CEO BaoViet Fund: Cân nhắc mua cổ phiếu ngân hàng nếu muốn lợi nhuận cao
(Dân trí) - CEO Bùi Tuấn Trung cho rằng, đây là thời điểm nhà đầu tư nên cân nhắc quay lại thị trường, hoặc xem xét tăng tỷ trọng đầu tư cổ phiếu để nắm bắt cơ hội đạt lợi nhuận cao trong thời gian tới.
Bên lề roadshow giới thiệu Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Năng động Bảo Việt (BVFED), FICA.vn đã phỏng vấn ông Bùi Tuấn Trung, Tổng giám đốc công ty quản lý Quỹ Bảo Việt về thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng cuối năm 2013.
Các doanh nghiệp lớn đã lần lượt công bố báo cáo tài chính quý III/2013, ông có nhận định gì về tình hình hoạt động các doanh nghiệp sau 9 tháng đầu năm?
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết lớn, cụ thể là VN30, trong 3 quý đầu năm 2013 so với cuối năm ngoái đã tiến triển tốt hơn, ví dụ như Vinamilk, FPT, REE...Mặc dù tốc độ tăng trưởng chưa thật sự cao, nhưng các doanh nghiệp đã lấy được lại đà tăng trưởng.
Trong VN30, các ngân hàng vẫn đang còn khó khăn một chút nhưng tôi cho rằng lợi nhuận sẽ tốt dần lên trong quý IV/2013. Lý do là các biện pháp xử lý nợ xấu quyết liệt hơn, lãi suất huy động hiện đang ở mức thấp, các ngân hàng đều đang tập trung mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Theo chúng tôi đánh giá, VN30-Index năm sau sẽ đạt mức tăng trưởng tốt hơn năm nay nhiều. Chúng tôi dự báo chỉ số VN30- Index năm tới sẽ tăng trưởng 15-20% so với cuối năm 2013. (VN30-Index tính tới hết 8/11/2013 tăng khoảng 14,7% so với cuối năm ngoái - PV).
Đó có phải lý do mà BVFED chỉ lựa chọn đầu tư các cổ phiếu trong VN30 hay không? Việc giới hạn danh mục này liệu có làm quỹ trở nên kém hấp dẫn với những nhà đầu tư muốn đầu tư vào các mã penny tăng trưởng tốt hoặc cổ phiếu đầu cơ?
BVFED là quỹ đầu tư dạng mở, tức là cho phép nhà đầu tư bán lại chứng chỉ quỹ. Vì vậy, ngoài mục tiêu lợi nhuận như các quỹ khác, tính thanh khoản của các tài sản quỹ nắm giữ là rất quan trọng. Để đạt được 2 mục tiêu là lợi nhuận và thanh khoản, thì chỉ có các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 đáp ứng được.
Trong danh mục cổ phiếu của BVFED, bộ phận đầu tư sẽ thiết kế danh mục mô phỏng VN30, không nhất thiết bao gồm tất cả 30 cổ phiếu mà còn có thể có các tài sản khác. Với chiến lược chủ động, tùy từng thời điểm, BVFED sẽ lựa chọn tỷ trọng của từn cổ phiếu cũng như tỷ trọng cổ phiếu so với các tài sản khác phù hợp. Điều đó có nghĩa là có thời điểm quỹ duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao so với các tài sản khác nhưng cũng có thời điểm ngược lại, tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp.
Đối với quỹ đầu tư mã penny hay cổ phiếu đầu cơ, công ty quản lý quỹ Bảo Việt cũng đang nghiên cứu một quỹ đầu tư tăng trưởng chuyên đầu tư vào các công ty có quy mô nhỏ và tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung vào BVFED, một dạng quỹ rất mới của thị trường.
Theo ông những yếu tố nào sẽ tác động chủ yếu tới thị trường chứng khoán cuối năm? Trong hai tháng 9 và 10/2013, nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn rất mạnh vào thị trường Việt Nam, ông đánh giá gì về động thái này?
Các yếu tố ảnh hưởng với thị trường chứng khoán thì có rất nhiều. Quan trọng nhất chính là các yếu tố vĩ mô. Về tình hình vĩ mô của Việt Nam thời điểm này, tôi cho rằng tuy trước mắt còn rất nhiều khó khăn, nhưng thời điểm khó khăn nhất đã qua. Các chỉ số như tăng trưởng GDP, lạm phát năm nay đều nằm trong tầm kiểm soát, lãi suất ở mức thấp. Các định chế lớn nước ngoài trong các báo cáo phát hành gần đây cũng đều nhận định rằng vĩ mô của Việt Nam đang tốt lên nhưng "những gì xấu nhất đã qua rồi, những gì tốt nhất vẫn chưa đến".
