Mô hình quản trị rủi ro mới ở các công ty tài chính

Ngay từ khi ra đời, các Công ty tài chính đã tập trung vào hoạt động cho vay tín chấp, với thủ tục đơn giản, thời gian xét duyệt nhanh gọn đáp ứng được nhu cầu linh hoạt của phần đông người tiêu dùng thu nhập thấp và trung bình.

Ngày càng có nhiều người lựa chọn dịch vụ cho vay tiêu dùng khi chưa đủ điều kiện thanh toán 100% giá trị sản phẩm, chính điều này đã đưa tài chính tiêu dùng vào giai đoạn phát triển nóng.

Nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng trong và ngoài nước bước vào cuộc đua thành lập Công ty tài chính với hàng loạt cái tên liên tiếp xuất hiện trên thị trường: FE Credit, Home Credit, HD Saison, Prudential Finance …

Tuy nhiên do đặc thù là cho vay tín chấp, càng tăng trưởng nhanh, quy mô càng mở rộng thì hoạt động của các Công ty tài chính càng có nhiều rủi ro, vậy đâu là “Bí kíp” để cân bằng hoạt động giữa quy mô, lợi nhuận và rủi ro?

Từ năm 2014 trở về trước, Home Credit là Công ty tài chính cho vay tiêu dùng dẫn đầu thị trường. Công ty này cho biết, sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam, tổng số tiền cho vay đạt khoảng 25.000 tỷ đồng.

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của 5 Công ty nước ngoài và FE Credit
Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của 5 Công ty nước ngoài và FE Credit

Tuy nhiên bước sang năm 2015 cuộc đua trên thị trường tài chính trở nên nóng bỏng với hàng loạt cuộc đua thâu tóm các Công ty tài chính và triển khai kinh doanh dịch vụ cho vay tài chính tiêu dùng trong thời gian qua như HDBank mua lại Công ty tài chính Việt Société Générale (SGVF), Techcombank mua lại Công ty tài chính Hóa chất; MBBank mua lại Công ty tài chính Sông Đà, MaritimeBank mua lại Công ty tài chính Dệt may; SHB mua lại Công ty tài chính Vinaconex - Viettel.

Riêng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Sau khi mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) của Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin), VPBank chính thức chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - FE Credit vào tháng 02/2015.

Theo báo cáo thị trường tài chính tiêu dùng năm 2015 FE Credit đang dẫn đầu thị trường về dư nợ cho vay. Chỉ tính năm 2015 FE Credit có tốc độ tăng trưởng đạt 331% ở dịch vụ vay điện thoại điện máy, 121% ở dịch vụ vay mua xe máy và 185% ở dịch vụ vay tiền mặt so với cùng kỳ năm trước. Với hơn 2 triệu khách hàng FE Credit đạt tổng dư nợ cho vay tiêu dùng hơn 20.000 tỷ đồng vượt xa các tổ chức tín dụng khác.

Bên cạnh những con số ấn tượng, là những rủi ro mà các Công ty tài chính phải đối mặt như nợ xấu tăng, các đối tượng xấu lợi dụng kẻ hở trong hoạt động cho vay tiêu dùng để lừa đảo, trục lợi…ngoài việc tăng quỹ dự phòng, hầu hết các Công ty tài chính đều có những “Bí kíp” riêng trong hoạt động quản trị rủi ro.

Công ty tài chính hiện nay có rất nhiều các phòng ban liên quan đến hoạt động quản trị rủi ro: từ thẩm định, kiểm soát gian lận, thu hồi nợ…đặc biệt là xuất hiện một bộ phận chuyên biệt, được ví như “Chiếc khiên bảo vệ doanh nghiệp” đó là “Phòng An ninh điều tra nội bộ”.

Trụ sở Công ty Tài chính FECredit tại TP Hồ Chí Minh.
Trụ sở Công ty Tài chính FECredit tại TP Hồ Chí Minh.

Phòng An ninh ở các Công ty tài chính ngoài việc phát hiện, điều tra, xử lý các sai phạm nội bộ, đảm bảo tuân thủ quy trình quy định về phòng chống rủi ro của Công ty thì một mảng hoạt động khác của phòng an ninh đem lại hiệu quả rất lớn đó là: điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng để triệt phá các đường dây tội phạm liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, các Ngân hàng … nhằm ngăn chặn rủi ro tiềm ẩn có thể mang lại nợ xấu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại cả FE Credit, Home Credit, HD Saison đều có Phòng An ninh điều tra nội bộ nhưng được tổ chức chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả và gây tiếng vang lớn nhất vẫn là Phòng An ninh điều tra nội bộ của FE Credit, theo đó bộ phận này đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước từ Hà Nội, Hải Phòng, đến Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…liên tiếp triệt phá nhiều đường dây lừa đảo mua sản phẩm trả góp, làm giấy tờ giả: Sao kê tài khoản ngân hàng giả, giấy xác nhận công tác giả, giấy xác nhận lương giả…để vay vốn ngân hàng.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin bài viết, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Trưởng phòng Phòng An ninh điều tra nội bộ của FE Credit để tìm hiểu thêm về “Bí kíp” quản trị rủi ro, vận hành hoạt động của Phòng An ninh cũng như những kinh nghiệm hoạt động hiệu quả của bộ phận này, tuy nhiên, vì lý do bảo mật, người đứng đầu Phòng An ninh FE Credit đã từ chối cung cấp thông tin.

Tài liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy, bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ để bảo vệ an ninh tài chính nội bộ thì Phòng an ninh điều tra nội bộ của FE Credit cũng đã phát hiện và ngăn chặn rủi ro hàng nghìn trường hợp vi phạm quy chế hoạt động, phối hợp với các cơ quan chức năng khởi tố nhiều vụ án khắp cả nước, bắt hàng trăm đối tượng lừa đảo, làm giả giấy tờ, con dấu…liên quan đến hoạt động vay tiêu dùng. Điều này đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm chung, thúc đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Rõ ràng, chính những hoạt động của những bộ phận như “Phòng an ninh điều tra nội bộ” là yếu tố then chốt, là “bí kíp” để các tổ chức tín dụng ngăn ngừa các yếu tố rủi ro, đảm bảo sự trong sạch trong nội bộ và “Sức khỏe” của doanh nghiệp trong cuộc đua trên thị trường tài chính. Nên chăng đây cũng là mô hình mà các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn nên học tập ?

Trần Thái Tâm