Vì sao video miệt thị người nghèo của TikToker Nờ Ô Nô lên xu hướng?
(Dân trí) - TikToker Nờ Ô Nô là cái tên gây tranh cãi nhất trong cộng đồng mạng vài ngày qua. Sáng 28/11, tài khoản của nam TikToker này đã bị cấm vĩnh viễn sau lùm xùm liên quan đến video miệt thị người nghèo.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện TikTok Việt Nam cho biết TikTok không khoan nhượng trước bất kỳ nội dung hay hành vi nào vi phạm các Tiêu chuẩn Cộng đồng của công ty.
"Chúng tôi đã khóa tài khoản của người dùng @tuanbrice (hay còn được biết tới với tên gọi "Nờ Ô Nô") vĩnh viễn vì những nội dung không phù hợp với Tiêu chuẩn Cộng đồng mà người dùng này đăng tải. Xây dựng và duy trì môi trường nền tảng chân thực, an toàn, hướng tới cộng đồng là một trong những cam kết và ưu tiên hàng đầu của TikTok. Chúng tôi luôn tôn trọng và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo của người dùng, song giữ vững lập trường đề cao tính an toàn của cộng đồng và nền tảng", đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, khi được đặt câu hỏi về vấn đề tại sao đoạn video phản cảm của TikToker Nờ Ô Nô có thể vượt qua khâu kiểm duyệt nội dung và lên xu hướng với hơn 4,6 triệu lượt xem chỉ trong một ngày, phía TikTok chưa đưa ra câu trả lời.
Trên thực tế, TikToker Nờ Ô Nô đã rất nhiều lần khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì những nội dung "bẩn" nhằm mục đích câu view, câu tương tác. Thậm chí, cách đây hai tháng, nam TikToker này bị nhiều quán ăn dán hình "miễn tiếp" trước cửa vì những video "review" thiếu thiện chí.
Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về quy trình kiểm duyệt nội dung của TikTok có thực sự hiệu quả hay việc xóa tài khoản của Nờ Ô Nô chỉ là một giải pháp tạm thời từ phía TikTok Việt Nam nhằm xoa dịu sự việc.
Thuật toán đề xuất nội dung video của TikTok từ lâu đã đặt ra nhiều nghi vấn đối với các chuyên gia. Các video trên nền tảng này chỉ dài vài chục giây nhưng lại có sức lan truyền rất mạnh đối với giới trẻ. Dù vậy, TikTok lại ẩn chứa không ít trào lưu độc hại, nhảm nhí, có nội dung tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Trong một cuộc điều tra vào tháng 9/2021, trang Wall Street Journal đã tạo ra vài chục tài khoản để tìm hiểu cách mà TikTok hiển thị nội dung cho người dùng trẻ tuổi. Các tài khoản này đăng ký với tư cách là người dùng từ 13-15 tuổi.
Đáng chú ý, sau khi phân tích kết quả từ những tài khoản trên, rất nhiều video chứa nội dung độc hại về tình dục, chất kích thích và ma túy đã được đề xuất đến các tài khoản này trong mục "Dành cho bạn".
Theo Wall Street Journal, TikTok sẽ phân tích thói quen, sở thích của người dùng dựa trên một số yếu tố như khoảng thời gian bạn nán lại trong mỗi video, nội dung tìm kiếm hay số lần xem lại. Từ đó, các thuật toán của TikTok sẽ tính toán và đưa ra những gợi ý mà nền tảng này cho là phù hợp nhất, nhằm giữ chân người xem càng lâu càng tốt.
"Tất cả những gì mà chúng ta đã thấy trên YouTube đều xuất hiện trên TikTok. Nó giống hoàn toàn và thậm chí còn tệ hơn. Thuật toán của TikTok có thể học hỏi nhanh hơn rất nhiều", Guillaume Chaslot, một cựu kỹ sư tại YouTube, chia sẻ.
Nhà tâm lý học David Anderson cho biết những nội dung độc hại trên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cách mà người xem nhìn nhận về các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là với đối tượng người dùng trẻ tuổi, không có người lớn xung quanh để hỗ trợ.