Yếu tố thứ 2 là yếu tố về lòng tin của nhà đầu tư. Nhìn vào thị trường thời gian qua, tăng trưởng không phải quá cao nhưng chắc chắn, so với đầu năm, thị trường tăng khoảng 20% (đây là mức tăng chỉ số VN-Index - PV). Nhiều nhận định cho rằng, nhà đầu tư bắt đầu tin tưởng và quay lại thị trường.
Dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua đổ vào thị trường là yếu tố rất quan trọng. Họ đang mua ròng khá là lớn và động thái này phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ luân chuyển dòng tiền quốc tế. Thời gian gần đây dòng tiền này bắt đầu chuyển hướng từ các tài sản sinh lời cố định sang các tài sản rủi ro cao hơn như cổ phiếu, đồng thời hướng tới các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khu vực.
Từ các yếu tố trên, chúng tôi đánh giá, đây là thời điểm nhà đầu tư nên cân nhắc quay lại thị trường, hoặc xem xét tăng tỷ trọng đầu tư cổ phiếu để nắm bắt cơ hội đạt được lợi nhuận đầu tư trong thời gian tới.
Cũng phải nói thêm rằng, nếu như trước đây nhà đầu tư lo lắng nhiều rủi ro từ thị trường như rủi ro từ thanh khoản, kết quả kinh doanh các công ty chưa minh bạch thì thời gian gần đây, những rủi ro này đã được hạn chết rất nhiều từ các cơ quan điều hành.
Thêm một điểm hấp dẫn nữa tỷ lệ P/E (tỷ lệ giá cổ phiếu trên lợi nhuận - PV) trung bình các cổ phiếu tại thị trường Việt Nam đang ở mức thấp, khoảng 12, so với mức 13,14 của các thị trường khu vực. Đồng thời, thu nhập từ đầu tư kênh cổ phiếu so với kênh trái phiếu và tiền gửi từ đầu năm tới giờ ngày càng hấp dẫn hơn.
Khuyên nhà đầu tư cân nhắc tăng tỷ trọng đầu tư cổ phiếu, ông có thể gợi ý một vài cổ phiếu hay ngành nào có thể đem lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư thời gian tới?
Về nhóm ngành, điều này ảnh hưởng rất nhiều từ khẩu vị của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư muốn có lợi nhuận ổn định thì lựa chọn cổ phiếu các ngành phòng thủ như năng lượng, công nghệ thông tin. Còn nếu nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội đạt tăng trưởng cao, có thể xem xét lựa chọn cổ phiếu ngành ngân hàng.
Ông có thể lý giải thêm về gợi ý lựa chọn cổ phiếu ngân hàng để đạt lợi nhuận cao?
Ý tôi là cổ phiếu ngân hàng có cơ hội tăng trưởng cao trong thời gian tới. Lý do là các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu, và quá trình này khá hiểu quả. Họ hiểu rõ họ muốn cái gì và yếu ở điểm nào. Giá cổ phiếu ngân hàng cũng đã thể hiện hết những điểm yếu này. Và khi vượt qua được điều này, lợi nhuận các ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại, kéo theo giá cổ phiếu tăng. Suy cho cùng, ngân hàng vẫn là ngành rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam và các ngân hàng sẽ phản ứng nhanh nhất với diễn biến vĩ mô.
Xin cám ơn ông về buổi chia sẻ này!
BVFED hoạt động dưới hình thức quỹ mở, cho phép nhà đầu tư bán lại chứng chỉ cho quỹ tương ứng với giá trị tài sản ròng của quỹ tại cùng thời điểm. BVFED quy định thời gian nhà đầu tư có thể bán lại chứng chỉ quỹ là định kỳ thứ 5 thứ nhất và thứ ba hàng tháng. Cơ cấu tài sản của BVFED: Cổ phiếu thuộc rổ cổ phiếu VN30 với mức tối ta 95%; Trái phiếu Chính phủ, được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương tối đa 80%; Tiền gửi ngân hàng hoặc công cụ thị trường tiền tệ, giấy tờ có giá, công cụ chuyển nhượng tối đa 49%. Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc danh mục BVFED gồm các cổ phiếu VN30, trong khi 6 tháng chỉ số này được cơ cấu lại, ông Phạm Quang Thanh, Giám đốc đầu tư cổ phiếu, bất động sản cho biết, quỹ cũng tiến hành xem xét lại danh mục cổ phiếu sau mỗi lần VN30 được đánh giá lại. Trong trường hợp cổ phiếu thuộc danh mục của BVFED bị loại ra khỏi VN30, quỹ sẽ tiến hành cơ cấu lại danh mục. Với tính thanh khoản của các cổ phiếu thuộc VN30 và quy mô quỹ hiện 50 tỷ đồng vốn điều lệ, ông Thanh cho rằng BVFED hoàn toàn đảm bảo được khả năng thanh khoản. Ông Thanh kỳ vọng quy mô quỹ sẽ tăng lên 400-500 tỷ đồng trong 3-5 năm tới. |
Lam Thanh