Vì sao thị trường máy tính bảng "đóng băng" trong thời gian gần đây?
(Dân trí) - Theo các báo cáo tài chính, thị trường máy tính bảng tại nhiều khu vực trên thế giới đang có dấu hiệu "đóng băng" với doanh số bán hàng giảm liên tục. Ngay cả Apple cũng không thoát khỏi hiện tượng suy thoái này.
Theo các báo cáo tài chính , thị trường máy tính bảng tại nhiều khu vực trên thế giới đang có dấu hiệu "đóng băng" với doanh số bán hàng giảm liên tục kể từ Q1. Cụ thể, doanh số bán hàng của tablet trên toàn thế giới vào Q1 chỉ đạt 47,1 triệu thiết bị, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thậm chí ngay cả Apple , nhà sản xuất gạo cội với dòng sản phẩm iPad cũng đang chứng kiến suy thoái tài chính trong thời gian qua. Những báo cáo cho thấy Q2/2015, Apple chỉ bán được 21,4 triệu iPad, giảm 21% so với cùng thời điểm năm 2014. Vậy, nguyên nhân của sự việc này đến từ đâu?
Thị trường máy tính bảng bão hòa
Chiếc iPad thế hệ đầu tiên xuất hiện trên thị trường là vào năm 2010, mang đến một cơn sốt thực sự về một thiết bị với màn hình lớn, giúp bạn thỏa sức chơi games, xem phim, đọc báo cùng với các nhu cầu giải trí khác. Tại thời điểm ấy, mức tăng trưởng của những mẫu iPad có thể nói là đạt mức kỷ lục.
Khác với smartphone - đôi khi còn được coi như một món đồ trang sức, thì máy tính bảng đang dần quay trở về đúng với bản chất của nó - như một thiết bị giải trí thuần túy. Người dùng công nghệ giờ đây cũng đa phần sở hữu ít nhất là một, hoặc vài chiếc máy tính bảng . Kết quả là mọi người đều hạnh phúc với thiết bị của mình, và họ sẽ không nghĩ tới việc thay thế cho đến khi gặp phải các vấn đề như rơi vỡ, hỏng, hoặc chạy quá ì ạch.
Ít nhận được hỗ trợ từ các nhà cung cấp dịch vụ
Hiện nay, các nhà mạng Việt Nam đa số là không, hoặc nếu có thì rất ít các dịch vụ hỗ trợ người dùng di động. Trái lại, tại các quốc gia phát triển như Nhật hay Mỹ, thì sự ảnh hưởng của nhà mạng di động là rất lớn. Họ có thể hỗ trợ người dùng rất nhiều dịch vụ, chủ yếu là về giá thành hoặc chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà mạng có đi kèm dịch vụ hỗ trợ rất tốt, thì người dùng máy tính bảng cũng hầu như không nhận được các ưu đãi này. Lý do là vì khi lựa chọn máy tính bảng, người dùng vẫn chủ yếu chuộng những dòng sản phẩm không SIM, chỉ hỗ trợ Wi-Fi với giá thành rẻ hơn, và cũng là đủ để đáp ứng cho nhu cầu giải trí tại nhà của họ. Mà không dùng SIM có nghĩa là người dùng không nhận được ưu đãi từ nhà mạng, và điều này khiến họ thiếu động lực để mua một sản phẩm mới.
Thiếu những tính năng nổi bật
Khác với smartphone, máy tính bảng có một tốc độ tăng trưởng chậm hơn rất nhiều. Người dùng công nghệ khi sử dụng tablet cũng chủ yếu quan tâm đến màn hình hiển thị, thời lượng pin, bộ nhớ lưu trữ, và có chăng là tốc độ xử lý của chúng khi chơi games. Các yếu tố này hầu như đều được đáp ứng tốt ngay cả với các mẫu máy tính bảng tầm trung, chứ chưa nói đến các mẫu cao cấp đắt tiền.
Do đó, các cải tiến như tăng lượng RAM, tăng đời chip xử lý,..đã và vẫn sẽ không thu hút được người dùng. Cũng vì lý do này mà máy tính bảng về cơ bản khá tương đồng nhau, và không có sản phẩm nào quá nổi trội với các tính năng đột phá đi kèm, tất nhiên là trong từng phân khúc riêng biệt.
Chu kỳ thay thế dài vì chúng quá "bền"
Ban đầu, các nhà sản xuất máy tính bảng hay smartphone kỳ vọng rằng người dùng sẽ thay thế sản phẩm mới trong từ 2 - 3 năm, và tạo thành một chu kỳ thay thế hoàn hảo. Tuy nhiên trên thực tế có quá nhiều lý do khiến người dùng không muốn thay thế thiết bị của mình.
Một trong những yếu tố ấy là tỷ lệ hỏng của máy tính bảng thấp hơn nhiều so với smartphone. Bạn không phải mang tablet đi mỗi ngày, cũng không sử dụng chúng bằng một tay, do đó khả năng máy tính bảng bị hỏng do rơi vỡ là rất thấp.
Mặt khác, máy tính bảng thường được trang bị lượng pin khá dồi dào. Nhưng cũng chính yếu tố này khiến cho chúng lâu bị chai pin, và vẫn đáp ứng tốt cho nhu cầu sử dụng trong một thời gian dài. Có cảm giác như một mẫu máy tính bảng có thể phục vụ chúng ta từ 5 đến 6 năm nếu bạn giữ gìn chúng cần thận.
Phablet đang thay thế chỗ trống của tablet
Xu thế smartphone màn hình kích thước lớn - hay còn gọi là phablet, vẫn đang là trào lưu trong giới công nghệ, và chưa có dấu hiệu chững lại trong thời gian qua. Sở dĩ phablet được ưa chuộng, là vì chúng vừa đáp ứng tốt cho nhu cầu nghe gọi, đa nhiệm của smartphone, và vừa có kích thước màn hình lớn, mang đến trải nghiệm xem phim, giải trí chẳng thua kém gì so với tablet.
Bên cạnh đó, yếu tố tiện lợi đang ngày càng được người dùng công nghệ đánh giá cao và ưa chuộng. Về điều này phablet rõ ràng là chiếm lợi thế hơn nhờ kích thước nhỏ gọn hơn tablet, và có thể dễ dàng mang theo mọi lúc mọi nơi.
Nguyễn Nguyễn