Xử lý “điểm thưởng” trong game online còn lúng túng

Qui định hiện hành nói rất rõ việc khống chế thời gian chơi game có điểm thưởng và căn cứ vào đó để xử phạt. Còn với trò chơi không có điểm thưởng nhưng hấp dẫn nhờ bán, cho đồ dùng của các nhân vật trong game dường như “ngoài vùng phủ sóng”.

Ngưng trò chơi phát hành sau 1/7

 

Thanh tra Sở Bưu chính - viễn thông (BC-VT) TPHCM lập biên bản vi phạm hành chính cả sáu doanh nghiệp có trò chơi trực tuyến (game online) đang cung cấp trên thị trường. Lý do là chưa đủ những điều kiện kỹ thuật và nghiệp vụ theo qui định hiện hành về kinh doanh game online.

 

Cho đến chiều 13/11, vẫn chưa có quyết định xử lý các doanh nghiệp vi phạm nhưng ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở BC-VT TP, khẳng định: “Các doanh nghiệp này sẽ bị phạt ở mức 10 - 20 triệu đồng, và đồng thời buộc ngưng lập tức ngay khi có quyết định xử phạt của thanh tra sở đối với những trò chơi phát hành sau ngày 1/7/2006 (thời điểm qui định về game online có hiệu lực)”.

 

Còn những trò chơi được phát hành trước 1/7, theo ông Hà, sẽ có khoảng thời gian từ đây đến hết tháng 12/2006 để các doanh nghiệp tiến hành các thủ tục cần thiết, đặc biệt là việc cài đặt chế độ hạn chế giờ chơi của các game thủ. Nếu sau thời hạn này, các trò chơi vẫn chưa có xác nhận của Bộ BC-VT đủ điều kiện kỹ thuật và nghiệp vụ để kinh doanh thì buộc phải đóng cửa cho đến khi có được xác nhận.

 

Một trong những điều kiện để Bộ BC-VT xác nhận đủ điều kiện kỹ thuật và nghiệp vụ kinh doanh game online là phải có giải pháp hạn chế giờ chơi của các game thủ. Theo giới chuyên môn, để vượt qua “cửa ải” này, không mấy doanh nghiệp có khả năng sớm đáp ứng được. Nghĩa là ngoài một vài trò chơi bị ngừng ngay khi có quyết định xử phạt của Thanh tra Sở BC-VT TP, thì hàng loạt trò chơi còn lại có khả năng sẽ bị đóng cửa ở thời điểm bước sang năm mới 2007.

 

Đề nghị giải thích rõ “điểm thưởng”

 

Một trong những điểm cốt lõi nhất và tác động trực tiếp đến kinh doanh game online chính là qui định “biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý giờ chơi cài đặt tại máy chủ”. Qui định rất cụ thể: “cho phép mỗi tài khoản chơi trong 180 phút đầu tiên được tính 100% điểm thưởng; từ phút thứ 181 đến phút thứ 300 được tính 50% điểm thưởng; từ phút thứ 301 trở đi sẽ không tính điểm thưởng dưới mọi hình thức”.

 

Qui định này rất có ý nghĩa trong việc hạn chế giờ chơi đối với những game online mà người chơi hóa thân thành nhân vật trực tuyến do họ lựa chọn, có tính điểm thưởng kinh nghiệm để khẳng định đẳng cấp (hay còn gọi là tăng level). Ví dụ như Võ lâm truyền kỳ, Con đường tơ lụa, Xứng danh anh hùng (MU)... Đối với những game online loại này, quan trọng nhất đối với người chơi là điểm thưởng.

 

Song trên thị trường có những loại game online đang rất hấp dẫn, thu hút mà người chơi chẳng mấy quan tâm đến việc “lên cấp” nên điểm thưởng cũng chẳng quan trọng; có hay không có điểm thưởng vẫn chơi ào ào. Ở “thế giới” này hoạt động sôi nổi nhất có lẽ vẫn là những cảnh mua bán, tặng cho các loại vật dụng của các nhân vật trong game. Theo giới kinh doanh game online, qui định khống chế điểm thưởng không có nhiều ý nghĩa đối với loại trò chơi dạng này. Họ nói những qui định tại thông tư 60 không “phủ” tới và có lúng túng trong việc áp dụng xử lý đối với game online loại này.

 

Lãnh đạo Sở BC-VT TP cho biết sẽ đề nghị Bộ BC-VT giải thích rõ hơn khái niệm điểm thưởng trong thông tư 60 để có cách hiểu và vận dụng thống nhất.

 

Với thông tư 60 có hiệu lực vài tháng nay và hầu như chưa được áp dụng trên thực tế, có ý kiến nêu rằng chỉ cần qui định ngắn gọn “trong vòng một ngày, mỗi tài khoản chỉ được chơi trong bao nhiêu giờ” là đủ.

 

Theo Quốc Thanh

Tuổi trẻ