Trung Quốc “đoạt ngôi” siêu máy tính mạnh nhất thế giới từ Mỹ

(Dân trí) - Trung Quốc đã trở lại và đoạt ngôi vị siêu máy tính mạnh nhất thế giới với hệ thống siêu máy tính Tianhe-2. Đây là lần thứ 2 Trung Quốc chiếm được vị trí này kể từ khi lần đầu “lên ngôi” với hệ thống siêu máy tính Tianhe-1A hồi tháng 11/2010.

Thông tin trên vừa được TOP500, tổ chức chuyên theo giõi và giám sát các hệ thống siêu máy tính trên toàn cầu, công bố tại Hội nghị Siêu máy tính 2013 diễn ra ở Leipzig (Đức).

Theo đó, Tianhe-2 (Thiên Hà 2) hay còn được biết đến với tên gọi Milky Way-2 là hệ thống siêu máy tính được thiết kế bởi Trường Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc và được đặt tại Trung tâm siêu máy tính Quốc gia ở Quảng Châu.

Hệ thống siêu máy tính  Tianhe-2 đã trở thành siêu máy tính mạnh nhất thế giới
Hệ thống siêu máy tính  Tianhe-2 đã trở thành siêu máy tính mạnh nhất thế giới

Phần lớn các bộ phận và tính năng của siêu máy tính này đều được thiết kế tại Trung Quốc, ngoại trừ việc máy sử dụng hệ thống vi xử lý được thiết kế bởi Intel. Tianhe-2 có 16.000 node tính toàn, mỗi node bao gồm 2 bộ vi xử lý Xeon IvyBridge và 3 bộ vi xử lý Xeon Phi của Intel để tạo nên tổng cộng 3.120.000 nhân xử lý, cho tốc độ xử lý lên đến 33,86 petaflop  (triệu tỷ phép tính dấu chấm động/giây). 

Tốc độ Tianhe-2 đạt được đã gấp đôi so với siêu máy tính mạnh nhất thế giới trước đó, hệ thống Titan của Mỹ, với tốc độ 17,59 petaflop. Tuy nhiên, đáng chú ý, Titan chỉ được trang bị bộ vi xử lý với 560.640 lõi, thay vì lên đến hơn 3 triệu lõi vi xử lý như Tianhe-2, cho thấy khả năng khai thác sức mạnh cấu hình của Titan vượt trội hơn hẳn so với đại diện đến từ Trung Quốc.

Đây là lần thứ 2 Trung Quốc đã qua mặt Mỹ để sở hữu siêu máy tính với tốc độ lớn nhất thế giới. 

Trước đó, vào tháng 11/2010, “tiền thân” của Tianhe-2 là hệ thống siêu máy tính Tianhe-1A cũng đã trở thành siêu máy tính mạnh nhất thế giới, với tốc độ đạt được 2,56 peraflop. Tuy nhiên ngôi vị này sau đó đã bị Nhật Bản “đoạt lấy” vào năm 2011 trước khi Mỹ giành lại được “ngôi vương” về tốc độ xử lý của siêu máy tính vào năm 2012 cho đến bây giờ khi bị Trung Quốc vượt qua.

Cũng theo danh sách mới nhất được công bố của TOP500, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về số lượng siêu máy tính, chiếm đến 252 trên tổng số 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới (con số này vào năm ngoái là 250). Châu Á xếp ở vị trí thứ 2 với 119 hệ thống trên tổng số 500 siêu máy tính mạnh nhất (123 vào năm ngoái) và Châu Âu xếp ở vị trí thứ 3 với 112 hệ thống (105 vào năm ngoái). 

Trong đó, Trung Quốc góp mặt 66 hệ thống siêu máy tính (trên tổng số 500 hệ thống mạnh nhất), Nhật bản cũng góp mặt với 30 hệ thống (32 vào năm ngoái). Tại châu Âu, Anh, Pháp và Đức lần lượt góp mặt 29, 23 và 19 hệ thống siêu mạnh tính mạnh nhất thế giới.

Danh sách 500 siêu máy tính trên toàn cầu được TOP500 lần đầu tiên công bố tại một Hội nghị diễn ra tại Đức năm 1993 và giờ đây, danh sách 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới được TOP500 công bố 2 lần mỗi năm và luôn được sự quan tâm của giới công nghệ, những nhà sản xuất phần cứng và các nhà khoa học. Danh sách của TOP500 thường được sử dụng để tăng cường tính cạnh tranh và chạy đua về phát triển công nghệ trên siêu máy tính.

Các hệ thống siêu máy tính được xếp hạng dựa trên hiệu suất của chúng trên tiêu chuẩn chấm điểm LINPACK Benchmark, một “thước đo hiệu suất” sử dụng một hệ thống dày đặc các phương trình tuyến tính để đánh giá khả năng xử lý của các siêu máy tính.

Danh sách 10 siêu máy tính mạnh nhất thế giới (xếp theo tốc độ xử lý)

Thứ hạng

Tên gọi

Quốc gia

Tốc độ (peraflop/giây)

Số lượng lõi xử lý

Hãng sản xuất

1

Tianhe-2

Trung Quốc

33,86

3.120.000

Đại Học Quốc Phòng Trung Quốc

2

Titan

Mỹ

17,59

560.640

Cray Inc

3

Sequoia

Mỹ

16,44

1.572.864

IBM

4

K Computer

Nhật Bản

10,51

705.204

Fujitsu

5

Mira

Mỹ

8,16

786.432

IBM

6

JUQUEEN

Đức

4,14

393.216

IBM

7

SuperMUC

Đức

2,89

147.456

IBM

8

Stampede

Mỹ

2,66

204.900

Dell

9

Tianhe-1A

Trung Quốc

2,56

186.368

Đại Học Quốc Phòng Trung Quốc

10

Fermi

Ý

1,72

163.840

IBM


Phạm Thế Quang Huy