Vừa sửa xong lỗi cũ, cáp quang từ Việt Nam đi quốc tế lại gặp sự cố mới

T.Thủy

(Dân trí) - Ngay sau khi khắc phục xong lỗi phát sinh từ hồi tháng 3 vừa qua, tuyến cáp quang APG nối Việt Nam đi quốc tế đã xuất hiện lỗi mới, khiến dung lượng qua tuyến cáp này chưa thể phục hồi hoàn toàn.

Theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet tại Việt Nam, ngày 29/6 vừa qua, đơn vị quản lý tuyến cáp quang biển APG (Châu Á - Thái Bình Dương) đã khắc phục xong sự cố xảy trên nhánh S7 của tuyến cáp này.

Trước đó vào tháng 3 vừa qua, một sự cố gặp phải trên nhánh S7, đoạn nối từ Việt Nam đi Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản đã gặp sự cố, làm ảnh hưởng đến tốc độ kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Tuy nhiên, ngay sau khi sự cố cũ vừa được khắc phục, đơn vị vận hành tuyến cáp APG cho biết vừa phát hiện thêm một sự cố mới xuất hiện trên nhánh S1.7, theo hướng nối từ Việt Nam đi Singapore.

Sơ đồ kết nối tuyến cáp quang APG (Ảnh: Internet).

Sơ đồ kết nối tuyến cáp quang APG (Ảnh: Internet).

Đại diện của đơn vị vận hành cáp quang APG cho biết sự cố mới gặp phải đã khiến tuyến cáp này chỉ được khai thác với khoảng 50% băng thông, làm ảnh hưởng đến tốc độ kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Hiện nguyên nhân của sự cố vẫn chưa được công bố, cũng như chưa rõ kế hoạch sửa chữa sự cố trên tuyến cáp quang này.

APG là một trong 5 tuyến cáp quang biển quan trọng nối Việt Nam đi quốc tế, có chiều dài 10.400km, được đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, với các điểm cập bờ ở Việt Nam, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Tuyến cáp quang APG được vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016, đưa vào vận hành chính thức từ tháng 12/2016. Các nhà mạng lớn của Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom đều đang khai thác APG, do vậy sự cố với tuyến cáp quang này sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ mạng Internet tại Việt Nam.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023, tuyến cáp APG đã liên tiếp gặp sự cố trên nhánh S6 và nhánh S9, làm mất toàn bộ dung lượng của tuyến cáp. Cuối tháng 3 và giữa tháng 4, 2 sự cố kể trên đã được khắc phục, nhưng nhanh chóng xuất hiện thêm lỗi mới trên nhánh S7, đoạn gần điểm cập bờ Đà Nẵng.

Trên thực tế, việc các tuyến cáp quang biển từ Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố đã trở nên rất quen thuộc trong thời gian qua, mà hầu như năm nào cũng gặp phải vài lần, gây không ít khó khăn và bất tiện cho người dùng Internet trong nước.

Cuối tháng 2/2023, toàn bộ 5/5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế đồng loạt gặp sự cố, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ mạng Internet tại Việt Nam.

Nguyên nhân dẫn đến sự cố cáp quang biển khá đa dạng, nhưng chủ yếu do sợi cáp nằm ở vị trí có nhiều tàu bè thả neo đậu hoặc khi di chuyển quên kéo neo lên. Hậu quả là những chiếc neo này khi di chuyển vô tình mắc vào sợi cáp làm đứt.

Đôi khi sự cố cáp quang liên quan đến nguồn điện hoặc đơn vị vận hành thực hiện bảo trì… cũng sẽ làm ảnh hưởng đến lưu lượng truyền tải của cáp quang.

Hiện có 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế, bao gồm AAG (châu Á - Mỹ); APG (Châu Á Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu).

Ngoài ra, còn một tuyến cáp quang với quy mô nhỏ hơn, đó là TVH, có chiều dài chỉ 3.367km, nối Thái Lan, Việt Nam và Hồng Kông (Trung Quốc).