Tương lai đầy thách thức của Apple
(Dân trí) - Apple đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ những thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Hiện nay, Apple được biết đến là một trong những công ty quyền lực nhất hành tinh. Gã khổng lồ công nghệ này được định giá tới hơn 3.000 tỷ USD. Con số trên tương đương với GPD của những quốc gia giàu nhất trên thế giới.
Các nhà phát triển và đối tác cung cấp dịch vụ luôn bị ràng buộc bởi hàng loạt quy tắc nghiêm ngặt của công ty. Đặc biệt, những quyết định của Apple có thể ảnh hưởng tới hơn 1 tỷ người dùng iPhone trên toàn cầu.
Đây là điều mà bất cứ công ty nào trên thế giới cũng mong muốn. Tuy nhiên, vị thế của Apple đang dần trở nên lung lay, nhất là khi phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ những thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã đệ đơn kiện Apple với cáo buộc rằng hệ sinh thái iPhone của công ty đã vi phạm luật chống độc quyền, gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhà phát triển và các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác.
Theo đơn kiện, DOJ cho rằng Apple đã gây tổn hại cho các nhà phát triển khi chiết khấu tới 30% doanh thu của ứng dụng trên App Store. Ngoài ra, Apple cũng bị cáo buộc đã cố ý khiến người dùng khó rời bỏ hệ sinh thái của mình.
Trong một tuyên bố mới nhất, Apple nói rằng họ không đồng ý với các cáo buộc trên và sẽ chống lại điều đó.
"Vụ kiện này đe dọa những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm Apple trong thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Nếu vụ kiện thành công, nó sẽ cản trở chúng tôi tạo ra những công nghệ mà mọi người mong đợi từ Apple, khi phần cứng, phần mềm và dịch vụ được giao thoa", phát ngôn viên của Apple chia sẻ.
Chính phủ Mỹ không phải là cơ quan duy nhất có lập trường này. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đấu tranh với Apple khi cho rằng công ty này đã hành động như "một người gác cổng" đối với kho ứng dụng App Store của mình.
Đầu tháng 3, Apple đã buộc phải thực hiện những thay đổi đối với App Store nhằm tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU. Những thay đổi này bao gồm việc cắt giảm ứng dụng được tải xuống từ App Store, cho phép người dùng iOS truy cập vào các cửa hàng kỹ thuật số của bên thứ ba.
Chưa dừng lại ở đó, nguồn tin từ Bloomberg cho biết EU đang chuẩn bị công bố một cuộc điều tra lớn tiếp theo đối với Apple cũng như Google, nhằm xác định xem những gã khổng lồ công nghệ này có thực sự tuân thủ đạo luật mới hay không.
Bên cạnh những rắc rối liên quan đến vấn đề pháp lý, Apple cũng đang phải đối mặt với áp lực lớn về doanh số tại thị trường Trung Quốc. Đây được xem là thị trường quốc tế quan trọng bậc nhất của công ty.
Báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho thấy Apple đang phải vật lộn với tình trạng sụt giảm nhu cầu mua iPhone ở Trung Quốc. Theo đó, doanh số bán iPhone tại thị trường này đã giảm tới 24% kể từ đầu năm.
Các chuyên gia cho biết những người dùng iPhone trước đây đang dần chuyển sang các thương hiệu nội địa, đặc biệt là Huawei. Xu hướng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Apple.
Có thể thấy, Apple đang phải chịu sức ép từ mọi phía. Theo Business Insider, những giải pháp mà công ty thực hiện ở thời điểm hiện tại đặc biệt quan trọng và mang ý nghĩa quyết định đến tương lai của mình trong những thập kỷ tới.