Thêm vốn tiêu dùng phục vụ giới trẻ
(Dân trí) - Cuộc chạy đua song mã đầu tư vào tài chính tiêu dùng của các ông lớn tài chính nước ngoài giúp thị trường này trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Điều này giúp người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ với thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.
Tài chính tiêu dùng hút vốn ngoại
Khoảng 3 năm trở lại đây, kể từ khi bộc lộ rõ tiềm năng, đồng thời nhờ hành lang pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn, thị trường tài chính tiêu dùng đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Bằng chứng là thị trường liên tục chứng kiến các thương vụ đầu tư "khủng" của các ông lớn tài chính trong và ngoài nước vào lĩnh vực còn khá mới mẻ này.
Trong đó, đáng kể nhất là FE Credit khi huy động thành công 350 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài như Credit Suisse, Deutsche Bank, Lion Asia và khoảng 15 ngân hàng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Gần đây nhất có thể kể đến thương vụ đình đám trị giá tới 1.700 tỷ đồng khi Techcombank bán công ty tài chính (CTTC) TechcomFinance cho đối tác Hàn Quốc Lotte Card dù vốn lệ trước khi bán của TechcomFinance chỉ là 600 tỷ đồng. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của các CTTC tại Việt Nam hiện đang vô cùng lớn mới có thể khiến đối tác ngoại sẵn lòng chi thêm tới 1.000 tỷ đồng để sở hữu công ty này.
Bên cạnh đó, là các vụ đầu tư lớn nhưng có phần im hơi lặng tiếng hơn như Tập đoàn tài chính Credit Saison Nhật Bản mua lại 49% cổ phần của HDFinance, hay sự hợp tác liên doanh chiến lược giữa ngân hàng Nhật Bản Shinsei Bank và Ngân hàng Quân đội trong việc "lột xác" CTTC MCredit thành MB Shinsei.
Ngoài ra, các CTTC cũng liên tục nhận được nhiều lời mời bán lại hoặc hợp tác đầu tư từ các đối tác trong và ngoài nước. Trong đó, đặc biệt phải kể đến ngân hàng mẹ VPBank và “gà đẻ trứng vàng” FE Credit khi liên tục có các nhà đầu tư từ nhiều nơi trên thế giới đề nghị mua lại CTTC này.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cũng chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên ngân hàng vừa qua về việc có nhiều đối tác nước ngoài đến đặt vấn đề đầu tư vào CTTC của ngân hàng.
Tại Hội nghị Quốc tế về Tài chính Tiêu dùng ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cũng cho rằng thị trường tín dụng tiêu dùng hiện vẫn đang trong thời điểm vàng để phát triển.
Cơ hội vay vốn giá rẻ cho giới trẻ
Nếu như ở góc độ nội bộ thì làn sóng đầu tư kể trên buộc các CTTC phải hoạt động hiệu quả hơn thì khía cạnh thị trường, có thể thấy thay đổi lớn nhất chính là việc các CTTC đua nhau giảm lãi suất giúp người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn bao giờ hết.
Chị Hoàng Phương (Đà Nẵng) hồ hởi khi nói về việc vừa ký hợp đồng mua chiếc xe máy đầu tiên trong đời khi bước sang tuổi 22.
“Trước giờ tôi sợ vay tiêu dùng lãi suất cao nên không dám vay. Giờ thấy FE Credit có chương trình khuyến mại mua xe máy Honda lãi suất chỉ 0,99% nên tôi quyết định vay ngay”.
Chị Phương cũng chia sẻ, hiện chị đang là sinh viên năm thứ cuối trường Đại học Sư phạm TP.HCM và làm thêm tại một trung tâm thương mại. Việc sở hữu một chiếc xe máy sẽ giúp chị chủ động hơn nhiều về thời gian, giúp đảm bảo cả việc học và làm thêm, đồng thời có thêm thời gian nghỉ ngơi thay vì mỗi ngày phải mất tới 2h đồng hồ đạp xe di chuyển trên đường.
Không chỉ khuyến mại lãi suất khi mua xe máy Honda, FE Credit còn có chương trình khuyến mại lãi suất 0,7% khi mua xe Yamaha khi nói về các chương trình lãi suất 0% mua trả góp điện thoại Oppo, điều hòa Daikin hay khuyến mãi “khủng” theo từng giai đoạn.
Các CTTC khác như Home Credit hay HD Saison cũng có những chương trình tương tự nhằm thu hút khách hàng, trong bối cảnh áp lực cạnh tranh giữa các CTTC đang trở nên quyết liệt hơn.
Sự cạnh tranh của các CTTC được đánh giá là sẽ mang lại làn gió mới cho thị trường tài chính tiêu dùng bằng các chiến lược thông minh hơn, các sản phẩm tốt hơn với mức chi phí phù hợp hơn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội. Các CTTC ra đời đã giúp nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ có nhu cầu tiêu dùng cao nhưng thu nhập chưa ổn định có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức thay vì phải tìm đến tín dụng đen đi kèm nhiều rủi ro và hệ lụy như trước đây.
Trong vòng 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần. Cụ thể, cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến hết quý 1/2018, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,14 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng dư nợ của nền kinh tế và phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng.
Hà Anh