Ứng dụng “tỉ đô” và những bí mật thú vị

(Dân trí) - Instagram là cái tên được nhắc đến nhiều trong thời điểm này sau vụ thâu tóm đình đám có giá lên đến 1 tỷ USD của Facebook. Bài viết sau sẽ tiết lộ những bí mật thú vị về Instagram và người sáng lập ra ứng dụng “tỷ đô” này.

Facebook đã khiến không ít người bất ngờ khi quyết định bỏ ra đến 1 tỷ USD để thây tóm ứng dụng di động có tuổi đời còn khá non trẻ Instagram. Vậy Instagram là gì và ai là người đứng sau nó? Cùng khám phá qua bài viết sau đây.

Instagram là gì?

Instagram là ứng dụng di động, được ra mắt từ tháng 10/2010, cho phép người dùng chụp ảnh từ thiết bị di động, sau đó thêm các hiệu ứng trên hình ảnh và chia sẻ chúng lên các dịch vụ mạng xã hội khác nhau, trong đó có cả mạng xã hội của Instagram.

Ứng dụng “tỉ đô” và những bí mật thú vị
Giao diện ứng dụng Instagram trên Android

Một tính năng đặc biệt của Instagram là hình ảnh sau khi xử lý sẽ có kích cỡ vuông, thay vì hình ảnh có tỷ lệ 4:3 thường được chụp từ máy ảnh kỹ thuật số hay từ máy ảnh của di động.

Ban đầu, Instagram chỉ dành cho nền tảng iOS của Apple, cho đến tận tháng 4/2012, phiên bản Android của Instagram mới chính thức được xuất hiện.

Đứng sau ứng dụng "tỷ đô" Instagram là ai?

Instagram là một trong những ứng dụng đắt giá nhưng lại có đội ngũ xây dựng ít ỏi nhất hiện nay, chỉ vỏn vẹn 13 người, bao gồm cả 2 nhà đồng sáng lập.

Ban đầu, Instagram chỉ gồm 2 nhà đồng sáng lập là Kevin Systrom và Mike Krieger. Trong số 11 thành viên khác, đa phần trong đó đều mới gia nhập công ty sau này, khi ứng dụng Instagram đã bắt đầu có bước phát triển.

Ứng dụng “tỉ đô” và những bí mật thú vị
Nhóm phát triển Instagram tại trụ sở chính của Facebook. Hình ảnh được chụp theo đúng phong cách của Instagram (nhà sáng lập Kevin Systrom đứng ngoài cùng bên phải)

Vậy số tiền 1 tỷ USD của Facebook sẽ được chia nhau như thế nào? Dĩ nhiên sẽ không thể chia đều cho 13 thành viên của công ty.

Nhà đồng sáng lập Kevin Systrom hiện đang sở hữu 40% cổ phần của công ty khi Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD, nghĩa là Systrom sẽ “bỏ túi” được 400 triệu USD. Trong khi đó, nhà đồng sáng lập Mike Krieger chỉ nắm 10% cổ phần sẽ có được 100 triệu USD.

Trong đó, các nhà đầu tư đang nắm cổ phần của Instagram cũng sẽ chia nhau số tiền 400 triệu USD. 100 triệu USD còn lại dành cho 11 nhân viên của công ty.

Tuy nhiên, giá trị này chắc chắn sẽ còn tăng lên trong tương lai sau khi Facebook phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) dự kiến vào tháng tới đây.

Kevin Systrom đã từng từ chối gia nhập Facebook

Một điều khá thú vị đó là nhà sáng lập Kevin Systrom, khi còn học tại đại học Stanford, đã được nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg mời tham gia phát triển Facebook vào năm 2004, khi mạng xã hội này còn “chập chững”.

Tuy nhiên, Kevin Systrom đã từ chối lời đề nghị này, vì vào thời điểm đó, với Systrom việc học vẫn là quan trọng nhất.

Ứng dụng “tỉ đô” và những bí mật thú vị
“Định mệnh” đã lại đưa Kevin Systrom hợp tác với Mark Zuckerberg

“Thật không may, tôi đã quyết định muốn tiếp tục việc học tại trường. Đó là một quyết định mà sau này đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều, sẽ thật tuyệt nếu được trở thành một phần trong sự phát triển của Facebook”, Systrom cho biết.

Dường như “định mệnh” đã tiếp tục để Systrom bắt tay với Mark Zuckerberg, khi giờ đây, công ty do anh phát triển đã trở thành một phần của “đế chế” mà Zuckerberg đang điều hành.

Kevin Systrom không được đào tạo chính thức về lập trình

Mặc dù là nhà sáng lập ứng dụng di động, tuy nhiên Kevin Systrom trên thực tế lại chuyên về lĩnh vực kinh tế và marketing, thay vì một lập trình viên. Theo anh chia sẻ, anh bắt đầu làm quen với lập trình từ những năm phổ thông, tuy nhiên đó chỉ là những kiến thức cơ bản.

 “Khi ở phổ thông, tôi bắt đầu làm quen với ngôn ngữ lập trình Pascal, sau đó là C++. Dần dần, tôi đã tự học thêm MySQL và PHP, tuy nhiên chưa có gì thực sự đáng kể. Trong năm đầu tiên tại Standford, tôi đã đăng ký khóa học lập trình, tuy nhiên tôi đã học không thực sự tốt, trong khi lại có rất nhiều những người xuất sắc xung quanh. Cuối cùng, tôi đã phải từ bỏ  chuyên ngành này và chuyển sang chuyên ngành kinh doanh”.

