1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Tin nhắn của chồng...

Chưa biết công nghệ cao mang lại lợi ích đến đâu, nhưng chỉ biết từ khi cái “cục gạch” này được sinh ra thì ối cái “quay lưng” vào nhau mỗi đêm, nhiều gia đình lục đục, vô số cặp cãi vã và cũng đầy rẫy những âm mưu chia rẽ được hình thành.

Tất cả chỉ vì những dòng chữ không dấu mà luận ra chỉ có nước đau đầu, buốt ruột, nhất là đối với những “cảnh sát mặc váy” trong nhà...

 

Chắc hẳn bạn còn chưa quên vụ tai tiếng tình ái của danh thủ bóng đá Anh Beckham. Vấn đề là mối quan hệ lén lút của anh chàng hào hoa này với cô thư ký kiêm người đại diện Rebecca Loos bị phanh phui trên cơ sở những tin nhắn mà hai người trao đổi với nhau qua ĐTDĐ, nguyên nhân là vì một số lỗ hổng an ninh mà người ta có thể khai thác để xem trộm nội dung tin nhắn.

 

Hiệp hội GSM, tổ chức đại diện ngành công nghiệp ĐTDĐ, và các chuyên gia SMS cho

100% CHỒNG: “Để cho chúng tôi thở với chứ. Cứ thử tin tưởng không có chuyện gì đi. Nếu có thì sao không kiểm tra cách khác. Có nhiều thứ biểu hiện hơn là tin nhắn. Đàn ông càng bị phong tỏa thì càng muốn bứt ra. Chẳng vô cớ mà các cụ lại nói “lạt mềm buộc chặt” đâu...”

 

99% Vợ: ”Phải kiểm tra chứ, không công khai cũng bán công khai, cực chẳng đã thì đánh du kích. Đó cũng là một cách ngăn chặn từ xa, bảo vệ hạnh phúc gia đình, vì khi còn nhắn gửi, đong đưa thì mới là giai đoạn “cửa sổ”, trứng nước, chứ một khi đã “gạo nấu thành cơm rồi” thì “bọn chúng” sẽ gọi phắt một cái, hơi đâu mà nhắn cho... to ngón tay cái...” 

biết, trên thực tế không thể theo dõi người khác bằng cách “xem trộm” tin nhắn mà chỉ có một khả năng: nhân viên quản lý những hồ sơ tin nhắn xem nội dung thông điệp và chuyển nó cho người khác. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó, vì theo ông, hầu hết các công ty điện thoại chỉ lưu những thông tin ngày giờ, người gửi, người nhận để tính tiền chứ không lưu nội dung text.

 

Cho dù người đại diện của GSM có “thanh minh thanh nga” cỡ nào đi nữa thì hàng triệu triệu quý ông vẫn giật mình thon thót. Thế mới biết, dù ở Tây hay Ta, các quý ông vẫn có mẫu số chung là... có tật

 

“Cảnh sát” và “nghi can”

 

Vì sao lão cứ dán mắt vào điện thoại, lúc cười tủm tỉm, lúc mặt lại ngây ngây, dại dại? Vì sao lão giữ kè kè điện thoại bên người như vật bất ly thân? Đi làm đã đành, về đến nhà, điện thoại để cồm cộm trong túi quần soóc, khiến các “lão bà” (phải gọi là “lão bà” vì trong trường hợp này thì chị 25 cũng như bác 50 đều "quàu quạu" như nhau) nhìn ... “ngứa cả mắt”.

 

“Chíu” một cái, tin nhắn coming, chỉ muốn vồ lấy để chắc chắn rằng không có chuyện léng phéng, nhưng sợ xấu đi trong mắt “lão ông”, đành làm ngơ mà trong đầu quay cuồng với hàng trăm câu hỏi: Sau phát “chíu” kia là cái gì, à ơi hay nũng nịu, hẹn hò hay đong đưa? Với lại, chỉ sau một lần bắt quả tớm là các “lão ông” lập tức chuyển sang chế độ... message. Tin nhắn tình củm chỉ làm các ông rung lên sung sướng một tí chứ các bà có biết đằng giời!

