(Dân trí) - Tình nguyện lên vùng núi dạy học được 4 năm, lấy vợ 4 tháng thì thầy Hiền (40 tuổi, ở Tương Dương, Nghệ An) không may lâm bệnh hiểm nghèo, không tiền cứu chữa.

Thầy Lê Tuyên Huấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) dẫn chúng tôi đến thăm thầy giáo Moong Văn Hiền (40 tuổi, trú bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương).

Trên giường bệnh, hình ảnh thầy Hiền gầy gò, đen sạm. Căn bệnh viêm màng não khiến thầy từ một người đàn ông khỏe mạnh, trụ cột của gia đình, giờ chỉ nằm một chỗ.

Bệnh tật, khổ cực bủa vây cuộc sống gia đình thầy giáo vùng biên - 1

Thầy Hiền tình nguyện viết đơn vào xã Hữu Khuông đi dạy. Được hơn 4 năm, nay thầy Hiền phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo (Ảnh: Nguyễn Phê).

Thầy Hiền là giáo viên đầu tiên và cũng là duy nhất đến nay, viết đơn tình nguyện lên Trường Tiểu học Hữu Khuông công tác. Đây là ngôi trường vùng sâu, đặc biệt khó khăn, nằm biệt lập giữa núi rừng và ven lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

"Thầy Hiền làm đơn tình nguyện về trường công tác từ năm 2021 và chủ nhiệm lớp 3. Quá trình công tác, thầy luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, tận tâm với nghề, hiền lành, hòa đồng, ít nói. Tháng 2 vừa rồi, thầy mới cưới vợ thì tháng 6 đã lâm bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh vô cùng khó khăn", thầy Huấn chia sẻ.

Bệnh tật, khổ cực bủa vây cuộc sống gia đình thầy giáo vùng biên - 2

Sau đó thầy Hiền được đưa xuống bệnh viện tỉnh điều trị (Ảnh: Nguyễn Phê).


Thầy Hiền người dân tộc Khơ Mú, sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, có 5 anh em. Ngay từ khi còn nhỏ, thầy đã tự hứa dù khó khăn thế nào cũng sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có nghề nghiệp ổn định, thay đổi số phận cũng như cuộc sống ở bản làng. Sau bao năm đèn sách cộng với sự kiên trì và nỗ lực, cuối cùng, thầy cũng hoàn thành tâm nguyện của mình, trở thành giáo viên tiểu học, trở về bản làng gieo chữ. Thầy Hiền không chỉ là niềm tự hào cho gia đình và còn cả bản làng Xốp Cháo.

Duyên phận, mãi đến năm 40 tuổi, thầy Hiền mới gặp rồi nên duyên vợ chồng với chị Mạc Thị Tấm (34 tuổi). Chị Tấm không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy, không có ai thuê làm thì lại vào rừng hái măng.

Ông Lô Văn Danh, Trưởng bản Xốp Cháo, xã Minh Lượng chia sẻ, thầy Hiền lấy vợ muộn, cưới đầu năm nay. Trường học ở xa, đi lại khó khăn nên thầy ở lại trường, cuối tuần mới về nhà.

"Cưới vợ được 3 tháng, thầy Hiền quyết định vay ngân hàng 200 triệu để sửa sang lại căn nhà sàn xuống cấp sống cùng bố mẹ. Khi đang tháo dỡ nhà sàn, vợ chồng thầy đưa số tiền trên xuống nhà em gái nhờ cất giúp thì không may nhà em gái gặp hỏa hoạn. Ngôi nhà em gái bị lửa thiêu trụi hoàn toàn, 200 triệu đồng thầy Hiền nhờ cất giúp cũng tan thành tro. Không còn tiền để sửa nhà cũng không có chỗ ở, vợ chồng thầy Hiền cùng cha mẹ già đành qua nhà người em trai gần đó ở nhờ.

