Việt Nam và tham vọng sở hữu cáp quang biển lớn
(Dân trí) - Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet cho rằng, hiện nay các nhà mạng lớn sẽ phải có nhiều tuyến cáp quang biển có dung lượng đủ lớn để có thể phân tải khi gặp sự cố và đáp ứng nhu cầu dịch vụ của khách hàng
Việt Nam cần có nhiều tuyến cáp quang biển mới
Mấy năm gần đây, các tuyến cáp quang biển kết nối từ Việt Nam đi quốc tế liên tục gặp sự cố khiến Internet Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt khi tuyến cáp quang biển lớn như AAG găp sự cố các doanh nghiệp lại nháo nhào tìm phương án kết nối đi quốc tế. Thậm chí có thời điểm Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành ốc đảo khi tuyến cáp quang bi ển lớn liên tục gặp sự cố và Bộ TT&TT đã phải họp khẩn để lên phương án xử lý kết nối đi quốc tế cho các doanh nghiệp Internet. Để xử lý được sự cố này phải mất hàng tuần nên khách hàng là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp viễn thông và Internet đã tham gia vào một số liên minh để đầu tư thêm các tuyến cáp quang biển mới và các tuyến cáp quang đi trên đất liền. Việc các tuyến cáp quang biển liên tục gặp sự cố khiến doanh nghiệp viễn thông lớn đã phải nhờ cả cảnh sát biển tuần tra bảo vệ các tuyến cáp quang biển trọng yếu.
Các nhà mạng cho rằng, sự cố cáp quang biển xảy ra là việc bất khả kháng, nhưng Việt Nam cần xây dựng nhiều tuyến cáp biển mới có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet cung cấp cho khách hàng. Các nhà mạng còn cho rằng, tuyến cáp quang biển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng liên quan không chỉ đến vấn đề chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng mà đây còn là vấn đề an ninh quốc phòng. Tuy vậy, thủ tục cấp phép để triển khai 1 tuyến cáp quang biển còn chưa rõ ràng, gây lúng túng cho cả doanh nghiệp và các Bộ, ngành. Trong khi đó, cơ hội để có thể tham gia vào một dự án cáp quang biển không có nhiều. Thủ tục kéo dài từ 3-6 tháng, khiến cơ hội dù ít ỏi cũng dễ bị bỏ lỡ.
Đại diện CMC Telecom cho hay, ngay sau khi cáp quang biển bị đứt CMC Telecom đã chuyển sang đường cáp đi trên các tuyến cáp quang biển của Việt Nam kết nối đi quốc tế liên tiếp gặp sự cố sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet nếu không có các tuyến cáp quang dự phòng.
Để giải được bài toán này, Việt Nam cần phải xây dựng nhiều tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế. Hiện nay, Việt Nam mới có 7 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế, trong khi đó Singapore có tới 45 tuyến kết nối đi quốc tế. Thực tế vừa qua có 2/7 tuyến cáp quang gặp sự cố chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Vì vậy, Bộ TT&TT cần xem xét để thúc đẩy có nhiều tuyến cáp quang kết nối đi quốc tế để tránh trường hợp tuyến cáp quang biển bị đứt ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Đồng tình với quan điểm này, đại diện FPT Telecom cho rằng, Việt Nam cần có nhiều tuyến cáp quang biển kết nối quốc tế để tránh ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khi sự cố có thể xảy ra với vài tuyến cáp quang biển như thời gian vừa qua. Vì vậy, Bộ TT&TT cần có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác xây dựng nhiều tuyến cáp quang biển mới.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet cho biết, trước đây mỗi lần tuyến cáp quang biển bị sự cố thì Internet Việt Nam lại bị ảnh hưởng và người dùng kêu ca. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp viễn thông và Internet đã cùng đối tác đầu tư các tuyến cáp quang biển mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mở rộng thêm các điểm cập bờ mới như Quy Nhơn. Vì vậy, trong thời gian gần đây, khi gặp sự cố đứt cáp quang biển các doanh nghiệp mất thời gian ngắn để phân tải lưu lượng sang các tuyến cáp quang kết nối trên biển và trên đất liền.