 

Không thể kiểm soát kiểu thô bạo, nhiều chị em đành trường kỳ kháng chiến. Rình rập lúc nào “địch” sơ hở thì “ta” đánh du kích. Về nhà cứ thỏ thẻ: “Anh ơi, em cắm nước nóng rồi, anh vào tắm cho khỏe”. Rồi áp tai vào cửa nhà tắm, chỉ đợi có tiếng bì bạch là ào vào chớp nhoáng tìm con “dế”, mò vào inbox, outbox... (Bài học ghi nhớ: Chuẩn bị cho lão đủ cả khăn tắm, quần áo, quần nhóc, đừng để lão bất thình lình chạy ra...).

 

Rất nhiều câu lạc bộ các bà vợ ra đời, trong đó đề tài “Có nên đọc trộm tin nhắn của chồng?”. Hóa ra là chuyện không của riêng ai, nếu không muốn nói là vấn nạn nhà nhà thời hi-tech. Chị em nhảy bổ vào forum tới tấp như lên cơn sốt. 1001 tình huống dở khóc dở cười. Nào là: “Có những tay chồng romantic không muốn xóa tin nhắn của em yêu, liền xếp vào một file tên là “hop” (họp). Rồi “chiêu” cũ mèm của các ông là xếp tên “món” mình ăn vụng thành tên đàn ông hoặc “co quan”.

 

Chị em căn dặn nhau bình tĩnh trong mọi trường hợp (mà có khi bản thân mình không thể bình tĩnh), truyền cho nhau những kinh nghiệm luận chữ kẻo nghi oan cho chồng kiểu như: “em o truong” thì 99% là ”em ở trường”, chứ không phải là “em ở truồng...” hoặc “Anh den di, em cho” thì chắc chắn là “Anh đến đi em chờ” chứ không phải “Anh đến đi, em cho”... mà với những bà vợ có máu G chảy thường trực trong người thì hay luận ra vế sau hơn.

 

Các chị em còn dạy cho nhau chiêu kiểm tra trên mạng. Sau khi đăng ký trên mạng số điện thoại mà “lão ông” sử dụng, password ngay lập tức được gửi đến máy “lão ông”. “Lão bà” dĩ nhiên phải giữ rịt lấy máy “lão ông” để nhận password, sau đó xóa ngay dấu vết. Sau khi đăng nhập, “lão bà” chỉ việc vào mục tra cứu lịch sử cuộc gọi là các đối tác của “lão ông” lập tức nằm gọn trong tay.

 

“Lão bà” nào cao tay, quan hệ rộng còn có thể mua chuộc được nhân viên bưu điện cung cấp thông tin về số điện thoại đi-đến và cả nội dung tin nhắn. Dĩ nhiên, đây là chuyện vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin, nhưng cũng không phải là bất khả thi.

 

Cả hai đều mệt mỏi

 

Bà vợ nào cũng chắc mẩm mình là  “móng tay nhọn”, nhưng xét cho cùng các bà chỉ là... “vỏ quýt dày” mà thôi. Nhiều ông chồng sành điệu dùng Pocket PC Phone, loại này thông minh hơn cả... vợ, có thể giấu tin nhắn theo chỉ định, các bà vợ có ba đầu sáu tay cũng chỉ biết khóc mà thôi.

 

Nếu thay sim của chồng sang máy mình thì hơi lâu, hì hục ngồi cậy cái sim ra cũng khốn, thêm nữa vụ này chỉ có thể đọc được tin nhắn mới chứ tin cũ mà lưu trong máy thì chỉ có nước chào thua.

 

Chiêu truy tìm trên mạng cũng không ổn vì nghe đâu mỗi khi “lão bà” tra cứu lập tức một tin nhắn được gửi vào máy “lão ông” với nhiệm vụ mách lẻo: “Chi tiết cuộc gọi đã được tra cứu...”. Và dĩ nhiên, các lão sẽ "lồng cồng cộc" lên vì biết rằng mình đang bị xiết vòng kim cô.

 

Cao tay như bà vợ quan hệ rộng nhờ vả, mua chuộc nhân viên bưu điện cũng không hay lắm, vì lão chồng mà uất lên kiện bưu điện thì người cung cấp chỉ có nước khăn gói ra đi.

