Việt Nam đứng top 3 thế giới về mối nguy hiểm khi lướt web

(Dân trí) - Dựa trên dữ liệu từ Mạng lưới Bảo mật Kaspersky (KSN), trong giai đoạn tháng 10 tới 12/2015, các chuyên gia phát hiện 6,828,450 phần mềm độc hại từ Internet trên máy tính người dùng tại Việt Nam. Qua đó, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trên thế giới về mối nguy hiểm khi lướt web.

120527tekwbe-1-c6862-1453776277043

Việt Nam đứng top 3 trên thế giới về mối nguy hiểm khi lướt web

Tấn công thông qua trình duyệt là phương thức cơ bản để phát tán chương trình độc hại. Sự lây nhiễm trong loại tấn công này diễn ra khi người dùng truy cập trang web nhiễm độc mà họ không hay biết. Đây là phương pháp được tội phạm mạng sử dụng trong hầu hết các cuộc tấn công.

Đồng thời, những cuộc tấn công này cần có sự tham gia của người dùng, nghĩa là họ phải tải về máy tính tập tin độc hại. Việc này xảy ra khi tội phạm mạng lừa nạn nhân tin rằng họ đang tải xuống chương trình hợp pháp.

Theo báo cáo của KSN, trong giai đoạn từ tháng 10 – tháng 12/2015, các chuyên giai đã phát hiện 6,828,450 phần mềm độc hại từ Internet trên máy tính người dùng thuộc KSN tại Việt Nam. Nhìn chung, 35% người dùng đã bị mối đe dọa từ web tấn công trong giai đoạn này. Điều này đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trên thế giới về mối nguy hiểm khi lướt web. Đứng đầu bảng là Nga với 36%, tiếp theo là Trung Quốc (36%).

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam cũng nằm trong top 5 các mối đe dọa offline. Các chuyên gia an ninh mạng sử dụng số liệu thống kê cục bộ về sự lây nhiễm theo người sử dụng máy tính là công cụ cực kì quan trọng. Worm và virus chiếm phần lớn trong các trường hợp này. Số liệu dưới đây chỉ ra mức độ thường xuyên mà người dùng bị tấn công bởi phần mềm độc hại phát tán qua USB, CD và DVD và các phương thức “offline” khác.

Trong giai đoạn từ tháng 10 – 12/2015, các chuyên gia đã phát hiện 94,372,694 vụ việc có liên quan đến phần mềm độc hại trên máy tính người dùng thuộc KSN tại Việt Nam. Nhìn chung, 62,8% người dùng quốc gia bị tấn công bởi mối đe dọa trong nước trong giải đoạn này. Số liệu trên đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 4 trên toàn thế giới.

Do đó, để bảo vệ trước tấn công loại này đòi hỏi giải pháp bảo vệ khi truy cập mạng, có khả năng phát hiện mối đe dọa được tải xuống từ Internet và cài đặt tất cả cập nhật mới nhất cho trình duyệt và plugin kịp thời.

Ngoài ra, ở các mối đe dọa offline, không chỉ đòi hỏi giải pháp antivirus phải có khả năng xử lý tập tin nhiễm độc mà còn cần có tính năng firewall, chức năng anti-rootkit và khả năng kiểm soát thiết bị di động.

Phan Tuấn