Video đầu độc trẻ em tràn lan trên YouTube, TikTok Việt Nam
(Dân trí) - Các video có nội dung nhảm nhí, câu view vẫn liên tục được sản xuất trong suốt những năm qua. Điều đáng quan ngại là chúng luôn thu hút được lượng xem khủng.
Tuần qua, cộng đồng mạng xôn xao về vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải một đoạn video dài gần 1 phút trên TikTok có nội dung về việc "xin vía" học giỏi cho các em học sinh.
Ngay lập tức, video này nhận phải hàng loạt phản ứng trái chiều. Nhiều người còn cho rằng Thơ Nguyễn đang ngầm nhắc đến, thậm chí là truyền bá việc nuôi Kumanthong, hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi trẻ em và góp phần lan truyền mê tín dị đoan.
Hiện tại, những đoạn video trên đã biến mất hoàn toàn trên trang TikTok của Thơ Nguyễn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để điều tra làm rõ sự việc, đồng thời sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.
Nội dung "bẩn" tràn lan trên Internet
Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn rằng Thơ Nguyễn không phải là YouTuber, TikToker đầu tiên bị cộng đồng mạng lên án vì hành vi đăng tải các video có nội dung không phù hợp, ảnh hưởng xấu đến người xem.
Gần đây nhất, vào khoảng thời gian cuối năm 2020, cư dân mạng tại Việt Nam cũng từng "dậy sóng" vì các video có nội dung nhảm nhí, gây sốc từ YouTuber Hưng Vlog.
Theo đó, đầu tháng 9/2020, Nguyễn Văn Hưng - chủ sở hữu của kênh YouTube Hưng Troll đã đăng tải một video với nội dung luộc gà nguyên lông để troll em gái. Không lâu sau, Thanh tra Sở TT-TT Bắc Giang đã xử phạt hành chính Nguyễn Văn Hưng 7,5 triệu đồng vì hành vi trên.
Đến ngày 3/10/2020, Hưng Vlog tiếp tục đăng tải video có tựa đề "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết" và bị phạt 10 triệu đồng. Nội dung video ghi lại quá trình Hưng lấy trộm tiền trong heo đất của em trai và em gái mình.
Thậm chí, tiếp tục nhìn về quá khứ, vào giữa tháng 11/2019, kênh YouTube NTN Vlog với hơn 8 triệu lượt đăng ký của Nguyễn Thành Nam đã đăng tải video có tiêu đề "Thả 100 cái dao trên cao xuống". Video này cũng bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt vì nội dung nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến trẻ em nhưng lại không có khuyến cáo hoặc dán nhãn cấm trẻ em.
Có thể thấy, hàng loạt video với nội dung nhảm nhí, gây sốc vẫn liên tục được sản xuất và đăng tải trong suốt những năm qua. Điều đáng quan ngại là những video này luôn thu hút được lượng xem khủng trên các nền tảng chia sẻ video.
"Một thực tế đáng buồn là những nội dung tốt đẹp trên mạng xã hội hiện có khá ít. Những cái tốt đẹp thì lại không mới mẻ, kích thích. Điều này khiến cho người xem dễ cảm thấy nhàm chán, không có hứng thú. Trong khi đó, những hành vi sai, lệch lạc, nhảm nhí lại muôn hình muôn vẻ. Nó có rất nhiều thứ khác thường và những điều đó làm nội dung trở nên mới lạ, gây sốc và khơi gợi sự tò mò, thu hút nhiều người vào xem", PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục Đại học Giáo dục (Trường ĐHGD, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ với Dân trí.
Có một thực tế đáng lo ngại rằng những video có nội dung nhảm nhí, gây sốc trên thường hướng tới đối tượng trẻ em. Hiện tại, trên nền tảng TikTok vẫn tồn tại nhiều nội dung không phù hợp với đối tượng người xem này.
Đơn cử, chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm của nền tảng này cụm từ "Kumanthong", hàng trăm video về con búp bê tâm linh này sẽ hiện ra. Những video này đều thu hút được lượng tương tác khủng với hàng triệu lượt xem, vài trăm nghìn lượt thích cùng với hàng chục nghìn bình luận.
Trong chính sách sử dụng, TikTok cũng nêu rõ chỉ người trên 13 tuổi mới có thể sử dụng nền tảng này. Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm đối tượng người xem là trẻ em vẫn có thể dễ dàng tiếp cận với các nội dung trên nền tảng này. Thậm chí, cũng không khó để bắt gặp những cô bé hay cậu bé nhỏ tuổi xuất hiện trên các video TikTok. Nguyên nhân chính đến từ việc người dùng không cần đăng nhập vẫn có thể xem được các nội dung trên TikTok.
Trách nhiệm của phụ huynh
"Khi xem các nội dung video trên mạng xã hội, nhiều người trẻ không phân biệt được đâu là thế giới thực, đâu là thế giới ảo. Khi xem những nội dung này, nó sẽ tác động vào thế giới quan cũng như nhận thức của chúng ta. Đặc biệt, đối với người trẻ, họ không có năng lực thông tin, không phân biệt được đâu là ảo, đâu là diễn, đâu là thực tế ở trong video đó", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Ông Nam cũng nhận định rằng trách nhiệm này không chỉ liên quan những người sáng tạo nội dung trên YouTube hay TikTok mà còn thuộc về chính các bậc phụ huynh.
"Clip dùng búp bê "xin vía học giỏi" của Thơ Nguyễn phản ánh vấn đề nổi cộm khiến nhiều người lo lắng hiện nay. Đó là việc để con trẻ tiếp xúc với nội dung xấu độc trên mạng, không chỉ có trách nhiệm của những người sản xuất nội dung. Ở đây, tôi cho rằng, phụ huynh không hoàn toàn vô can".
"Mục đích ban đầu có thể sử dụng các thiết bị công nghệ không chỉ dành cho nhu cầu cá nhân mà còn phục vụ nhu cầu học tập, nhu cầu giải trí và giữ liên lạc khi cha mẹ phải ra khỏi nhà. Thế nhưng việc cha mẹ "thả lỏng" con cho xem TV, điện thoại một cách thiếu kiểm soát, khiến tần suất và thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ tăng cao kèm theo nguy cơ nhiễm nhiều nội dung độc hại", ông Nam nói.