(Dân trí) - Mang trong mình căn bệnh ung thư nguyên bào võng mạc, cậu bé 13 tuổi nghẹn ngào: "Con muốn được sống, được đến trường đi học như các bạn...".
Hơn 1 năm nay, anh Nguyễn Văn Thấy (SN 1987, ngụ ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là khách trọ quen thuộc của nhà trọ 0 đồng ở phường Tân Phú (Thủ Đức, TPHCM).
Anh ở đây hơn 1 năm qua để chăm sóc cho con trai là bé Nguyễn Văn Khang (SN 2011) bị u ác tính hốc mắt.
Anh Thấy mới tạm trú tại TP Thủ Đức hơn 1 năm khi di chuyển theo con sang điều trị tại Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM chứ thực ra bé Khang đã phát bệnh từ năm 2013, điều trị kéo dài 11 năm .
Nói về hoàn cảnh nhà anh Thấy, bà Đặng Thị Phượng, Trưởng ấp Kinh Cũ, cho hay: "Nhà Thấy nghèo từ thời ông nội, đến đời cha, giờ đến đời nó".
Ông bà, cha mẹ của Thấy vốn cư trú ở vùng ven rừng U Minh lâu đời, sống dựa vào mấy công ruộng, đi rừng, mò cua, bắt cá… Đến đời Thấy được học ít chữ, rời mảnh rừng lên TPHCM làm công nhân nên cha mẹ mừng lắm, mong con thoát nghèo.
Trong thời gian tha hương làm công nhân, Thấy quen cô gái cùng quê đồng cảnh xa xứ làm ăn, nên duyên vợ chồng rồi sinh ra bé Nguyễn Văn Khang (SN 2011). Vì cuộc sống thuê trọ, 2 vợ chồng bận đi làm nên Thấy gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.
Cuộc sống đang yên bình thì năm 2013, bà nội thấy mắt trái của Khang khác lạ, tròng đen nhạt màu như mắt mèo. Tháng 9/2013, có đoàn khám bệnh từ thiện ở TPHCM về địa phương, bà dẫn Khang ra khám thì bác sĩ khuyên lên thành phố kiểm tra gấp.
Lúc ấy, Thấy đang làm thợ hồ ở quận Tân Bình (TPHCM). Nghe con bệnh, Thấy xin nghỉ 1 buổi, chạy ra bến xe Miền Tây đón con trai đến Bệnh viện Mắt TPHCM khám.
"Em tưởng đơn giản, khám xong lấy thuốc về uống. Không ngờ bác sĩ bảo vô nói chuyện rồi báo là trong mắt của con có khối u lớn lắm, phải múc bỏ con mắt đi mới cứu cháu được", anh Thấy kể.
Sau ca phẫu thuật, Khang được xét nghiệm tủy đồ, phát hiện con bị ung thư nguyên bào võng mạc, bướu nguyên bào xâm lấn thần kinh thị (một dạng u ác tính), cần hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn ngừa tái phát và di căn.
Bần thần suy nghĩ cả đêm, Thấy bàn với vợ rồi về quê bán 2 công ruộng được cha mẹ chia lấy tiền cho Khang nhập viện hóa trị.
Trải qua gần 2 năm trời hóa trị tấn công, giữa năm 2015, Khang hoàn tất phác đồ hóa trị, xét nghiệm tủy đồ ổn định nên được chuyển sang duy trì, mỗi tháng chỉ cần vào viện tái khám và hóa trị duy trì 5-7 ngày.
Trong 2 năm ấy, Thấy phải bỏ việc để trông con, khi con không vào thuốc thì lấy 100-200 tờ vé số đi bán, thỉnh thoảng có chủ thầu quen kêu đi làm phụ hồ 1-2 bữa.
Nhưng khoản thu nhập ít ỏi ấy cộng với mấy chục triệu tiền bán ruộng không đủ chi phí điều trị cho con.
Thấy cho hay: "Cha mẹ, bà con hàng xóm, bệnh viện và mạnh thường quân giúp đỡ nhiều lần cũng không đủ. Em phải vay mượn thêm bên ngoài gần 200 triệu đồng để mua thuốc cho con".
Trong 2 năm gian khổ ấy, vợ Thấy bỏ cha con anh ra đi, không còn liên lạc. Khi Khang được chuyển sang duy trì, Thấy đưa con về quê ở nhờ nhà ông bà nội để đỡ tốn tiền trọ.
Ở quê, Khang được đi học. Thấy tìm các công việc thời vụ như phụ hồ, đi biển, cắt lúa… để tranh thủ mỗi tháng dành ra 1 tuần đưa con lên thành phố hóa trị duy trì.
