Vì sao không nên bật điều hòa dưới 26 độ C?

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Việc cài đặt nhiệt độ không chỉ ảnh hưởng tới lượng điện năng tiêu thụ mà còn tác động đến hiệu quả làm mát và độ bền của điều hòa.

Trong văn bản 2466/BC-EVN gửi tới các tỉnh, thành phố về việc tiết kiệm điện mùa khô 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN khuyến nghị các hộ sử dụng điện sinh hoạt không đặt nhiệt độ điều hòa dưới 26 độ C để tiết kiệm điện.

Vậy tại sao lại có mức khuyến nghị như vậy?

Khi điều hòa hoạt động, thường có 4 bộ phận tiêu thụ điện năng chính, đó là: máy nén (block), quạt (trên cả cục nóng và cục lạnh), mô-tơ đảo gió cục lạnh và mạch điều khiển. Trong đó máy nén là bộ phận tiêu tốn điện nhiều nhất, chiếm tới 95% điện năng tiêu thụ.

Với các dòng điều hòa thường không inverter, máy nén sẽ hoạt động với 100% công suất liên tục cho tới khi đạt nhiệt độ cài đặt. Sau đó ngưng hoạt động, và khởi động lại khi nhiệt độ phòng thấp hơn khoảng 2 độ C so với cài đặt.

Trong khi đó, máy nén của điều hòa inverter sẽ hoạt động với công suất tăng dần đến khi đạt nhiệt độ cài đặt. Sau đó, công suất giảm dần và chỉ vận hành ở mức vừa phải đủ duy trì nhiệt độ cài đặt. Chính vì thế điều hòa inverter tiết kiệm điện tới 30-50%.

Vì sao không nên bật điều hòa dưới 26 độ C? - 1

Cài đặt nhiệt độ điều hòa chỉ nên chênh từ 5-10 độ C so với nhiệt độ bên ngoài (Ảnh: Websosanh.vn)

Theo các chuyên gia, để đảm bảo điều hòa hoạt động làm mát hiệu quả và tiết kiệm điện thì mức chênh nhiệt độ phòng và bên ngoài chỉ nên từ 5 tới 10 độ C. Trong khi những ngày gần đây tại nhiều tỉnh, thành phố ở mức 39 tới 40 độ C. Khi đặt nhiệt độ dưới 26 độ C thì mức chênh nhiệt giữa trong phòng và bên ngoài lên tới trên 15 độ C.

Mức chênh lệch nhiệt độ lớn này khiến máy nén phải hoạt động hết công suất một thời gian dài gây tình trạng quá tải. Điều này không chỉ gây tốn kém điện năng mà còn khiến điều hòa kém bền, thậm chí là gây hỏng hóc, cháy nổ. Do đó với những ngày nắng nóng như gần đây, người sử dụng chỉ nên đặt nhiệt độ tầm 28-29 độ C là đã dễ chịu, lại tiết kiệm điện năng.

Bên cạnh việc cài đặt nhiệt độ phù hợp, để tiết kiệm điện khi dùng điều hòa trong những ngày nắng nóng cao điểm người sử dụng có thể dùng một số mẹo như sau:

- Dùng kèm quạt (quạt sàn, quạt treo tường, quạt trần) để tăng hiệu quả phân bổ khí lạnh, giúp phòng nhanh đạt được nhiệt độ cài đặt.

- Hạn chế dùng chế độ làm lạnh nhanh (Turbo, Powerfull, Super, Fast Cooling...) vì chế độ này bắt buộc máy nén hoạt động với công suất 100% để nhanh chóng đạt nhiệt độ cài đặt.

- Hạn chế mở cửa, hoặc lỗ thoáng, dùng kèm rèm cửa nếu có ánh nắng chiếu trực tiếp vào cửa sổ phòng.

- Không để máy lạnh hoạt động 24/24 ngay cả khi ở nhà cả ngày, mà nên tắt máy khoảng 30 phút cứ sau khoảng 6-8 giờ hoạt động để máy nén được "nghỉ".

Đối với những khách hàng đang có ý định lắp điều hòa thì nên ưu tiên những dòng điều hòa inverter, có chỉ số hiệu suất năng lượng CSPF càng cao càng tốt. Một số model điều hòa tiết kiệm điện mới ra mắt năm 2023 mà bạn có thể tham khảo như Casper TC-09IS35 (giá 5,5 triệu đồng), Panasonic 9000 BTU CU/CS-XU9ZKH-8 (giá 11,5 triệu đồng), Daikin 9000 BTU ATKF25XVMV (giá 9,9 triệu đồng)...

Ngoài việc chọn điều hòa tiết kiệm điện thì việc lắp đặt, bao gồm chọn vị trí đặt cục nóng, cục lạnh điều hòa, và các thao tác lắp đặt đúng cũng là điều mà khách hàng cần hết sức chú ý để đảm bảo điều hòa hoạt động hiệu quả và tiết kiệm điện.