Vũ trụ ảo trị giá 36 tỷ USD của Zuckerberg còn chưa đến 1.000 người dùng

T.Thủy

(Dân trí) - Mark Zuckerberg đã đầu tư 36 tỷ USD với tham vọng xây dựng một vũ trụ ảo giúp xóa nhòa mọi khoảng cách về vật lý. Tuy nhiên, hiện tại vũ trụ ảo này chỉ còn chưa đến 1.000 người sử dụng.

Tháng 10/2021, Facebook chính thức được đổi tên thành Meta. Sau khi tái cấu trúc, Meta sẽ trở thành công ty mẹ, trong khi Facebook và các dịch vụ của mình trước đây như Instagram, WhatsApp, Oculus… trở thành những công ty con dưới quyền. Mark Zuckerberg tiếp tục nắm giữ vị trí Chủ tịch và CEO công ty mới thành lập.

Việc đổi tên công ty cho thấy tham vọng xây dựng vũ trụ ảo (metaverse) của Mark Zuckerberg. Kể từ thời điểm đó, Meta đã liên tục "đốt tiền" để phát triển vũ trụ ảo theo ý muốn của ông chủ Zuckerberg.

Mark Zuckerberg đã

Mark Zuckerberg đã "đốt" rất nhiều tiền của Meta vào Horizon Worlds, nhưng kết quả lại không được như mong đợi (Ảnh minh họa: Getty).

Một trong những sản phẩm đầu tiên trong vũ trụ ảo do Meta xây dựng đó là Horizon Worlds, tựa game thể loại nhập vai sử dụng kính thực tế ảo. Meta đã "đốt" 36 tỷ USD để xây dựng Horizon Worlds và Mark Zuckerberg đặt ra mục tiêu đạt 500.000 người dùng thường xuyên vào cuối năm 2022.

Theo báo cáo được Meta công bố vào tháng 10/2022, lượng người dùng hàng tháng của Horizon Worlds đạt khoảng 200.000. Tuy nhiên, con số người dùng thực tế của Horizon Worlds thấp hơn nhiều so với những gì Meta công bố.

Jarvis Johnson, một cựu kỹ sư phần mềm và hiện là Youtuber công nghệ sở hữu kênh có hơn 2 triệu người theo dõi, đã dành hơn một tuần "sống" liên tục trong thế giới ảo Horizon Worlds.

Sau khi khám phá mọi ngóc ngách của Horizon Worlds, Jarvis Johnson nhận thấy đây chỉ là một "thế giới trống rỗng" và ước tính lượng người dùng thường xuyên của nền tảng này chỉ khoảng 900 người.

Mark Zuckerberg từng bị chê cười khi khoe đồ họa ngờ nghệch trong Horizon Worlds (Ảnh: Facebook).

Mark Zuckerberg từng bị chê cười khi khoe đồ họa ngờ nghệch trong Horizon Worlds (Ảnh: Facebook).

Đáng chú ý, Jarvis Johnson nhận thấy nhiều nội dung không phù hợp với trẻ em xuất hiện trên Horizon Worlds, trong khi đây là tựa game dành cho trẻ từ 13 tuổi trở lên. Trước đó khi mới ra mắt, Meta chỉ cho phép người trên 18 tuổi tham gia vào Horizon World, nhưng đã giảm độ tuổi giới hạn từ tháng 4 vừa qua.

Cách đây không lâu, 2 thượng nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal và Ed Markey đã viết một lá thư gửi Mark Zuckerberg bày tỏ sự lo ngại về việc thế giới ảo Horizon Worlds có thể gây ra "rủi ro nghiêm trọng" cho trẻ vị thành niên, đồng thời yêu cầu Meta nâng độ tuổi giới hạn khi tham gia thế giới ảo này.

Đáp lại, Meta cho biết công ty đã trang bị những công cụ an toàn để giám sát độ tuổi và phân chia nội dung phù hợp với người dùng. Tuy nhiên, Jarvis Johnson cho biết dường như những công cụ của Meta đã hoàn toàn thất bại trong việc giám sát nội dung.