Ứng dụng “tỉ đô” và những bí mật thú vị
Những kiến thức lập trình mà Kevin Systrom (trái) có được đều từ những nỗ lực của bản thân

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại bộ phận marketing của công ty NextStop (mà cũng đã bị Facebook thâu tóm vào năm 2010), Systrom đã bỏ ra những buổi tối để tự mình học cách lập trình.

“Khi tôi đang làm việc tại NextStop, tôi đã bắt đầu học lập trình vào hàng đêm”, Systrom cho biết. “Tôi chỉ lập trình theo sở thích và chỉ làm những thứ cơ bản, tuy nhiên, từ những thứ cơ bản này đã giúp tôi trở nên vững chắc hơn”.

“Từ đó, tôi rút ra bài học rằng, đừng từ bỏ điều gì sớm nếu bạn thực sự đam mê nó, và những điều tôi học được đều từ những công việc quen thuộc và cơ bản hàng ngày, chứ không phải từ những gì tôi học được ở trường”, Kevin Systrom chia sẻ.

Instagram: Thành công  từ sự khởi đầu thất bại

Trong bài phỏng vấn với tờ báo Pando Daily, với tư cách là nhà sáng lập kiêm CEO của Instagram, Kevin Systrom đã thẳng thắng nhìn nhận: “Để đạt được thành công, đôi khi bạn cần có những lần khởi đầu thất bại, bản thân Instagram cũng vậy”.

Trước khi trở thành ứng dụng chia sẻ hình ảnh, tiền thân của Instagram là một ứng dụng dạng chia sẻ địa điểm, với tên gọi Brbn.

“Brbn là một sự khởi đầu thất bại. Tuy nhiên, những công ty hàng đầu thế giới cũng đã phải trải qua những khởi đầu thất bại. Youtube là một ví dụ, khi trang web này ban đầu là một trang web hẹn hò trực tuyến. Bạn luôn luôn có thể phát triển sản phẩm của mình thành một điều gì đó khác  thú vị hơn”, Systrom chia sẻ.

Ứng dụng “tỉ đô” và những bí mật thú vị
2 nhà đồng sáng lập Instagram là những người bạn thân


Systrom cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, việc khó khăn nhất để khởi nghiệm tại thung lũng Silicon đó là tìm kiếm được những nhân tài.

“Rất nhiều công ty tại thung lũng Silicon chiến đấu với nhau để giành giật các tài năn. Để tìm được một nhân tài phải trải qua một quá trình lâu dài. 5 nhân viên đầu tiên tại Instagram là những người bạn tốt. Niềm tin là một điều rất quan trọng”, Systrom cho biết.

Instagram đã từng được xem là “mối nguy” lớn nhất của Facebook

Không phải những mạng xã hội “đình đám” như Google+ hay Twitter bị xem là ứng viên xứng tầm để “lật đổ” ngôi vương của Facebook, mà chính Instagram mới được xem là “mối nguy” lớn nhất mà Facebook phải đối mặt.

Ngày nay, phần lớn người dùng sử dụng Facebook là để chia sẻ và xem hình ảnh về bạn bè hay gia đình của mình. Chính tính năng chia sẻ hình ảnh đã giúp Facebook trở nên phổ biến hơn, vì người dùng có thể dễ dàng đăng tải và chia sẻ hình ảnh từ máy tính của mình.

Tuy nhiên, “điểm yếu” của Facebook đó là không dễ dàng để chia sẻ hình ảnh từ điện thoại. Quá trình này thường diễn ra khá chậm.

Không ít mạng xã hội ra mắt sau này đã lợi dụng “điểm yếu” này với mục đích lật đổ Facebook trên thị trường mạng xã hội, và tiêu biểu trong đó có Instagram.

Với số người dùng đạt mốc 1 triệu chỉ sau 1 tháng xuất hiện và 15 triệu sau 1 năm. Đến thời điểm hiện tại, Instagram đã có hơn 30 triệu người dùng.

Điểm nổi bật của Instagram so với Facebook đó là quá trình chia sẻ hình ảnh diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, với ứng dụng Facebook trên iPhone, người dùng phải trải qua 6 bước để hoàn tất việc chia sẻ một hình ảnh, tuy nhiên, với Instagram, người dùng chỉ phải thực hiện 1 bước.

Ứng dụng “tỉ đô” và những bí mật thú vị
Facebook đã kịp thâu tóm Instagram trước khi đe dọa

Với ưu điểm của Instagram, Facebook hoàn toàn có lý do để bỏ ra đến 1 tỷ USD để mua lại ứng dụng di động có tuổi đời chỉ mới 18 tháng. Bởi lẽ Facebook không muốn “đi vào vết xe đổ” của Friendster, mạng xã hội hàng đầu thế giới trước thời điểm Facebook được ra đời.

Sở dĩ, người dùng đã bỏ Friendster để quay sang  Facebook vì tìm thấy một mạng xã hội tốc độ hơn và đơn giản hơn. Và khi lượng người dùng Internet trên di động ngày càng tăng và lượng ảnh chụp từ thiết bị di động ngày càng nhiều, nếu Facebook không kịp “hành động”, sẽ là quá trễ cho mạng xã hội này.

Phạm Thế Quang Huy