Nghĩ mình nghèo khổ, lại vướng bận con nhỏ bệnh tật, Thấy không dám đi bước nữa mà ở vậy nuôi con, kiếm tiền trả nợ. Sau hơn 6 năm cố gắng, Thấy trả được hơn 100 triệu đồng, còn gần 100 triệu nữa là hết nợ.
Không ngờ năm 2021, Thấy phát hiện chân phải đau đớn, sưng phù lên. Anh đi khám mới biết mình bị viêm đa khớp, đau nhức từ gót chân lên đầu gối, cơ chân teo rút lại…
Thấy chỉ đi khám lấy thuốc về uống 1 lần rồi dịch Covid-19 xảy ra. Công việc làm ăn khó khăn, không kiếm được tiền và đi lại cũng khó khăn nên Thấy bỏ điều trị, chỉ mua thuốc giảm đau về uống dẫn đến chân phải teo rút dần, không còn đi lại bình thường được nữa.
Khi hết dịch, Thấy không thể tiếp tục làm các công việc nặng nhọc. Anh chuyển sang bán vé số, vay tiền hộ nghèo nuôi heo… Cuộc sống mới ổn định trở lại thì bệnh của Khang tái phát.
"Tháng 6/2023, Khang vừa học xong lớp 4. Đang nghỉ hè nên khi đi hóa trị duy trì, em tranh thủ đưa con sang bệnh viện mắt làm mắt giả vì hốc mắt to ra, con mắt cũ hay bị rớt. Bác sĩ khám hốc mắt mới biết khối u tái phát và di căn sang hốc mắt phải", Thấy buồn bã tâm sự.
Khang được chỉ định phác đồ hóa trị tấn công lần thứ 2 để cứu con mắt còn lại. Đợt này, Khang vẫn tiếp tục hóa trị 6 chu kỳ, mỗi đợt kéo dài từ 7-20 ngày. Do thời gian xuất viện quá ngắn, chi phí đi lại cao nên cha con anh Thấy ở lại TPHCM cả năm nay để điều trị.
Những toa thuốc hóa trị tấn công đắt đỏ, nhiều loại thuốc phải mua bên ngoài nên chi phí cao hơn hẳn khi hóa trị duy trì. Anh Thấy lại bắt đầu mượn nợ, từ hàng xóm cho đến ngân hàng chính sách, vay cả bên ngoài với lãi cao…
Cộng với tiền nợ đợt điều trị trước chưa trả hết, khoản nợ của Thấy đã quay lại con số gần 200 triệu đồng như cách đây 10 năm. Khổ hơn, giờ Thấy tìm người để mượn ngày càng khó. Cứ mỗi đợt vào thuốc cho con, Thấy lại điện thoại khắp nơi để tìm kiếm người còn dám cho anh vay nợ.
"Giờ em chỉ còn đứa con này, bất cứ giá nào em cũng muốn cứu con. Nhưng mà không còn cách nào hết, em có muốn lạy lục van xin thì cũng không còn ai dám cho em mượn nợ nữa!", Thấy nghẹn ngào chia sẻ.
Với Khang, cậu bé 13 tuổi đã hiểu chuyện sống chết như thế nào. 11 năm điều trị, Khang đã trải qua nhiều lần thập tử nhất sinh, chịu đựng không biết bao nhiêu ngày hành hạ vì tác dụng phụ của thuốc, hàng chục lần chọc tủy đau thấu tâm can… Thế nhưng, cậu bé vẫn mãnh liệt cầu sống.
Khang cầu xin: "Con muốn được sống, được đến trường đi học, sau này lớn có công việc để nuôi ba con, xây nhà cho ba con ở".
Bà Đặng Thị Phượng, Trưởng ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), cho biết: "Gia đình anh Thấy gốc ở địa phương từ rất lâu. Nhà Thấy nghèo từ thời ông nội của anh ấy đến giờ. Nay con trai của anh Thấy bệnh hiểm nghèo thì càng khổ hơn".
Theo bà Phượng, từ khi con anh Thấy phát bệnh, địa phương đã kêu gọi bà con hàng xóm ủng hộ nhiều lần, người ít thì giúp vài trăm, người nhiều thì hỗ trợ 2-3 triệu đồng nhưng cũng như "muối bỏ biển". Mấy năm qua, anh Thấy lo cho con nên cuộc sống càng nghèo khó mà địa phương không có nguồn tiền nào để giúp anh.
"Nếu nhà anh Thấy được quý báo, nhà hảo tâm giúp đỡ thì may mắn quá. Tôi xin thay mặt chính quyền địa phương, bà con hàng xóm xung quanh đây và gia đình anh Thấy chân thành cảm ơn tấm lòng của mọi người", bà Phượng chia sẻ.