"Nhiều nội dung trong Horizon Worlds hoàn toàn không phù hợp để đưa lên kênh Youtube của tôi", Jarvis Johnson chia sẻ về trải nghiệm trong thế giới ảo Horizon Worlds. "Ngay cả những khu vực dành cho người trên 18 tuổi trong Horizon Worlds, bạn vẫn hoàn toàn có thể bắt gặp những người dùng chưa đủ tuổi".

Vũ trụ của Meta đã hết thời?

Trong 2 năm qua, Meta đã chi những khoản tiền lớn để đầu tư xây dựng vũ trụ ảo metaverse. Rõ ràng, Meta cho thấy tham vọng sẽ là hãng tiên phong trong cuộc đua phát triển vũ trụ ảo so với các đối thủ trên thị trường công nghệ.

Tuy nhiên, dường như Meta đã chọn sai thời điểm, khi những hạn chế về công nghệ ở thời điểm hiện tại khiến vũ trụ ảo vẫn là khái niệm quá xa vời với phần lớn người dùng trên toàn cầu.

Nổi lên trong một thời gian ngắn, giờ đây vũ trụ ảo đã bị "cơn sốt" trí tuệ nhân tạo nhấn chìm và dường như không còn ai quan tâm đến khái niệm metaverse mà Meta đã xây dựng.

Tham vọng vũ trụ ảo của Meta đã bị dập tắt bởi

Tham vọng vũ trụ ảo của Meta đã bị dập tắt bởi "cơn sốt" trí tuệ nhân tạo như ChatGPT hay Bard… (Ảnh: CNBC).

Tham vọng xây dựng vũ trụ ảo đã khiến cổ phiếu Meta tụt dốc không phanh trong 2 năm qua, khi các nhà đầu tư không nhận ra tiềm năng về thế giới ảo của Meta. Điều này đã khiến khối tài sản của Mark Zuckerberg "bốc hơi" nhanh chóng và có thời điểm, Zuckerberg bị đá ra khỏi top 20 người giàu nhất thế giới.

Giờ đây, Mark Zuckerberg đã nhận ra sai lầm của bản thân. Meta không còn đầu tư vào vũ trụ ảo, thay vào đó công ty quay trở lại phát triển các tính năng của Facebook, Instagram hay WhatsApp; đồng thời cho ra mắt nền tảng mạng xã hội Threads hoàn toàn mới, với cách thức hoạt động tương tự X (trước đây là Twitter) của Elon Musk.

Những thay đổi kịp thời của Mark Zuckerberg đã giúp cổ phiếu Meta phục hồi ngoạn mục, đưa Zuckerberg trở thành tỷ phú giàu thứ 10 thế giới.

Hiện ông chủ Meta sở hữu khối tài sản ước tính 103 tỷ USD và là tỷ phú kiếm được tiền nhiều thứ 2 trong năm 2023, khi "đút túi" 57,5 tỷ USD từ đầu năm đến nay, xếp sau tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk. Kể từ đầu năm đến nay, Musk đã kiếm được 67,9 tỷ USD, đưa khối tài sản đạt 205 tỷ USD.

Horizon Worlds là trò chơi thực tế ảo trực tuyến, được Meta phát triển cho kính thực tế ảo Oculus Rift S và Oculus Quest 2. Đây là ứng dụng giúp xây dựng đa vũ trụ ảo metaverse, mục tiêu cao nhất mà Meta đang nhắm đến.

Những người chơi Horizon Worlds có thể sử dụng chính gương mặt thật của mình để làm hình ảnh đại diện cho nhân vật trong game. Tuy nhiên, do kính thực tế ảo chưa thể ghi nhận được chuyển động phần thân dưới của con người, các nhân vật trong Horizon Worlds chỉ được hiển thị nửa phần thân trên.

Người chơi có thể gặp gỡ, giao lưu, làm việc trực tuyến hay mua vé tham dự những buổi hòa nhạc, sự kiện giải trí được tổ chức trong thế giới ảo… mà không phải chịu các hạn chế về khoảng cách địa lý.

Giới thiệu vũ trụ ảo Horizon Worlds do Meta phát triển (Video: Meta).

Theo GGN/BeinCrypto