Tổng quan thị trường CNTT Việt Nam 2005

Thị trường CNTT năm 2004 đạt giá trị 685 triệu USD, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với tốc độ tăng trưởng 5%/năm của thế giới, đây thực sự là mức tăng trưởng ấn tượng. Điều đáng mừng là trong vòng 9 năm trở lại đây, thị trường CNTT Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức 2 con số.

Thị trường qua những con số thống kê

 

Kết quả đáng khích lệ của thị trường CNTT Việt Nam năm trước là lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhìn thấy ở thị trường Việt Nam một môi trường lý tưởng không chỉ để tiêu thụ sản phẩm mà còn là nơi đặt nhà máy trực tiếp làm ra sản phẩm. Sony và Canon là hai công ty đã thực hiện rất tốt điều này.

 

Ông Nobuki Asahina, công ty Sony Việt Nam rất tự tin về khả năng thành công của mình trên thị trường Việt Nam: “Chúng tôi tận dụng cơ hội thị trường phát triển của Việt Nam để đầu tư sản xuất các thiết bị kỹ thuật số và các sản phẩm CNTT như máy quay, máy chụp ảnh kỹ thuật số".  

 

Còn ông Melvyn Ho, đại diện hãng Canon Singapore thì cho biết Canon đang tập trung cho dùng sản phẩm camera số. Ông Ho cho rằng đây là một thị trường đang lên trên thế giới, với tốc độ lên tới vài trăm phần trăm. Việt Nam cũng là thị trường phát triển. Vì vậy, Canon sẽ tập trung mạnh mẽ cho thị trường này.

 

9 năm qua, nếu chỉ so sánh từng năm một, thị trường CNTT nước ta luôn phát triển ở mức 2 chữ số. Tuy nhiên, nếu xét trong cả một giai đoạn từ năm 1996 đến 2001, có thể thấy rằng tốc độ tăng trưởng thị trường lên xuống theo hình sin. Đó là điều dễ hiểu khi thị trường thế giới lâm vào khủng hoảng. Từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng trưởng thị trường mới thực sự theo chiều đi lên.

 

Bên cạnh đó, trong năm 2004, so với thị trường phần cứng, thị trường phần mềm khá khiêm tốn với tổng giá trị 170 triệu USD, đạt mức tăng trưởng 33,3% so với năm trước. Trái ngược với phần cứng, phần mềm nhập khẩu rất nhỏ nhoi, chỉ khoảng 15 triệu USD. Trong khi đó, gia công xuất khẩu phần mềm đạt 45 triệu USD, lần thứ hai liên tiếp tăng trưởng với tốc độ 50%. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng của cả ngành công nghiệp CNTT ở nước ta nếu duy trì ở mức trên 30% như năm qua sẽ có thể giúp Việt Nam thu hẹp được sự thua thiệt về giá trị tuyệt đối của ngành công nghiệp.

 

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội tin học TPHCM cho rằng: “Nếu so sánh với tốc độ phát triển trung bình của thế giới và khu vực châu Á thì chúng ta đang cao hơn gấp 3 đến 4 lần. Với tốc độ như thế, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vị thế Việt Nam trong thời gian ngắn sẽ được cải thiện”. Tuy nhiên, ông cũng nói: “Điều chúng tôi lo lắng là tính ổn định của sự phát triển song song với phát triển nhanh. Bởi thực tế, chúng ta quyết tâm nhưng chúng ta đang dựa trên một mức độ phát triển tương đối thấp. Vị thế của chúng ta chỉ thực sự cao hơn khi giữ được tốc độ phát triển này. Muốn thế, phải làm thế nào tạo được nền tảng vững chắc trong 10 năm”.

 

Ông David Ong, Giám đốc HP khu vực Đông Nam Á nói: “Cái tôi nhận thấy ở thị trường CNTT Việt Nam là sự phát triển bền vững. Giống như bất kỳ loại hình kinh doanh nào, sự phát triển bền vững là rất quan trọng. Dù đó là công nghệ, phần cứng, phần mềm, chúng tôi đều nhận thấy sự phát triển 2 con số/năm. Điều đó tôi thấy rất quan trọng cho bất kỳ 1 chiến lược kinh doanh nào ở Việt Nam”. 

 

Về tình hình xuất nhập khẩu, số liệu của Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu thiết bị tin học của Việt Nam đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 912 triệu USD, tăng trưởng 203%. Nhật Bản đã vượt qua Singapore để trở thành nguồn nhập khẩu CNTT lớn nhất vào Việt Nam với gần 364 triệu USD.

 

TS. Lê Trường Tùng cho biết thêm: “Trong năm 2004-2005 vừa qua,  vị trí 5 nhà nhập khẩu vẫn là những quốc gia vốn ở vị trí như vậy trong suốt những năm qua trong đó có Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Mỹ và Trung Quốc. Một điểm đặc biệt là 5 nước nhập khẩu lớn nhất ở Việt Nam đều có cán cân thương mại tăng trưởng rất lớn với mức độ khoảng 40%/năm. Điều này chứng tỏ thị trường CNTT Việt Nam cũng như việc phát triển CNTT Việt Nam rất tiến triển trong năm vừa qua”.

