Truyền hình số mặt đất có làm cạn nguồn tài nguyên tần số?

(Dân trí) - Sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của các hệ thống dịch vụ truyền hình số mặt đất sử dụng mạng đa tần hiện nay có thể khiến cho nguồn tài nguyên tần số ngày càng cạn kiệt.

Hiện nay, chúng ta đang sử dụng các công nghệ dịch vụ truyền hình số mặt đất như: Truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T (Digital Video Broadcasting- Terrestrial) cho các máy thu cố định và di động, truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-H (Digital Video Broadcasting- Handheld) và truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn T-DMB (Terrestrial- Digital Multimedia Broadcasting) cho các thiết bị cầm tay trên thế giới và trong nước... Đây là những công nghệ sử dụng mạng đa tần (Multiple Frequency Network - MFN), nghĩa là mỗi trạm phát thu phát sóng sử dụng một tần số khác nhau và cần phải quy hoạch tần số sao cho các trạm kế bên không trùng tần số, gây can nhiễu.
 
Với mạng đơn tần SFN thì các máy phát trong mạng SFN sử dụng chung một tần số phát, cùng phát các chương trình giống nhau và trong cùng một thời gian. Các phần giao nhau của vùng phủ sóng vẫn thu được bình thường. Ưu điểm của mạng phát thanh truyền hình số mặt đất SFN là sử dụng băng tần tần số hiệu quả hơn do tất cả máy phát trong mạng SFN chỉ phát ở một kênh sóng duy nhất, hiệu quả phủ sóng cao hơn so với các hệ thống khác do sử dụng các máy phát có công suất nhỏ và phân tán trong khu vực phủ sóng có địa hình phức tạp, ít can nhiễu hơn, công suất sử dụng cho cùng một diện tích phủ sóng nhỏ hơn và độ tin cậy cao.
 
Bên cạnh đó, khả năng nổi bật của mạng đơn tần là có thể bù sóng. Việc đưa vào sử dụng Trung tâm giám sát và điều độ vận hành mạng từ xa (NCC) như Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG) mới thực hiện sẽ hỗ trợ thêm việc truyền phát sóng đạt chất lượng cao. Ví dụ, trong 3 trạm phát sóng gần nhau, nếu có một trạm gặp sự cố, thì thông qua NCC có thể kích hoạt tăng tần số ở hai trạm còn lại, giúp cho toàn bộ khu vực có đủ sóng để xem. Mặc dù chi phí đầu tư cho mạng đơn tần tốn gấp hai lần, nhưng lại giúp tiết kiệm một thứ quý giá hơn đó là tần số quốc gia.
 
Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT AVG - cho biết:  “AVG được cấp ba tần số 57, 58, 59. Nhờ có mạng đơn tần mà chỉ với ba tần số này, chúng tôi vấn phủ sóng được trên toàn quốc”.
 
Truyền hình số mặt đất có làm cạn nguồn tài nguyên tần số? - 1
Các màn hình giám sát tại NCC mới ra mắt của AVG.
 
Trên thế giới, việc sử dụng mạng đơn tần đã trở nên phổ biến như tại Tây Ban Nha, Italia, Hàn Quốc… cho thấy hiệu quả cao, vùng phủ sóng rộng, ngay cả tại những nơi có nhiều đồi, núi. Sự cạn kiệt về nguồn tài nguyên tần số quốc gia khiến việc thiết kế mạng đơn tần cho phát sóng truyền hình số mặt đất SFN có lẽ là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện mới chỉ có Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) là đơn vị đầu tiên xây dựng mạng đơn tần.
 
Một chuyên gia của Cục tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin & truyền thông) - cho biết: “Hiệu quả của việc sử dụng mạng đơn tần có thể so sánh với hình ảnh một miếng đất, có người chỉ xây được nhà cấp bốn nhưng cũng có người xây được nhà cao tầng. Ở đây mạng đơn tần giống như anh xây được nhà cao tầng, công năng sử dụng nhiều hơn. Về mặt công nghệ, rõ ràng mạng đơn tần có nhiều ưu điểm và chúng tôi sẽ khuyến khích, ưu tiên cấp phép cho các đơn vị sử dụng mạng đơn tần trong thời gian tới”.

Lâm Sơn