1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

TV trên ĐTDĐ: Cơn sốt hay cường điệu?

(Dân trí) - Thưởng thức truyền hình trên điện thoại di động là một dịch vụ được hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích lại cho rằng thiết bị cầm tay di động không thể thay thế TV truyền thống được.

SlingBox là thiết bị kết nối với bộ chuyển đổi cáp TV, đầu đĩa vệ tinh hay là DVR. SlingBox cho phép người dùng xem TV từ máy tính hay điện thoại được cài đặt phần mềm SlingPlayer và có khả năng truy cập Internet tốc độ cao.

 

Hiện tại, SlingPlayer đã được bán trên thị trường Mỹ và Canada dành cho các điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Windows Mobile. Sắp tới, hãng này sẽ tung ra phiên bản dành cho điện thoại Symbian.

 

Cơn sốt hay cường điệu?

 

Eddie Hold - Phó chủ tịch tập đoàn nghiên cứu dịch vụ không dây Current Analysis và là một chuyên gia về điện thoại - cho biết, SlingBox là một công cụ rất hữu ích nhưng ông này cho rằng điện thoại truyền hình không phải là một “hiện tượng” ghê gớm để có thể đánh bật thói quen xem TV truyền thống.

 

“Cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng hầu hết người dùng đều muốn điện thoại di động vẫn chỉ là chỉ là chiếc điện thoại mà thôi”, Hold nói. “Mặc dù được quảng cáo rầm rộ nhằm lôi kéo sự chú ý của người dùng nhưng hầu hết họ lại chỉ muốn sở hữu một “chú dế” đơn giản để gọi điện thoại”.

 

Điện thoại trở nên vô nghĩa nếu chỉ có thể chạy các chương trình TV nhưng lại không thể thực hiện cuộc gọi, ông này nhấn mạnh.

 

Mobile TV trên mạng 3G: Tiềm năng?

 

Tuy nhiên, công ty Softel (Mỹ), cung cấp dịch vụ MyTinyTV, phản đối quan điểm trên. MyTinyTV cho phép người dùng xem các chương trình TV trực tiếp trên PDA và smartphone có kết nối WiFi hay Internet băng thông rộng.

 

Đầu tuần này, Sony Ericsson tuyên bố các chủ nhân của smartphone P990 sẽ có thể sử dụng dịch vụ LocationFree của Sony để xem TV, thưởng thức những chương trình đã được ghi lại và thậm chí tự tạo bản ghi âm.

 

Tuy nhiên, yêu cầu thiết yếu nhất là điện thoại phải có khả năng kết nối tốc độ cao để trình diễn các nội dung streaming. Trong khi đó, các mạng viễn thông vẫn chỉ khiêm tốn với tốc độ kết nối chậm chạp. Ở Mỹ, các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, như Sprint, Cingular, và Verizon đã triển khai mạng tốc độ cao 3G; còn T-Mobile cũng nhanh chóng khai trương dịch vụ EDGE (tiền 3G), với tốc độ chậm hơn kết nối băng thông rông.

 

“Tuy nhiên, EDGE vẫn là công nghệ mang lại nhiều doanh thu hơn tất cả các mạng khác, cũng có thể là vì hầu hết dịch vụ di động hiện nay đều hướng tới nội dung dữ liệu, như e-mail, tin nhắn chứ không phải là các dịch vụ đòi hỏi tốc độ cao, như streaming video”, ông Hold nói.

 

Với công nghệ di động 3G ở Việt Nam, các mạng sử dụng công nghệ CDMA có nhiều lợi thế hơn so với các mạng GSM nhờ khả năng phủ sóng rộng hơn, băng thông kết nối rộng hơn. Đầu tháng 10, mạng CDMA đầu tiên của Việt Nam đã triển khai dịch vụ xem video theo yêu cầu VOD, nhạc theo yêu cầu và kết nối Internet ngay trên điện thoại. Trong khi đó, mạng EVN Telecom, thành viên mới gia nhập mạng CDMA, cũng đã khai trương dịch vụ di động, di động nội vùng và điện thoại cố định không dây có kết nối Internet.

 

Trong khi đó, 3 “đại gia” GSM VinaPhone, MobileFone và Viettel mới chỉ cung cấp dịch vụ GPRS. Hiện tại, hai thành viên của tập đoàn Bưu chính viễn thông đang thử nghiệm dịch vụ mạng EDGE tại một số thành phố chính trên cả nước.

 

N.H.

Theo NewsFactor