Nhà của bà Yên nằm khuất trong hẻm ở xóm 13, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà. Gọi là nhà nhưng nơi ở của hai con người khốn khổ suốt hơn 20 năm qua chỉ là túp lều lụp xụp, rách nát rộng chừng 25m2. Người phụ phụ nữ tay lèo khèo, miệng đang ngậm sợi dây thừng cố múc từng gàu nước giếng ấy là chị Tô Thị Huân, người còn lại đã xấp xỉ 80 tuổi thì không có nhà.
Tật nguyền nên chị Huân gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt (Ảnh: Hoài Thu)
Chị Huân dừng múc nước trò chuyện với chúng tôi. Chị buồn bã đến rơi nước mắt khi kể về cuộc đời mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo, chưa đầy một tuổi thì chị Huân bị ốm rồi tê liệt nửa người. Gia đình đưa chị đi chữa trị nhưng không khỏi.
Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè tới lớp tới trường, dẫu thèm khát lắm nhưng chị phải ngậm ngùi ở nhà vì bệnh tật. Mọi sinh hoạt cá nhân từ chải tóc, tắm rửa, giặt giũ chị đều phải nhờ đến đôi bàn tay của người mẹ.
Thương mẹ, không muốn làm mẹ khổ nên nhiều lúc, chị đã nghĩ quẩn: “Sống mà không làm được gì giúp đỡ cha mẹ, lại còn phải để mẹ chăm lo, chẳng bằng chi chết đi để đỡ khổ thân mẹ và đỡ làm vướng bận đến mọi người”. Nhưng rồi ngày qua ngày chị lại nuôi hi vọng, ước mơ về ngay mai.Chị tin vào cuộc sống và khao khát được sống.
Chị có bốn người em, bây giờ họ đã có gia đình riêng. Không muốn tăng gánh nặng cho những đứa con nghèo, bà Yên dẫn chị ra ở riêng trong ngôi nhà tranh tạm bợ, dột nát. Không chỉ con bệnh tật, bà Yên cũng bị chứng đau khớp, đau thần kinh. Những ngày đó, mẹ con bà chỉ biết ăn cơm với muối trắng sống qua ngày. Xóm làng cảm thương thường xuyên đến động viên tinh thần, chia sẻ bát gạo, củ khoai, bộ quần áo cũ.
Hoàn cảnh gia đình của các em chị Huân cũng rất khó khăn. Hai người em trai mấy năm gần đây phát bệnh hiểm nghèo. Nhà làm ruộng có cái để ăn là may lắm rồi chứ nói gì đến việc chữa bệnh. Cái chết vì thế luôn rình rập không biết sẽ đến lúc nào.
Một người em dâu của chị Huân tâm sự: “Tui thương mẹ và chị, biết mẹ và chị khổ, nhưng nhà tui cũng đói lắm. Mấy năm nay lại mất mùa, chạy chợ ngược xuôi cũng không lo đầy bữa. Biết lấy chi mà cho mẹ với chị đây” .
Bà Yên dẫu đã xấp xỉ 80 vẫn phải lăn lộn đủ đường kiếm miếng cơm manh áo nuôi con (Ảnh: Hoài Thu)
Giờ đã xấp xỉ cái tuổi 80, hằng ngày bà Yên vẫn ngược xuôi ngắt từng cọng rau mang ra chợ; ra đồng mò từng con cá, con tép để mẹ con có miếng ăn, thăm điếu hằng ngày.
Hôm chúng tôi đến, trên tay bà cầm một túi bóng lấm lem bùn đất đựng độ chục con cua đồng - kết quả bà mò mẫm đến rát tay suốt cả buổi sáng. Bà Yên nước mắt lưng tròng: “Sáng ni đi cả buổi sáng ngoài rọng (ruộng), bươi (đào móc) mãi mới được từng ni đó cô chú à. Già rồi, chân tay lỏng khỏng không được nhanh nhẹn nữa. Từng ni mẹ con phải ăn tằn tiện đến mấy bữa cơm”.
Rồi bà buồn bã nghĩ về chuỗi ngày mịt mù phía trước: “Tui đã già yếu rồi, không biết sẽ chết khi mô, nên chỉ mong mần răng sửa được mái tranh, túp lều để che mưa che nắng, cho cái Huân nó sống sau này. Có được như thế thì tui mới yên lòng khi nhắm mắt xuôi tay”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1. Bà Lê Thị Yên, xóm 13, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội * Tài khoản USD: Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 Switch Code : ICBVVNVX106 639 Tại : Sở Giao dịch I - Ngân hàng Công thương Việt Nam 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6, Quận Bình Thạnh. Tel: 08.35107331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269 |
Văn Dũng - Hoài Thu