Việt Nam đạt ngưỡng 90 triệu thuê bao băng rộng trong 5 năm tới

(Dân trí) - Hiện Việt Nam có trên 30 triệu thuê bao băng rộng và dự kiến sẽ đạt khoảng 90 triệu người dùng di động băng rộng vào năm 2020.

Hội thảo “Tương lai của di động băng rộng tại Việt Nam” vừa được tổ chức sáng nay ( 26/5), tại Hà Nội. Tại hội thảo, ông Chris Zull, Tổng thư ký khu vực châu Á (GSMA) đưa ra thông tin: Dịch vụ băng rộng ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh, hiện Việt Nam có trên 30 triệu thuê bao băng rộng và dự kiến sẽ đạt khoảng 90 triệu người dùng di động băng rộng vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với tương lai Việt Nam sẽ phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng nhờ có một môi trường ứng dụng CNTT mới.

Nhận định tương lai phát triển của băng rộng ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, với hơn 30 triệu thuê bao băng rộng, trong đó có 25 triệu thuê bao băng rộng di động, trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, cứ có 10% tăng trưởng băng rộng di động sẽ tạo ra 1,38% GDP.

Điều này cho thấy, việc phát triển nhanh dịch vụ băng rộng di động khiến cho nhu cầu sử dụng tần số là thách thức với hầu hết các quốc gia. Do đó, việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý băng rộng di động của các nước hết sức quan trọng đối với việc phát triển di động của Việt Nam.

Việt Nam đạt ngưỡng 90 triệu thuê bao băng rộng trong 5 năm tới

Dự báo Việt Nam sẽ phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng nhờ có một môi trường ứng dụng CNTT mới.

Tại Hội thảo, kinh nghiệm đã được chia sẻ từ những chuyên gia tới từ các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực di động băng rộng như: Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương (APT), chuyên gia của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), GSMA, Telstra, Axiata, Ericsson, Huawei, Qualcomm, Alcatel Lucent... Bà Areewan Haorangsi, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông châu Á Thái Bình Dương (APT) và bà Suvi Linden - Đặc phái viên Ủy ban Vô tuyến băng rộng của Liên hiệp Quốc sang tham dự và thuyết trình tại Hội thảo.

Đặc biệt, hội thảo sẽ tập trung trao đổi về khía cạnh đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc phân bổ tần số cho các dịch vụ di động băng rộng tại Việt Nam với các kịch bản, các chiến lược khác nhau chuyển đổi tần số từ lĩnh vực khác sang sử dụng cho IMT.

Cùng tham dự có đại diện các đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ Tư Lệnh Thông tin Liên lạc (Bộ Quốc phòng); Cục Thông tin liên lạc, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I và Cục An ninh Thông tin và Truyền thông (Bộ Công an)...

Hội thảo này là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Tần số vô tuyến điện và Hiệp hội thông tin di động thế giới GSMA - một tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu thế giới về thông tin di động.

Phạm Thanh