 

Thực tế mấy vụ theo dõi, kiểm tra này khiến cả “cảnh sát” lẫn “nghi can” đều mệt mỏi. Về phía “cảnh sát” xem trộm điện thoại vài ba lần thì cũng giảm thọ đi chừng ấy lần. Tim đập, chân run, mặt mày tái nhợt, tay run lập cập. Lúc nào cũng căng thẳng lo ngay ngáy nhỡ đang “tác nghiệp” mà lão chồng bất chợt chui ra mặt đỏ phừng phừng khi nhìn thấy cảnh bà vợ đang xâm phạm đời tư thì các bà chỉ có nước độn thổ...

 

Còn “nghi can” “có-gì” hay “không-có-gì” sau đó đều cảnh giác hơn. Có ông chồng nổi tiếng trăng hoa còn đổ cả keo con voi vào điện thoại để vợ có cậy sim ra đằng giời (dĩ nhiên, “không có chuyện gì thì việc gì phải làm thế!?”). Nói chung sự đối phó của “nghi can” càng khiến “cảnh sát” thêm nghi ngờ và kết cục là kéo dài sự mệt mỏi cho cả hai.

 

Phân tích ra thì thấy dù ở tình huống nào phía ”cảnh sát” vẫn thiệt đơn, thiệt kép. Nếu bạn không tìm ra sự thật mà chồng phát hiện ra mấy trò lén lút xem trộm thì bạn mất điểm là chắc. Còn nếu tìm ra sự thật thì bạn sẽ hả hê để rồi sau đó là chuỗi dằn vặt, đau đớn, chì chiết căn vặn chồng, rồi sau đó con quái vật mang tên “nghi ngờ” cứ len dần, len dần vào cuộc sống gia đình để làm công việc hủy hoại một cách từ từ. Chính vì vậy, các bà vợ đưa ra chân lý: “Mắt không thấy, tim không đau” thực ra đều đã phải “thấy” và đã “đau” rồi.

 

Đó là chưa kể đến nhiều ông chồng “không-có-gì” nhưng do vợ hay nghi ngờ chuyện điện thoại, tin nhắn nên không có “tật” cũng buộc phải “giật mình”, nghe điện thoại, xem tin nhắn cứ phải lén lút, mà đã lén lút trông càng nghi, cứ thế cái vòng luẩn quẩn khiến cho mối quan hệ vợ chồng ngày càng phức tạp mà thủ phạm chỉ là cái tin nhắn.

 

Kiểm tra tin nhắn, nên hay không?

 

Thực ra, cũng có các bà vợ có tư duy thoáng hơn, không bao giờ kiểm tra tin nhắn, điện thoại của chồng, nhưng những bà này thuộc vào hàng hiếm, có nguy cơ... tuyệt chủng. Với họ khi không còn lòng tin ở chồng nữa thì tốt nhất nên giải tán (khuyên như vậy có khi 99% các cặp giải tán), chứ cứ thập thò vụng trộm thì chỉ làm mình xấu đi trong mắt chồng.

 

Hãy làm cho chồng thích gần mình, thích quay về nhà khi thấy cần nghỉ ngơi, và thích chuyện trò khi muốn giãi bày tâm sự. Nếu chẳng may có cái tin hơi tình củm dành cho anh ấy thì hãy mỉm cười mà rằng: té ra “hàng” nhà mình vẫn còn... date.

 

Mạng VinaPhone nói gì?

Việc giữ bí mật thông tin bằng kỹ thuật mật mã trong BCVT được thực hiện theo quy định của pháp luật" về bảo mật thông tin. VinaPhone xác định đây là căn cứ pháp lý để thực hiện nhiệm vụ bảo mật thông tin cho khách hàng.

Tuy nhiên, không chỉ quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, Pháp lệnh BCVT còn quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ BCVT, trong đó có điều khoản "người sử dụng dịch vụ phải bảo vệ mật khẩu, khóa mật mã và hệ thống thiết bị của mình".

Trong trường hợp khách hàng có khiếu nại hoặc VinaPhone trực tiếp phát hiện hiện tượng vi phạm bảo mật thông tin, VinaPhone căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để giải quyết trong phạm vi quyền hạn.

Ngoài ra, VinaPhone sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin nhằm xác minh, điều tra sự việc để các cơ quan xử lý đúng theo quy định của pháp luật".

 

Theo Đẹp