Phó Tổng giám đốc VIB: Cạnh tranh trong ngành ngân hàng chuyển hướng
Dự báo tới năm 2016, hơn 60% các ngân hàng trên thế giới sẽ xử lý phần lớn các giao dịch trên nền tảng điện toán đám mây. Nếu không tái cơ cấu hạ tầng công nghệ, các ngân hàng trong nước sẽ tụt hậu so với các đồng nghiệp quốc tế.
Theo nhận xét của Gartner, hãng nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, xu hướng của thế giới hiện đại là mọi ngành kinh tế đều sẽ liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin và số hoá.
Dự đoán tới năm 2016, hơn 60% các ngân hàng trên thế giới sẽ xử lý phần lớn các giao dịch trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing). Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không tái cơ cấu hạ tầng công nghệ, các ngân hàng trong nước sẽ tụt hậu so với các đồng nghiệp quốc tế. Chỉ những ngân hàng tập trung đầu tư cho công nghệ và tận dụng được sức mạnh của công nghệ và số hoá để cải thiện hoạt động mới giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Những năm qua, TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) nổi lên như một điển hình ngân hàng tiên phong hiện đại hóa CNTT, có thể kể đến việc triển khai dự án ngân hàng điện tử (eBanking), dự án ứng dụng công cụ tích hợp Enterprise Service Bus (ESB) – một nền tảng công nghệ khá mới trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng, hay như việc đặt viên gạch đầu tiên trong quá trình xây dựng kiến trúc định hướng dịch vụ hiện đại (SOA) mà rất nhiều ngân hàng Việt Nam chưa thực hiện được.
Gần đây nhất, VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai lựa chọn giải pháp điện toán đám mây của IBM để đảm bảo sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao tính linh hoạt trong kinh doanh và tăng cường hiệu năng hoạt động.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc VIB về vấn đề này.
Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc VIB
Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn lý do nào VIB lại áp dụng điện toán đám mây trong việc cải tổ hoạt động kinh doanh ngân hàng?
Sau 18 năm hoạt động với trên 160 chi nhánh cả nước, hơn 3.500 nhân viên, VIB có nhu cầu xây dựng một cơ sở hạ tầng CNTT năng động và hiệu quả để cải tiến các dịch vụ ngân hàng.
Cơ sở hạ tầng hiện tại, mặc dù đã không ngừng nâng cấp nhờ tiến bộ công nghệ, nhưng vẫn không tránh khỏi những áp lực lớn về công suất tính toán và thời gian triển khai sản phẩm, dịch vụ. Điều này càng trở nên bức thiết trong tương lai gần, khi khối lượng dữ liệu ngân hàng gia tăng với cấp số nhân.
Trong các giải pháp vượt trội về hạ tầng công nghệ của thế giới, VIB đã lựa chọn các giải pháp điện toán đám mây của IBM để đảm bảo sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao tính linh hoạt trong kinh doanh và tăng cường hiệu năng hoạt động.
Cụ thể hơn, chúng tôi đã kết hợp với IBM để triển khai một giải pháp điện toán đám mây ảo hóa, dựa trên các hệ thống IBM PureFlex System Express, IBM System Storage và phần mềm IBM SmartCloud Entry.
Hiệu quả bước đầu như thế nào, thưa ông?
Sau 11 tháng đưa hệ thống mới vào vận hành, VIB đã tiết kiệm được gần 80% chi phí điện năng dành cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian triển khai hạ tầng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới từ vài tháng xuống còn vài ngày, thậm chí vài giờ.
Với việc chi phí và thời gian giảm thiểu đáng kể như vậy, cũng đồng nghĩa với việc VIB rút ngắn thời gian triển khai sản phẩm phục vụ khách hàng, đa dạng dịch vụ hơn và khách hàng được hưởng sản phẩm/dịch vụ tài chính với chi phí ưu đãi hơn.
Bên cạnh đó, sau một thời gian triển khai giải pháp, về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã tập trung hóa được 90% số lượng máy chủ, thu hẹp diện tích không gian đặt máy chủ tới 81%. Bởi vì từ hơn một trăm máy chủ khác nhau ở hệ thống cũ, VIB chỉ còn phải duy trì một vài máy chủ vật lý với hàng trăm máy chủ ảo bên trong sau khi áp dụng ảo hoá và điện toán đám mây.
Các năng lực điện toán mới cũng nâng cao tính sẵn sàng và hiệu quả của ứng dụng, chẳng hạn như cắt giảm thời gian xử lý cuối ngày của Hệ thống Ngân hàng lõi (Core Banking System) tới 50%.
Với những con số cụ thể như trên, ngoài việc giảm thiểu những ảnh hưởng tới môi trường vì tiêu thụ điện năng giảm 80%, VIB đã tăng cường hiệu năng làm việc, giảm thiểu rủi ro, và đây cũng là một ví dụ cho sự tối ưu hoá mô hình hoạt động thông qua ứng dụng Công nghệ thông tin.
Ông có cho rằng, điều này sẽ tạo ra một xu hướng mới trong tương lai gần với ngành ngân hàng Việt Nam?
Tôi nghĩ, tính linh hoạt trong kinh doanh dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ vượt trội là yếu tố quan trọng đối với thành công của VIB hay của bất cứ ngân hàng nào nếu muốn trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng.
Với riêng chúng tôi, việc triển khai điện toán đám mây là một phần quan trọng trong chiến lược đổi mới công nghệ hiện đại so với mô hình ngân hàng truyền thống.
Tất nhiên, đây chỉ là một trong nhiều bước nhằm hiện đại hóa ngân hàng. Hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng đón nhận cũng như ứng dụng các xu thế hiện đại như ngân hàng trên điện thoại di động (Mobile Banking) hay kinh doanh trên mạng xã hội (Social Banking), nhằm chủ động đáp ứng các nhu cầu của khách hàng về một ngân hàng hiện đại, thân thiện và tiện dụng.
Ví dụ như kinh doanh trên mạng xã hội, VIB là ngân hàng đầu tiên đưa ra khái niệm chi nhánh ảo trên Facebook (Virtual Facebook branch) và cũng là ngân hàng triển khai công cụ tính toán kế hoạch vay trên mạng xã hội này. Chỉ trong 2 tháng sau khi triển khai, chúng tôi được cộng đồng mạng rất quan tâm và trở thành một trong những ngân hàng được yêu thích nhất trên Facebook tại Việt Nam.
Tôi nghĩ, điện toán đám mây là một mũi nhọn công nghệ góp phần nâng cao chất lượng vận hành, giúp ngân hàng mang đến dịch vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng.
Xin cảm ơn ông!
P.V