Trong đại dịch, nhiều gia đình phải lựa chọn giữa thức ăn hoặc Internet
(Dân trí) - Khoảng cách số đang là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Ngay cả ở các quốc gia giàu có, nhiều gia đình đang phải cân nhắc lựa chọn giữa kinh phí dành cho thực phẩm hoặc Internet.
Trong tuần này, Michelle, 31 tuổi, sống tại North Lanarkshire (Scotland) vẫn đang có thể truy cập Internet tại nhà, nhưng bắt đầu từ tuần tới thì lại không như vậy. Mặc dù đã cố hết sức nhưng gia đình Michelle vẫn không thể thanh toán hết các khoản phí Internet băng thông rộng, khiến họ không thể tiếp tục sử dụng Internet tại nhà.
Michelle cùng với người chồng của mình và con gái 13 tuổi, đã trở thành những người vô gia cư kể từ tháng 2 năm ngoái. Họ sống trong những chỗ ở tạm, cô hỗ trợ tài chính cho gia đình bằng công việc dọn dẹp của mình.
"Chúng tôi đã phải vật lộn với hóa đơn Internet, không phải lúc nào cũng có thể mua gói dữ liệu cho điện thoại của con gái tôi. Hiện tại, con tôi đang làm bài tập trên điện thoại bằng gói dữ liệu mua trên đó", Michelle cho biết.
Đôi khi, bạn bè của con Michelle chụp ảnh bài giảng của giáo viên và gửi cho họ để con gái có thể chép lại, thay vì tham gia vào lớp học trực tuyến cần kết nối Internet tốc độ cao. Michelle đã khiếu nại với nhà cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng cho gia đình mình, Virgin Media, về việc cấp lại kết nối mạng, nhưng không nhận được phản hồi.
Kể từ ngày 8/3, Virgin Media đã chuyển Michelle sang gói dịch vụ rẻ hơn để Michelle có thể truy cập Internet tại nhà. Theo Virgin Media, công ty đã thông báo cho Michelle vào ngày 12/1 rằng họ không thể cung cấp dịch vụ cho đến khi khoản nợ phí dịch vụ tối thiểu được thanh toán. Công ty cũng cho biết thời hạn trả nợ cuối của Michelle sẽ kết thúc vào tháng 9, điều này cho phép cô có thể chuyển sang nhà cung cấp khác nếu muốn.
Michelle không phải là người duy nhất đang phải "vật lộn" để có đủ chi phí cho việc sử dụng Internet tại Vương quốc Anh. Theo Helen Milner, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện hòa nhập kỹ thuật số Good Things Foundation, một số gia đình tại Anh đã phải cắt giảm lương thực hàng tháng để có chi phí trả tiền Internet băng thông rộng cho việc học trực tuyến.
"Chúng ta là một quốc gia giàu có, phát triển và chúng ta không nên có sự bất bình đẳng đó - đặc biệt là khi chúng ta có thể làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này", Milner cho biết.
Đại dịch Covid-19 đã phơi bày những bất bình đẳng xã hội trước đây bị bỏ qua ở Anh, trong số đó, khoảng cách số là một sự thật tồn tại ở quốc gia này. Khi Internet trở thành một phần không thể thiếu trong đại dịch để làm việc, học tập, mua sắm… thì rõ ràng một số lớn người dân đang bị bỏ lại phía sau.
Trong bối cảnh trẻ em không đến trường vì dịch bệnh và chuyển sang hình thức học trực tuyến, nhiều trẻ em tại Anh đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng do không có Internet và thiết bị để truy cập mạng, khiến những đứa trẻ này bị loại ra khỏi nền giáo dục mà chúng đáng được hưởng.
Một báo cáo do Quỹ đổi mới Nesta (Anh) công bố vào tháng 12/2020 cho biết thiếu dữ liệu di động là một vấn đề phổ biến trong các nhóm người thu nhập thấp tại Anh. Cơ quan quản lý viễn thông Ofcom cho biết 2% hộ gia đình ở Anh có trẻ em không thể truy cập Internet, 4% chỉ có thể truy cập qua di động và 9% không thể truy cập bằng máy tính xách tay, máy bàn hoặc máy tính bảng tại nhà.
Đặc biệt, kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều gia đình trên khắp nước Anh đã cảm thấy căng thẳng về vấn đề tài chính, gần 1/5 số hộ gia đình tại anh đã phải vật lộn để thanh toán hóa đơn cho Internet băng thông rộng hoặc gói dữ liệu để truy cập trên các thiết bị di động.
Vương quốc Anh đang tụt lại phía sau khi nhắc đến Internet băng thông rộng, cả về tốc độ và tính khả dụng của cáp quang. Theo Ofcom, có ít hơn 1/5 hộ gia đình ở Anh được sử dụng kết nối cáp quang đầy đủ, trong đó nhấn mạnh rằng quốc gia này đang đứng gần cuối trong số 37 quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về thị phần cáp quang.
