1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Cảm thương cho một gia đình da cam

(Dân trí) - Tôi không dám tin rằng “bà lão” trước mặt mình mới 50 tuổi, đôi mắt hằn sâu, gò má nhăn nheo đen sạm. Người đàn bà ấy khóc cho phận mình cơ cực, cho 3 đứa con quặt quẹo điên dại, cho người chồng nhiễm chất độc da cam không chế độ...

Chị là Nguyễn Thị Tuyết, yêu anh Lê Văn Hoá (trú cùng xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, khi anh còn trong quân ngũ. Năm 1976, anh xuất quân, họ nên duyên chồng vợ. 

 

Năm 1978, chị sinh con trai đầu lòng Lê Văn Cường bụ bẫm, khôi ngô. Nhưng lớn lên, Cường bị xệ vai, hai bên nổi 2 cục xương, liên tục ốm đau quặt quẹo. Học đến lớp 5, Cường dần mất trí rồi ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Năm 1982, chị sinh cháu thứ hai Lê Văn Việt. Cũng như người anh, bước sang tuổi13, Việt toàn thân tê liệt, chữa đâu cũng không khỏi. Việt giờ nằm một chỗ, chỉ có cái đầu lắc lư…

 

Năm 1984, chị Tuyết thêm một lần sinh con, những mong một đứa con khỏe mạnh. Cháu Lê Thị Hoa ra đời, càng lớn càng xinh xắn, học giỏi. Nhưng đến năm lớp 4, Hoa bỗng ngày càng yếu dần, đi đứng không vững, chân tay run rẩy, rồi sinh ra mất trí, đêm ngày la ó gào thét.

 

Nỗi thống khổ của gia đình đó chưa dừng lại, khi anh Hoá, trụ cột gia đình, lại phát bệnh. Chân run, tay khèo, cơ teo, miệng nói ngọng, mắt lồi và trí nhớ hoàn toàn bị xoá sạch, anh trở thành gánh nặng thứ 4 trong gia đình.

 

Mình chị Tuyết lăn lộn lao động, phục vụ ngần ấy con người vừa bệnh tật vừa điên dại. Vậy mà chồng con chị không được hưởng chế độ gì bởi giấy tờ của anh đã mất sạch. Con gái chị giờ cứ lê lết ngoài chợ, ai cho gì ăn nấy. Chị chạy vạy bữa rau bữa cháo để chồng con cầm hơi. Chị nghẹn ngào: “Không biết tôi còn trụ được đến bao giờ. Tôi chết, cha con nó sẽ ra sao?”.

 

Cảm thương cho một gia đình da cam  - 1

Nhìn bức ảnh thời trai trẻ này của anh Hóa, có người đồng đội nào nhận ra anh, hãy đến giúp đỡ gia đình bất hạnh ấy.

 

Chúng tôi cố gắng nói chuyện với anh Hóa. Gặng mãi anh chỉ buông được một câu: “Đồng đội ơi, ở đâu?”. Cả ngày cố chắp nối những lời anh nói, tôi thu được thông tin: Thủ trưởng tên Nhàn, bạn chiến đấu tên Oánh, Cường, tiếp quản sân bay Đà Nẵng. Ngần ấy thông tin, liệu có giúp được gì để anh xin một chế độ trợ cấp?

 

Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ chính quyền xã Quỳnh Mỹ canh cánh: “Địa phương quá nghèo, sự hỗ trợ chẳng đáng là bao. Việc ông Hoá đi bộ đội là có thực, nhưng giờ giấy tờ mất hết, chúng tôi chẳng biết làm sao”. 

 

Chúng tôi tìm đến huyện đội Quỳnh Lưu thì được Thượng tá Hoàng Mạnh Cường - huyện đội trưởng - đưa đến gặp Đại uý Trương Đắc Nguyệt (trưởng ban thống kê). Ông Nguyệt cho biết: “Đồng chí Lê Văn Hoá sinh năm 1952. Nhập ngũ tháng 1/1972, xuất ngũ tháng 5/1976. Chức vụ tiểu đội trưởng, đơn vị: bộ tư lệnh không quân. Việc này chúng tôi sẽ kiểm tra lại hồ sơ, sổ sách thế nào đã nhưng phải có nhân chứng”.

 

Giờ gia đình anh Hóa rất mong những người đồng đội cũ của anh, đọc được bài viết này hãy đến giúp đỡ anh hoàn thành nhận chế độ. Gia đình ấy cũng rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Tuyết, xóm 1, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

 

Nguyễn Duy