"Cho dù năng lực cáp quang kết nối đi quốc tế của các doanh nghiệp viễn thông, Internet của Việt Nam tăng khá mạnh trong thời gian gần đây nhưng nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet của Việt Nam tăng khá nhanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp viễn thông có số thuê bao di động băng rộng lớn phải có được hạ tầng cáp quang biển đủ mạnh để có thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng và sẵn sàng xử lý san tải lưu lượng kịp thời khi sự cố cáp quang biển xảy ra" ông Vũ Thế Bình nói.
Doanh nghiệp viễn thông lên dự án đầu tư khủng cho cáp quang biển
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ kết nối Internet đi quốc tế, các doanh nghiệp viễn thông đã tuyên bố đầu tư mạnh để mở rộng tuyến cáp quang biển.
Đại diện Viettel cho hay, hiện Viettel đã đầu tư và đang khai thác 4 tuyến cáp quang biển: với tổng dung lượng 8.500 Gbps gồm tuyến AAG, AI, APG, AAE-1. Tuy nhiên, theo xu hướng của thế giới, bùng nổ về Internet, cách mạng 4.0, trong các năm gần đây nhu cầu băng thông kết nối quốc tế của Việt nam nói chung và Viettel nói riêng đang tăng mạnh. 5 năm gần đây nhu cầu dung lượng kết nối năm sau tăng 1.5-2 lần so với năm trước. Theo đánh giá của Viettel, các năm nhu cầu băng thông quốc tế vẫn tăng mạnh trên 100%.
"Khả năng đáp ứng về nhu cầu băng thông quốc tế của Viettel trên các hệ thống cáp quang biển hiện có: với dung lượng của 4 tuyến cáp quang biển hiện có, Viettel hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kinh doanh đến 2021, từ 2022 sẽ bị thiếu nếu không đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, các tuyến cáp quang biển thường xuyên xảy ra sự cố nên nếu 1 trong các tuyến sự cố thì vẫn bị ảnh hưởng đến kinh doanh" đại diện Viettel nói.
Mới đây, Viettel cũng tuyên bố đầu tư tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tuyến cáp quang này dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022 và sẽ trở thành tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư tuyến cáp quang này là 508 triệu USD.
Đại diện Viettel cho biết, tuyến cáp quang biển ADC (Asia Direct Cable) được thiết kế bao gồm nhiều cặp sợi quang với dung lượng đạt trên 140 Tbps, cho phép truyền tải dữ liệu lớn tốc độ cao giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Khi hoàn thành, tuyến cáp quang mới sẽ có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam gấp 3 lần tuyến cáp APG hiện nay, với lưu lượng tối thiểu 18Tbps.
Với dung lượng hệ thống lớn, tuyến cáp ADC có khả năng hỗ trợ hoạt động cho các ứng dụng với nhu cầu băng thông cao, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ 5G, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI). Tuyến cáp hứa hẹn sẽ đóng vai trò lớn trong việc tăng cường mở rộng mạng lưới kết nối trong khu vực.
Ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho biết: “Với việc triển khai triển khai tuyến cáp quang biển ADC, Viettel đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiên phong trong công cuộc kết nối Việt Nam với thế giới thông qua hệ thống mạng lưới ngày càng đa dạng. Tuyến cáp quang biển ADC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội khi đáp ứng được nhu cầu truyền tải dữ liệu ngày càng tăng cao cũng như thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên tiến”.
ADC là dự án cáp quảng biển thứ năm do Viettel đầu tư trong những năm vừa qua bên cạnh các tuyến cáp quang biển: AAE-1 (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), TGN-IA (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), APG (Trạm cập bờ đặt tại Đà Nẵng) và AAG (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu). Sắp tới, Viettel sẽ xây dựng Trạm cập bờ (CLS) tuyến cáp quang biển ADC tại Quy Nhơn, Viettel là thành viên Việt Nam duy nhất đầu tư vào tuyến cáp quang biển ADC này.
"Với việc đầu tư tuyến cáp quang này sẽ giúp Viettel nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao độ an toàn viễn thông quốc tế của Việt Nam. Tuyến cáp quang này có thể dự phòng cho các tuyến cáp biển hiện có AAG, APG, IA, AAE-1 và cáp đất liền: 20-30% dung lượng ADC sẽ được làm dự phòng. Việc đầu tư tuyến cáp quang này cũng sẽ tạo lợi thế kinh doanh và tăng hiệu quả kinh doanh cho Viettel" đại diện Viettel nói.