Quỹ World Wide Web của Tim Berners-Lee ("cha đẻ" của trang web đầu tiên trên thế giới) và công ty con của nó là Alliance for Affordable Internet (A4AI) đã có cuộc vận động dài hơi để thu hẹp khoảng cách số và để truy cập Internet được coi là quyền cơ bản của con người trên toàn cầu. Nhiều nỗ lực để giúp người dân tại các quốc gia thu nhập thấp có thể truy cập Internet, nhưng trên thực tế, ngay tại các quốc gia giàu có, việc truy cập Internet cũng đang gặp nhiều hạn chế.
"Đây là một trong những vấn đề mà tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có nhiều thứ phải học hỏi từ các nước đang phát triển. Nhiều nước phương Tây hiện đang gặp khó khăn, bởi vì trước đây họ cứ cho rằng mình vẫn ổn", Eleanor Sarpong, Phó giám đốc và trưởng nhóm chính sách của A4AI bình luận.
Khoảng cách số nghiêm trọng tại Vương quốc Anh
Darren Jones là thành viên Nghị viện của Bristol North West, một khu vực bầu cử thuộc miền nam nước Anh. Jones đã mô tả khu vực bầu cử của mình bao gồm một số cộng đồng nghèo nhất, có trình độ học vấn thấp nhất, đặt cạnh một trong những vùng ngoại ô giàu có với trình độ học vấn cao nhất trong cả nước. Đối với những người sống ở các khu vực nghèo hơn, sự thiếu thốn về "cuộc sống số" đã là một vấn đề từ lâu, nhưng trước đại dịch, đó chỉ là một sự bất tiện, giờ đây, sự thiếu thốn này đã trở thành một rào cản để tiếp cận các dịch vụ trong cuộc sống.
Nhiều trường tư tại Bristol North West đã sẵn sàng dạy học trực tuyến ngay khi có lệnh đóng cửa của chính phủ, trong khi đó, một số trường công lập ở những khu vực nghèo khó lại gặp khó khăn về vấn đề học trực tuyến. Nhiều gia đình thiếu laptop, mạng Internet hoặc cả hai.
"Chỉ cần một ngày không tiếp cận được với chương trình học cũng đã gây tác động quan trọng đáng kể đến khả năng tiến bộ và đạt thành tích của trẻ. Do đó, thời gian bị bỏ lỡ và hậu quả lâu dài của chúng đối với trẻ cũng như đối với nền kinh tế của chúng ta thực sự rất quan trọng", Darren Jones cho biết.
Một số sáng kiến đã được Bộ giáo dục, các nhà mạng và các nhà cung cấp Internet băng thông rộng tại Anh đưa ra trong năm qua để đảm bảo trẻ em có thể truy cập Internet. Hầu như tất cả các nhà mạng ở Anh đều cho phép trẻ em yêu cầu tăng mức trợ cấp dữ liệu di động, miễn là đáp ứng các tiêu chí nhất định. Các nhà cung cấp Internet cũng không tính phí khi truy cập vào danh sách dài các tài nguyên giáo dục, để đảm bảo trẻ em có thể truy cập vào các tài nguyên cần thiết cho việc học trực tuyến.
Một chương trình khác cho phép các cơ quan quản lý giáo dục địa phương đăng ký một bộ định tuyến 4G cho học sinh. Bộ Giáo dục Anh cũng đã phân phát laptop và máy tính bảng cho trẻ em không có thiết bị di động để học trực tuyến.
Tuy nhiên, có một số vấn đề với sáng kiến này. Các nhà giáo dục đã báo cáo về sự chậm trễ trong quá trình phân bổ thiết bị, các yêu cầu từ nhiều trường học không được đáp ứng và việc cắt giảm trợ cấp vào những phút cuối. Thậm chí, nhiều trường học tại Anh còn phát hiện phần mềm độc hại có sẵn trên các thiết bị do chính phủ cấp cho học sinh.
Nhiều trẻ em tại Anh vẫn chưa thể tiếp cận được với các giải pháp hỗ trợ của chính phủ. Tháng trước, tổ chức từ thiện Social Mobility Foundation đã công bố một cuộc khảo sát với 863 thanh thiếu niên, hơn 40% trong số đó nói rằng họ không thể truy cập internet băng thông rộng. Hơn 1/3 trong số được hỏi cũng cho biết họ chưa được trường học liên hệ để hỗ trợ nhu cầu công nghệ cần thiết cho việc học.
Giống với trường hợp con gái của Michelle, cô cho biết gia đình cảm thấy quá xấu hổ khi nói chuyện với nhà trường về các khoản đóng bổ sung, mặc dù họ đang cố gắng làm thêm để có nguồn cung mua máy tính bảng cho con.
Con gái của Michelle không phải là người duy nhất phải học trên điện thoại. Có nhiều học sinh tại Anh đang phải dùng chung laptop với cha mẹ chúng, những người cũng phải thường xuyên sử dụng máy tính cho công việc.
"Tôi không biết những người khác đang như thế nào, nhưng loại virus này chắc chắn đã và đang làm gia tăng khoảng cách nghèo đói giữa con người", Michelle cho biết.
(Còn tiếp)