 

Cơ hội và thách thức

 

Được biết, Trung Quốc chỉ đứng thứ 7 trong 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất sang Việt Nam với gần 43 triệu USD. Nhưng có điều lạ là hầu hết các máy tính lắp ráp trong nước đều sử dụng hàng hoá có xuất xứ tại đây. Điều này có thể được giải thích ở 2 khía cạnh, thứ nhất giá trị linh kiện máy tính từ Trung Quốc như bàn phím, chuột, vỏ máy, ổ mềm… không lớn. Thứ hai, đã có một lượng không nhỏ linh kiện máy tính nhập lậu vào nước ta.

 

Và không chỉ có vậy, ông Nhữ Thanh Phong, Giám đốc Kinh doanh công ty Việt Quang nói thêm: “Các hãng máy tính nổi tiếng như IBM, Compaq, HP đều có các nhà máy ở Trung Quốc. Các hãng mainboard lớn như Gygabyte, Bios Star… cũng có các nhà máy ở Trung Quốc. Nếu hàng nhập từ thị trường khác về có thể là do giá thành nhân công, do thuế suất hay do như thế nào đó sẽ rất khó cạnh tranh ở thị trường Việt Nam”. 

 

Sau gần 10 năm, một điều dễ nhận thấy là số lượng các nhà đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực liên quan đến CNTT chưa nhiều, nhất là các nhà đầu tư có tên tuổi. Song điểm nổi bật là các công ty đã đầu tư liên tục và mở rộng đầu tư ở nước ta. Tiêu biểu như Fujitsu với các sản phẩm bảng mạch in; Canon với các chủng loại máy in phun; Sony, Samsung với các sản phẩm điện tử dân dụng, kỹ thuất số. Đáng lưu ý, các sản phẩm của Fujitsu và Canon 100% xuất khẩu, đóng góp tới 92 % tổng giá trị xuất khẩu 660 triệu USD của cả nước.

 

Theo TS. Lê Trường Tùng, ngay số lượng nhập khẩu thiết bị để sản xuất và tái xuất hiện nay đã chiếm tới gần một nửa lượng nhập khẩu liên quan đến CNTT hàng năm ở Việt Nam. Có thể khẳng định trong đó công rất lớn là của các nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó, không đơn thuần là thu hút đầu tư mà vấn đề là còn tạo công việc cho những người Việt Nam làm việc ở Việt Nam. Tạo điều kiện để chuyển giao công nghệ.

 

Thị trường phần cứng trong nước, giá trị không đáng kể với 100 triệu USD. Các công ty máy tính thương hiệu Việt Nam tăng trưởng tốt, nhưng giá trị chưa cao. Chỉ có 2 thương hiệu là CMS và FPT Elead vượt ngưỡng 5 triệu USD/năm. Riêng FPT Elead lần đầu tiên trong năm 2005 vượt ngưỡng 10 triệu USD doanh số. Và trong khi các thương hiệu máy tính trong nước chưa thực sự lớn mạnh thì họ lại gặp phải nhiều sự cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn ngay trên sân nhà.

 

Sức ép ngày càng tăng từ việc thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ dẫn đến việc giá thành lắp ráp máy tính thương hiệu sẽ bị đẩy lên khi phải cài phần mềm có bản quyền. Nhất là khi các sản phẩm phần mềm cơ bản như hệ điều hành, phần mềm văn phòng viết bằng mã nguồn mở chưa phải là một sự thay thế hoàn hảo. Khoảng cách về giá giữa máy tính ngoại nhập như HP, Acer … và máy tính lắp ráp nội địa đã được thu hẹp thời gian qua tiếp tục sẽ thu hẹp trong thời gian tới đây.

 

Thời gian gần đây, sức ép cũng ngày một lớn hơn từ các thương hiệu máy tính có tên tuổi của Trung Quốc như TCL và gần đây là Lenovo, hãng sản xuất máy tính số 1 Trung Quốc đã thâu tóm thương hiệu PC của IBM. Vậy, liệu rồi đây, máy tính thương hiệu Việt Nam có bị máy tính Trung Quốc đánh bại khi mà chúng ta chưa thể sản xuất một thứ gì trên máy tính ngoài việc nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc?

 

"Đấy chính là vấn đề mà ngành CNTT Việt Nam nói chung và các cơ quan quản lý cần phải nghĩ tới. Nếu các thương hiệu máy tính của Việt Nam không mạnh thì đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ ngồi nhìn các công ty Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường của chúng ta", Nguyễn Minh Huyên, Trưởng phòng Kinh doanh công ty máy tính CMS cho hay.

 

Rõ ràng, đây là một thách thức khá lớn đối với các nhà sản xuất máy tính thương hiệu Việt Nam. Nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để trên cơ sở đó, bản thân nhà sản xuất phải làm thế nào để cải thiện được chất lượng, giá thành để giữ được vị thế và thị trường. Chính điều này sẽ quyết định vị thế của các doanh nghiệp sản xuất máy tính thương hiệu Việt Nam trong thời gian tới.

 

Theo Thành Lưu

VTV

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm