Viettel đề xuất quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế mở

Lãnh đạo Viettel vừa đưa ra đề xuất nhà nước cần quản lý cước viễn thông theo cơ chế giá trần và giá sàn, không nên có ưu đãi cho doanh nghiệp mới hay doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, kiến nghị chính sách giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại của thuê bao trả trước.

Viettel đề xuất quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế mở
 
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 3/2015 của Bộ TT&TT vào sáng 3/4/2015, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã đề xuất, nhà nước nên có hướng dẫn mới về giá thành theo cơ chế quản lý mới để thị trường theo hướng mở.

Cụ thể, nhà nước quản lý giá cước theo cơ chế giá trần và giá sàn, không nên có cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp mới hay doanh nghiệp nhỏ như hiện nay. Trên cơ chế giá trần và giá sàn các doanh nghiệp sẽ tự xây dựng giá cước trên cơ sở không được bán dưới giá sàn.

Ông Hoàng Sơn chia sẻ, khi Viettel mở rộng đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, các nước có thị trường viễn thông phát triển lên tới 60-70% dân số dùng di động họ đều mở cửa thị trường, ngay cả các nước có thị trường viễn thông cạnh tranh mạnh như Peru, Tanzania đều quản lý thị trường theo chính sách mở, Viettel là doanh nghiệp mới nhưng không được hưởng bất cứ một chính sách ưu đãi nào mà chấp nhận luật chơi một cách bình đẳng.

Liên quan đến đề xuất này, ông Phan Tâm, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến của Viettel và Cục Viễn thông sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng quản lý giá cước theo cơ chế quản lý cạnh tranh mới.

Hiện Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo thông tư quản lý giá cước dịch vụ viễn thông thay thế Thông tư 02/2007/TT-BTTTT. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải đăng ký giá cước với Bộ TT&TT, sau khi được xem nếu phù hợp với quy định quản lý, Bộ TT&TT sẽ có văn bản đồng ý cho phép doanh nghiệp ban hành giá cước mới.

Cũng liên quan đến quản lý giá cước, ông Hoàng Sơn đề nghị nhà nước có quy định giới hạn thời gian sử dụng các tài khoản khuyến mãi cho thuê bao trả trước. Hiện tại các chương trình khuyến mãi nạp đều không quy định về thời gian sử dụng, tài khoản có thể dùng kéo dài thời gian, được cộng dồn tháng này sang tháng kia. Do đó, cần có quy định tài khoản khuyến mãi có thời gian từ 10-20 ngày, quy định này sẽ khuyến khích tăng trưởng thực của thuê bao, kích thích tăng trưởng doanh thu của dịch vụ viễn thông. 


Theo Lãnh đạo Tổng Công ty Viễn thông Viettel- Viettel Telecom, dưới đây là những lý do Viettel đề xuất cơ quan quản lý ban hành quy định chung trong việc giới hạn thời gian sử dụng của tài khoản khuyến mại: 


Thứ nhất,  tài khoản khuyến mại không giới hạn thời gian sử dụng dẫn tới tồn tiền khuyến mại lâu năm sẽ dẫn tới việc không thực hiện đúng quy định về thời gian khuyến mại theo khoản 4 điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP và khoản 8 điều 8 thông tư 11/2010/TT-BTTTT (chỉ được khuyến mại tối đa 90 ngày trong một năm).

Thứ hai, tài khoản khuyến mại không giới hạn thời gian sử dụng dẫn đến tồn tiền khuyến mại lâu năm, thực tế có khách hàng tồn tài khoản kéo dài tới 3 năm, 5 năm và nhóm khách hàng này cũng không có nhu cầu sử dụng, không quan tâm đến tài khoản khuyến mại gây lãng phí.

Thứ ba, khi áp dụng thời gian sử dụng cho tài khoản khuyến mại, Viettel đã tính toán để đáp ứng nhu cầu của đại đa số khách hàng. Thống kê thực tế cũng cho thấy, quy định này chỉ tác động đến 2% khách hàng không có nhu cầu sử dụng khuyến mại, 98% khách hàng còn lại không bị ảnh hưởng vì đã sử dụng hết phần tiền khuyến mại nhưng thời hạn sử dụng vẫn còn.


Thứ tư, việc giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại sẽ giúp các mạng có điều kiện để tăng tần suất chương trình khuyến mại. Các mạng có thể tăng khuyến mại từ 2 lần/tháng lên 3 lần/tháng để những khách hàng có nhu cầu thực sự dễ tiếp cận khuyến mại và được hưởng khuyến mại nhiều hơn. 

Theo ICT News