Chân dung logistics – ngành xương sống trong quá trình hội nhập
Bắt đầu từ những năm 1990, trên cơ sở của những dịch vụ giao nhận vận tải - kho vận, ngành logistics đã dần chuyển sang vai trò then chốt trong quá trình phát triển - hội nhập của đất nước. Theo Bộ Công Thương, logistics đang có tầm quan trọng quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại mỗi quốc gia
Logistics - mạch máu của nền kinh tế
Tại Việt Nam, lần đầu tiên, trong Luật Thương mại 2005 ghi nhận hoạt động logistics là hành vi thương mại. Theo đó, dịch vụ logistics được hiểu bao gồm những hoạt động giao nhận vận tải, các dịch vụ kho bãi, xếp dỡ, các dịch vụ cảng, ICD, các dịch vụ khai hải quan và xuất nhập khẩu. Ngày nay, dịch vụ logistics trở thành mắt xích quyết định sự lưu thông hàng hóa, liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm.
Khả năng cung ứng và phát triển dịch vụ logistics của một quốc gia cũng là điều kiện so sánh và ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế. Hệ thống cảng biển lớn đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, mạng lưới vận tải xuyên suốt và công nghệ ứng dụng vào các hoạt động để giảm thiểu thời gian vận chuyển. Tất cả sẽ giúp tối ưu hóa năng lực chuỗi cung ứng dịch vụ, giảm được gánh nặng chi phí vận chuyển và tạo ra khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Logistics – ngành xương sống của hội nhập nhưng chưa xứng tầm (ảnh minh họa)
Sự phát triển dịch vụ logistics có ý nghĩa đảm bảo cho việc vận hành sản xuất, kinh doanh các dịch vụ khác về thời gian và chất lượng. Logistics phát triển tốt sẽ mang lại khả năng tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Theo thống kê của Bộ kế hoạch đầu tư, trong năm 2015, Việt Nam thu hút được 24,1 tỷ USD đầu tư nước ngoài, tăng 10% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với 1.012 dự án đăng ký mới. Thế nhưng, thị trường logistics Việt Nam vẫn đang bị đánh giá chưa thể trở thành đòn bẩy để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu theo đúng tầm của nó.
Chiếc bánh khổng lồ chưa được khai thác hết “mỹ vị”
Đối với những quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore thì logistics đóng góp khoảng 10% tổng GDP của cả nước. Với các nước đang phát triển thì ngành này chiếm đến 30% GDP. Riêng ở Việt Nam, trung bình doanh thu ngành logistics chiếm tới 20% GDP của cả nước. Điều này cho thấy chi phí logistics cho từng đơn hàng đang chiếm tỷ lệ lớn và là cản trở không nhỏ trong khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia.
Từ sau khi gia nhập WTO, ngành logistics tăng trưởng mạnh về quy mô chiều ngang với tốc độ trung bình từ 20 – 25%/năm và hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong ngành. Trong đó, 80% là doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ với vốn đầu tư từ 3 – 5 tỷ đồng và chỉ chiếm được 20% thị phần. Thị phần còn lại với quy mô doanh thu hàng tỷ đô đang rơi vào tay các doanh nghiệp liên doanh và công ty nước ngoài.
Với việc hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó, việc gỡ bỏ 18.000 dòng thuế về 0% ngay lập tức cùng với những cam kết gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hoá giữa các quốc gia. Dự đoán khi hiệp định TPP có hiệu lực sẽ là đoàn bẩy và cũng nhiều thách thức cho ngành logistics Việt Nam khi thị trường hàng hóa lưu thông rộng mở và cơ hội gia nhập sâu vào các chuỗi sản xuất và cung ứng của thế giới lẫn khu vực.
Tuy nhiên, đi cùng cơ hội là những thách thức không hề nhỏ cho các doanh nghiệp vì phần đông chưa cung cấp được dịch vụ logistics hoàn chỉnh theo đúng nghĩa của nó. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ đang làm đại lý, hoặc đảm nhận từng công đoạn như là nhà thầu phụ trong dây chuyển logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.
Phát biểu về bức tranh ngành logistics hiện tại, CEO của Indo Trans Logistics Corporation cho biết “...Nói đến Hiệp định TPP, đa phần chúng ta nghĩ rằng sẽ là cơ hội để logistics Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhưng phải nhìn nhận rằng thử thách sẽ không hề nhỏ. Để có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng chuyên nghiệp quốc tế, các doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng được những yêu cầu cam kết chất lượng cũng như quy định riêng. Thời gian tới, theo nhu cầu thị trường, logistics Việt Nam không chỉ cần phát triển về lượng mà phải đẩy mạnh đầu tư phát triển về chất…”.