Trong căn nhà sàn xập xệ gần 40 năm tuổi, bà Thắm dẫu ốm đau vẫn gắng gượng lo cơm, áo cho người chồng tai biến, con trai tâm thần. Ngày bão giông, bà lão cắn răng dìu chồng lết vào trú trong nhà tắm.
Dẫu ốm đau vẫn gắng gượng lo cơm, áo cho chồng tai biến, con tâm thần
Con đường mòn dẫn vào nhà bà Hoàng Thị Thắm (71 tuổi, ở thôn Kiên Cố, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) vẫn còn vết tích sạt lở từ đợt bão số 3 (Yagi). Lượng lớn đất đá đổ ập xuống đường đã được gạt tạm sang hai bên, chất thành đống lổn nhổn, để khơi lối đi lại cho gia đình.
Căn nhà sàn của bà Thắm lọt thỏm, thấp hơn mặt đường, nhìn từ xa đã thấy vẻ nhếch nhác, tuềnh toàng, xập xệ. Một thanh gỗ yếu ớt bên hông không đủ chống đỡ căn nhà của những con người khốn khổ.
Trong căn nhà ấy, đã nhiều năm qua, bà Thắm dẫu ốm đau, mệt nhọc vẫn phải gắng gượng để chăm lo miếng cơm, manh áo cho người chồng bị tai biến và con trai tâm thần.
Chồng bà Thắm là ông Hoàng Văn Phóng (71 tuổi) bị tai biến đã hơn 6 năm, mọi hoạt động đều rất khó khăn, phụ thuộc vào vợ. Con trai của ông bà là anh Hoàng Văn Thuật (40 tuổi) đang được hưởng trợ cấp khuyết tật thần kinh, tâm thần.
Từ năm 2010, bà Thắm phát hiện mắc bệnh cường giáp tự miễn. Mấy tháng trước, bà thấy khó chịu ở cổ nên tái khám, lại phát hiện có u tuyến giáp.
Do bà Thắm đã lớn tuổi, bác sĩ khuyến cáo không uống thuốc vì có khả năng dẫn đến suy thận. Không còn cách nào khác, mỗi tháng, bà lão đành lóc cóc đi xe khách xuống bệnh viện tỉnh Yên Bái để hút dịch.
Mỗi lần khám bệnh, bà Thắm đều tranh thủ sáng đi tối về. Có lúc bác sĩ yêu cầu ở lại bệnh viện điều trị, bà từ chối vì không yên tâm để ông Phóng ở nhà một mình, không ai chăm sóc.
Bà Thắm vất vả, cơ cực, làm việc luôn chân, luôn tay, bây giờ có dấu hiệu bị lẫn. Bà không nhớ có tất cả mấy người con, lúc thì nói 4, lúc lại nói 5. Tới mức, cán bộ xã Minh Xuân phải ngồi liệt kê, đọc tên từng người con, giúp bà Thắm lưu lại.
Theo chính quyền xã Minh Xuân, vợ chồng bà Thắm có 1 con gái và 4 con trai. Nhưng con gái lấy chồng tận Hà Giang; con trai cả làm thuê ở TPHCM không may bị tai nạn dẫn đến chân bị tật, đi lại khó khăn, lâu lắm không về; con trai thứ ba và con trai út có gia đình riêng nhưng cũng vất vả, thiếu thốn. Người con thứ tư là anh Hoàng Văn Thuật.
Anh Thuật bị bệnh tâm thần, lang thang khắp nơi, bà Thắm già yếu, cũng chẳng đủ sức để theo sát con mỗi ngày nên đành bất lực, phó mặc cho số phận.
"Chắc là trời chưa thương đủ nên tôi còn khổ. Vẫn còn may mắn, con tôi không bị dân làng xua đuổi vì không gây rối hay trộm cắp của ai bao giờ. May mắn nhất là được trợ cấp nên mới có cái ăn cho cả nhà", bà Thắm nói vậy.
Bão số 3 về, vợ ốm yếu dìu chồng tai biến lê từng bước vào nhà tắm tránh trú
Trong căn nhà sàn được dựng từ năm 1987, đến nay không có đồ vật gì giá trị ngoài chiếc tủ ở chính giữa nhà. Qua thời gian, căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, các thanh gỗ đã bị mối mọt, mái cọ thủng lỗ chỗ, sàn có nhiều khoảng trống huơ, trống hoác. Lần gần nhất gia đình bà Thắm sửa nhà là năm 2010.
Thương bố mẹ già cả, bệnh tật, thương em trai tâm thần, người con trai cả đón họ về ở trong căn nhà cấp 4 thấp, nhỏ, lợp tôn, vừa đủ chỗ nằm. Những ngày mưa còn đỡ, khi trời nắng, hơi nóng từ mái tôn phả xuống khiến vợ chồng bà Thắm chịu không nổi, lại dắt díu nhau về căn nhà sàn xập xệ để ngủ.
"Lúc bão quật mạnh, cây tai chua cả trăm tuổi sau vườn đổ sập, tôi dìu ông ấy lê từng bước vào nhà tắm, trú cho qua. Nhà mà sập chắc vợ chồng tôi chỉ còn đường chết", bà Thắm nhớ lại lúc bão số 3 ập đến, chỉ biết cầu mong mẹ thiên nhiên ngừng nổi giận.
Bà Nguyễn Thị Hướng, trưởng thôn Kiên Cố cho biết: "Gia đình bà Thắm không có người lao động, là hộ nghèo lâu năm, tự thân gần như không thể thoát nghèo. Cuộc sống của 3 người chủ yếu trông chờ vào trợ cấp xã hội của ông Phóng và anh Thuật".
"Căn nhà sàn của bà Thắm xuống cấp rất nghiêm trọng nhưng chưa có nguồn lực để xây nhà mới, kiên cố. Chúng tôi hy vọng báo Dân trí kết nối độc giả, giúp đỡ hoàn cảnh của bà Thắm", trưởng thôn Kiên Cố dốc lòng chia sẻ.
Nhìn xa xăm, bà Thắm nói, điều lo sợ nhất là mai này hai vợ chồng bà không còn, anh Thuật không biết sẽ đi đâu về đâu. Bà cũng mong có một mái nhà kiên cố để không phải sống trong cảnh nơm nớp lo sập; mỗi lúc bão giông, vợ chồng già không phải dìu nhau lê lết đi tránh trú.
Theo thông tin từ ông Lã Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân: Gia đình ông Hoàng Đình Phóng ở thôn Kiên Cố là gia đình hộ nghèo của xã, đang trong diện di dời khẩn cấp do khu đất đã sạt lở một phần ta luy dương.
"Kinh tế gia đình khó khăn, bà Thắm già yếu, vừa chăm chồng tai biến, vừa nuôi con tâm thần nên không thể tự làm nhà. Kính mong các nhà hảo tâm, bạn đọc báo Dân trí chung tay giúp gia đình sớm ổn định chỗ ở", Chủ tịch UBND xã Minh Xuân bày tỏ.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Bà Hoàng Thị ThắmĐịa chỉ: Thôn Kiên Cố, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.
Đọc thêm chi tiết về hoàn cảnh MS 5388