Bệnh tật, khổ cực bủa vây cuộc sống gia đình thầy giáo vùng biên - 3

Tuy nhiên, sau đó do điều kiện gia đình kinh tế khó khăn nên chị Tấm phải đưa chồng về quê để chăm sóc nhờ phép mầu (Ảnh: Nguyễn Phê).

Khó khăn chưa qua thì gần một tháng sau, thầy Hiền phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, giờ nằm một chỗ như người thực vật, nhìn cám cảnh lắm", ông Danh chia sẻ.

Tại bệnh viện, thầy Hiền được kết luận bị viêm màng não, phải thở bằng máy, ăn qua ống xông thực quản. Sau 1 tháng được điều trị, thầy Hiền tỉnh lại, sức khỏe dần hồi phục, người nhà xin về bệnh viện tuyến huyện tiếp tục điều trị cho gần nhà, đỡ chi phí và tiện thay nhau chăm sóc.

Bệnh tật, khổ cực bủa vây cuộc sống gia đình thầy giáo vùng biên - 4

Ở quê căn nhà sàn của người em trai là nơi duy nhất vợ chồng chị Tấm ở nhờ (Ảnh: Nguyễn Phê).

"Chỉ 3 tháng sau khi cưới thì biến cố ập đến, nhà không có ở, vợ chồng tôi còn gánh thêm khoản nợ ngân hàng 200 triệu đồng. Giờ chồng lâm bệnh hiểm nghèo, sống dở chết dở thế này, một mình tôi biết xoay xở làm sao đây. Chỉ mong anh ấy sớm khỏe lại để cùng tôi gánh vác cuộc sống. Chúng tôi mới cưới nhau được mấy tháng và chưa có đứa con nào", chị Tấm nghẹn lời.

Sau hơn 3 tháng điều trị, không còn khả năng vay mượn, gia đình xin đưa thầy Hiền về nhà tự chăm sóc. Đến nay thầy Hiền vẫn nằm một chỗ, chưa thể nói, chưa nhận thức, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Từ ngày chồng mắc bệnh hiểm nghèo, chị Tấm túc trực, chăm sóc cho chồng nên không làm gì kiếm thu nhập.

Bố mẹ chồng đã già yếu. Cuộc sống của cả gia đình cũng như thuốc thang, bỉm, sữa của thầy Hiền trông chờ vào vợ chồng người em trai và tấm lòng hảo tâm của đồng nghiệp, các cơ quan ban ngành địa phương.

Thấu hiểu hoàn cảnh, Trường Tiểu học Hữu Khuông phối hợp cùng Liên đoàn lao động huyện Tương Dương kêu gọi được hơn 40 triệu đồng giúp thầy Hiền chữa trị. Thi thoảng đại diện trường cũng đến thăm hỏi, động viên gia đình vượt qua khó khăn, bệnh tật.

Bệnh tật, khổ cực bủa vây cuộc sống gia đình thầy giáo vùng biên - 5

"Sắp tới, chồng có lịch tái khám và điều trị mà tôi không biết trông chờ vào đâu để vay tiền cả...", (Ảnh: Nguyễn Phê).

Nghe tiếng chồng ú ớ, chị Tấm gạt dòng nước mắt, nhẹ nhàng cầm chiếc khăn mỏng lau qua khuôn mặt và đôi tay cho chồng rồi thở dài khi nghĩ về chặng đường dài đầy khó khăn phía trước.

"Sắp tới, chồng có lịch tái khám và điều trị mà tôi không biết trông chờ vào đâu để vay tiền cả. Nợ nần chồng chất rồi mà anh ấy vẫn nằm một chỗ, không biết gì thế này, tôi buồn và lo lắng lắm.

Mong mọi người chia sẻ, giúp đỡ để chồng tôi có thêm cơ hội chữa trị, sớm khỏe mạnh, tiếp tục gieo chữ nơi bản làng" chị Tấm khẩn cầu.

Mã số 5323:

Bệnh tật, khổ cực bủa vây cuộc sống gia đình thầy giáo vùng biên

17/09/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng hoàn cảnh

Báo Dân trí