1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Việt Nam đón đầu xu thế "internet of things" như thế nào?

(Dân trí) - Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trước xu thế "internet of things" (IoT). Tới năm 2021, dự kiến sẽ có 28 tỉ thiết bị kết nối trong đó có 15 tỉ thiết bị kết nối IoT. Việt Nam sẽ đón đầu xu thế này như thế nào?

Việt Nam đón đầu xu thế "internet of things" như thế nào? - 1

IoT đang diễn ra mạnh mẽ

Theo báo cáo Ericsson Mobility Report, tới năm 2021, dự kiến sẽ có 28 tỉ thiết bị kết nối trong đó có 15 tỉ thiết bị kết nối IoT bao gồm thiết bị M2M (machine-to-machine) như đồng hồ đo thông minh, cảm biến trên đường, địa điểm bán lẻ, các thiết bị điện tử tiêu dùng như ti vi, đầu DVR, thiết bị đeo. 13 tỉ còn lại là điện thoại di động, máy tính xách tay PC, máy tính bảng.

IDC dự kiến năm 2019, tòan cầu sẽ chi 1.300 tỉ đô la Mỹ cho IoT. Tới năm 2020, theo dự đoán của Gartner thì giá trị gia tăng do IoT mang lại sẽ là 1.900 tỉ đô la Mỹ. Và theo McKinsey, tới năm 2025 IoT sẽ đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu là 11.000 tỉ đô la Mỹ.

Tới năm 2021, dự kiến số thuê bao sẽ lên tới 9,1 tỉ. Số thuê bao này cao hơn số dân bởi mỗi người có thể sở hữu nhiều thiết bị. Trong các kết nối IoT như vậy, sẽ có bao gồm cả những có đăng ký thuê bao SIM/eSIM được gắn ngay trong thiết bị và cả những thiết bị như điện tử tiêu dùng không cần dùng SIM (Non-SIM).

IoT đang diễn ra một cách mạnh mẽ. 50% doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai những dự án về IoT. IoT mang lại một cơ hội doanh thu cho rất nhiều ngành và những giải pháp đó bắt đầu thương mại hóa với tốc độ rất nhanh. Ngành dịch vụ tiện ích, giao thông, tòa nhà thông minh và các ngành bán lẻ là những ngành đi đầu trong việc ứng dụng IoT.

Việt Nam đón đầu xu thế IoT như thế nào?

Trước việc IoT phát triển mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam sẽ đón đầu xu thế này như thế nào? Theo ông Anders Larsson, Trưởng bộ phận mạng của Ericsson tại Việt Nam và Myanmar, hiện các nhà mạng Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm triển khai 4G, các dịch vụ IoT cũng có tiềm năng phát triển và triển khai tại Việt Nam trên nền tảng này.

ông Jan Wassenius - Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam và Myanmar cho rằng Việt Nam nên quan tâm đến dịch vụ IoT tiếp cận số đông đại chúng như các giải pháp giao thông và an toàn an ninh cần được ưu tiên hơn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần linh hoạt cao, bởi giải pháp mới sẽ mang lại cơ hội để đạt đến tính hiệu quả cao.

IoT sẽ có tác động trực tiếp lên các nhà khai thác viễn thông. Đại diện Ericsson cho biết, các nhà khai thác viễn thông hiện giờ thường chia thành 3 nhóm phụ thuộc vào chiến lược của họ. IoT có ảnh hưởng khác nhau tới từng nhóm đó.

“Các nhà khai thác viễn thông và các công ty thuộc các ngành công nghiệp khác nhau đang nắm bắt cơ hội từ IoT", ông Jan Wassenius cho biết.

Với các công ty đặt chiến lược vào hệ thống mạng tối ưu (Network Developer), họ sẽ thu lợi nhuận từ việc cung cấp mạng như dịch vụ tiện ích cho các nhà cung cấp dịch vụ khác khai thác.

Nhóm hai là các công ty thúc đẩy nền tảng cung cấp dịch vụ (Services Enabler), họ tập trung vào việc quản lý mạng mang tính linh hoạt cao, với hệ thống giám sát và quản lý vận hành rất tốt để tích hợp giải pháp hiệu quả và hợp tác với các doanh nghiệp IT khác để cung cấp các dịch vụ sáng tạo.

Nhóm thứ ba là các công ty tạo ra các dịch vụ và ứng dụng sáng tạo mới (Services Creator) – nhóm công ty này rất tích cực trong việc tạo ra hệ sinh thái, xây dựng hệ thống mạng chất lượng cao, trải nghiệm tốt để cung cấp các dịch vụ sáng tạo trong các lĩnh vực như giao thông, dịch vụ tiện ích, tài chính, y tế, truyền thông.

Sự phát triển của IoT tạo ra bốn bước chuyển dịch trong vai trò của các nhà khai thác viễn thông. Vai trò đầu tiên là thu thập dữ liệu để nâng cao hiệu quả nội bộ như hệ thống báo cáo và roaming. Vai trò thứ hai là phân tích thông tin tương tác của khách hàng, để cung cấp những dịch vụ IoT mang tính cá nhân cho các thuê bao của mình. Vai trò thứ ba là sử dụng cơ sở dữ liệu phân tích là giá trị, kết nối với các công ty cung cấp dịch vụ ở lĩnh vực khác tạo ra sản phẩm hiệu quả. Vai trò thứ tư là cung cấp dịch vụ quản lý dữ liệu cho các kết nối IoT, làm cầu nối giữa các công ty cung cấp ứng dụng IoT với chính các kết nối IoT có SIM và không có SIM để các bên đều mua được dịch vụ mình cần và bán được dịch vụ mình có một cách hiệu quả.

Theo Ericsson, để có thể triển khai IoT thành công và bền vững, cần phải cân nhắc đến bốn yếu tố là nền tảng phần mềm, hệ sinh thái giữa các ngành, quá trình chuẩn hóa về công nghệ và giải quyết được những lo lắng của khách hàng liên quan tới đảm bảo tính riêng tư và an toàn.

Những thách thức đối với sự phát triển của IoT

3 thách thức được đề cập lâu nay là giá thành thiết bị, năng lượng pin, vùng phủ kết nối. Mới đây nổi trội hai thách thức mới là yêu cầu về độ linh hoạt và tính đa dạng. Tính linh hoạt là rất cần thiết bởi khi có nhiều thiết bị IoT kết nối thì tốc độ kết nối diễn ra nhanh hơn tốc độ kết nối của băng rộng di động hiện tại. Mật độ kết nối thiết bị IoT không đồng bộ tạo ra lưu lượng lớn đột ngột đối với một số cells. Sự đa dạng cũng đặc biệt quan trọng. Hiện tại, người dùng smartphone có chung sự kỳ vọng về vùng phủ và dung lượng và họ thỏa mãn khi ứng dụng họ dùng hoạt động tốt bất cứ lúc nào và ở đâu khi họ muốn sử dụng. Nhưng đối với các kết nối IoT thì mọi yêu cầu trở nên phức tạp hơn, đa dạng hơn, công suất và cường độ lớn hơn, đòi hỏi các nhà mạng phải nâng cao nỗ lực quản lý và vận hành.

Bảo Khánh