Truyền hình analog chính thức nói lời chia tay
(Dân trí) - Nhằm đáp ứng tiến độ của Đề án số hóa truyền hình, sóng truyền hình analog chính thức ngừng hoạt động từ 0h ngày 1/7 trên toàn quốc, khép lại một thời "vàng son".
Bộ TT&TT vừa văn bản số 2357/BTTTT-CTS về việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (hay còn gọi là truyền hình analog) đối với các trạm phát lại tại một loạt các tỉnh thành.
Theo đó, từ 24h ngày 30/6/2020, các trạm phát lại tại 9 tỉnh Nhóm II và 12 tỉnh Nhóm III sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog.
Các tỉnh thành này bao gồm: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận.
Trước đó, từ ngày 16/8/2016, truyền hình analog đã ngừng phát sóng ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ dừng phát sóng analog để chuyển hẳn sang truyền hình kỹ thuật số. Người dân tại 19 tỉnh lân cận cũng không thể tiếp sóng.
Truyền hình tương tự - hay còn gọi là truyền hình analog, là kĩ thuật thu phát sóng truyền hình có từ lâu đời, sử dụng tín hiệu tương tự để truyền tải video và âm thanh.
Ở Việt Nam, phương thức này gắn liền với một thời "vàng son" của truyền hình, cũng chính là giai đoạn đầu tiên mà người dân được sở hữu những chiếc TV - thời ấy là những TV CRT màn hình "siêu lồi", và xem nội dung được phát trên đó.
Trong một chương trình truyền hình analog, độ sáng, màu sắc và âm thanh được thể hiện bằng các biến thể nhanh chóng của biên độ, tần số hoặc pha của tín hiệu.
Ưu điểm của truyền hình analog là dễ triển khai, chi phí thấp. Tuy nhiên, những hạn chế dễ thấy đó là hay bị nhiễu sóng trong điều kiện thời tiết xấu, chất lượng hình ảnh, âm thanh không cao, số lượng kênh hạn chế.
Chính vì thế, hình ảnh khó quên nhất của truyền hình analog chính là việc liên tục phải xoay xoay, chỉnh chỉnh chiếc ăng-ten để bắt sóng được nét hơn. Có những chiếc TV có ăng-ten bắt sóng, hay còn gọi là "râu ăng-ten" ở ngay phía trên nóc. Cũng có những chiếc được nối tín hiệu qua một cáp nối, cho phép đặt ăng-ten ở vị trí cao hơn (thường là mái nhà) để bắt sóng được tốt hơn.
Do khi quay ăng-ten ở một phía chỉ có thể bắt được một số kênh nhất định, nên mỗi gia đình lại có sự chọn lọc riêng tùy theo sở thích riêng, dẫu cũng không có nhiều lựa chọn.
Còn nhớ vào những năm của thập niên 90, nếu vô tình "dò" được kênh phim truyện HBO hay kênh thể thao quốc tế Star Sport được phát miễn phí trong một khung giờ nhất định thì đối với nhiều gia đình đã thực sự là một "món bở".
Thế nhưng số hóa là xu thế tất yếu của ngành truyền hình, viễn thông. Và Việt Nam cũng sẽ không đi ngoài xu hướng đó.
Bắt đầu từ những năm 2000, truyền hình kỹ thuật số bắt đầu nở rộ và dần thay thế truyền hình analog bởi những ưu điểm dễ thấy như hình ảnh và âm thanh có chất lượng vượt trội, số lượng kênh nhiều hơn.
Thời điểm ấy, tại một số gia đình - thường là các hộ nghèo, vẫn chọn xem truyền hình thông qua kiểu cũ, dù có nhiều bất tiện, nhưng ưu điểm là không phải bỏ tiền để mua bộ giải mã, cũng như đóng phí truyền hình hàng tháng.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, chẳng còn mấy người sử dụng truyền hình analog và phương pháp thu phát này đã quá lỗi thời. Trên thực tế, tại nhiều quốc gia khác trên thế giới đã cắt sóng truyền hình analog từ rất sớm, điển hình như tại Luxembourg, Hà Lan đã cắt từ 2006. Còn tại Phần Lan, Thụy Sĩ cũng đã ngưng từ 2007.
Tại Việt Nam, nếu tắt sóng truyền hình analog, người dân sẽ có tới 3 lựa chọn để xem truyền hình số mặt đất, đó là mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB T2/MPEG4, đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền hoặc mua tivi tích hợp sẵn đầu thu DVB T2/MPEG4.
Trong đó, phần lớn các hộ gia đình đều đã sở hữu những chiếc TV tích hợp sẵn đầu thu DVB T2/MPEG4. Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ đầu thu để đảm bảo người dân xem được truyền hình khi Việt Nam tắt sóng analog.
Nguyễn Nguyễn