốm đau nữa, nên hiếm khi bữa cơm nhà Linh có thịt, bây giờ ở đây ngày nào cũng có thịt ăn, em lại càng thương mẹ.
Bố mẹ bỏ nhau từ khi Linh chỉ mới 2 tuổi, nên cậu bé nhạt nhòa kí ức về bố, khi được hỏi “con có muốn gặp bố không?”. Linh cúi mặt lắc đầu, có lẽ em không muốn nhắc về bố. Vẫn rụt rè, giọng lí nhí em bảo: “Làm ở đây được bao nhiêu, cháu gửi cô chủ quán để dành tiền cho mẹ cháu chữa bệnh cô ạ. Nếu mẹ cháu có tiền đi viện, mẹ cháu có đi lại được không cô?...”
Tôi hỏi: Bây giờ mẹ cháu được lên báo rồi sẽ có người cho tiền để mẹ cháu đi viện, cháu có đi học tiếp không? Linh ngẩng mặt rạng ngời “có ạ”
Rời quán bia bên hồ Bạch Đằng- một địa chỉ giàu “lòng nhân ái” với những con người bình dị, ở đây họ đối với nhau thật tốt, tôi tin lòng tốt rồi sẽ được lan tỏa… Đem theo khoảnh khắc rạng ngời hiếm hoi của cậu bé Linh, tôi trở về Hà Nôi, hy vọng về một tương lai tốt đẹp sẽ đến với mẹ con Linh lại được thắp lên.
Hương Hồng