Giải Nhì CNTT Triển vọng, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015:
“Tín hiệu tốt cho sự phát triển vi mạch tại Việt Nam”
(Dân trí) - “Khi giải thưởng Nhân tài Đất Việt ghi nhận sự thành công sản phẩm chíp vi mạch, theo tôi nghĩ đó là tín hiệu rất tốt cho việc phát triển công nghiệp vi mạch tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ”, Phó Giáo sư, tiến sĩ Trân Xuân Tú nói.
Ngay sau khi nhận Giải Nhì công nghệ thông tin triển vọng, sản phẩm Vi mạch mã hóa tín hiệu video VENGME H.264/AVC, Phó Giáo sư, tiến sĩ Trân Xuân Tú - trưởng nhóm nghiên cứu Thiết kế mạch tích hợp VLSI (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ với phóng viên Dân trí kế hoạch đưa sản phẩm tiến xa hơn nữa trong thời gian tới.
Xin ông cho biết hành trình sản phẩm của mình “thi đấu” với hàng chục sản phẩm công nghệ thông tin khác có điều gì ấn tượng nhất trong năm nay?
Giải thưởng chúng tôi tham gia liên quan đến công nghệ cao, một trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển đầu tư giai đoạn 2016-2020 và nó cũng nằm trong nhóm sản phẩm quốc gia từ nay đến 2020. Quá trình tham gia giải thưởng Nhân tài Đất Việt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin năm nay chúng tôi nhận thấy rất nhiều đội có sản phẩm tốt, hàm lượng chất xám cao, khả năng ứng dụng rất cao.
Thực tế cho thấy VENGME H.264/AVC là vi mạch mã hóa video đầu tiên được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam. Vậy lúc khởi động dự án nhóm của ông có nhận thấy phải đối mặt với những khó khăn, thách thức hay không?
Khi chúng tôi bắt tay vào làm việc chỉ xác định làm được điều gì đó vào sự phát triển khoa học, tức là gia tăng được hàm lượng chất xám cho các sản phẩm. Cùng với đó chúng tôi cũng hướng đến ứng dụng của sản phẩm. Do vậy, chúng tôi chọn ngay chuẩn mã hóa video mới nhất thời điểm đó. Tất nhiên, sản phẩm đầu tay mà đã chọn chuẩn rất phức tạp, rủi ro cũng rất cao. Chúng tôi cũng xác định tư tưởng với nhau là có thể thất bại. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, thông qua hợp tác quốc tế, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp nước ngoài, nhóm đã tìm được giải pháp phát triển hoàn thiện sản phẩm như ngày hôm nay.
Đây là loại vi mạch chuyên dụng thuộc thế hệ vi mạch đang sử dụng rộng rãi trên thế giới hiện nay và có độ phức tạp rất cao. Xin ông cho biết, nhóm nghiên cứu có những giải pháp riêng nào để sản phẩm phù hợp với thị trường, điều kiện Việt Nam hay không?
Khi phát triển sản phẩm này, chúng tôi đã cùng nhau xác định chỉ hướng tới một số phân khúc ứng dụng. Đặc biệt trong xu hướng phát triển của IoT (Internet of Things), nhóm đã tập trung thiết kế vi mạch mã hóa video H.264 với độ phân giải hoàn toàn có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, chúng tôi lại đưa ra thiết kế để giảm công suất tiêu thụ, trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng hoạt động của vi mạch. Đó là chìa khóa quan trọng để chúng ta tiến vào xu thế IoT tức là Internet of Things.
Nhóm cũng ý thức được khi đi vào lĩnh vực IoT thì vấn đề bảo mật cũng là vấn đề cần được quan tâm. Do vậy, chúng tôi đã phát triển song song một dự án liên quan đến mã bảo mật để tiến tới tích hợp thành một hệ thống trên chíp, một giải pháp hoàn thiện cho các ứng dụng về IoT.
Sản phẩm được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống. Thế nhưng điều nhiều người băn khoăn nhất hiện nay là giá bán sản phẩm thế nào và liệu nó có cạnh tranh được với các sản phẩm đang bán trên thị trường hay không?
Thực ra băn khoăn này cũng đúng vì đây là lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi rất nhiều tiền đầu tư. Nếu chúng ta sản xuất đến cái chíp cuối cùng và bán nó cho các đơn vị sản xuất thiết bị, khi đó số lượng phải đủ lớn, tức là khoảng 100.000 con chíp trở lên. Tuy nhiên, chúng tôi là những người phát triển về công nghệ nên tập trung nhiều hơn về chất xám. Chúng tôi mong muốn khi sản xuất thử nghiệm thành công thì chúng tôi sẽ bán giải pháp thiết kế. Như vậy, chúng tôi sẽ làm việc với các công ty sản xuất hệ thống trên chíp hoặc thiết bị để chuyển giao thiết kế này cho các dự án. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không phải tập trung vào công việc sản xuất, chỉ tập trung vào việc gia tăng giá trị của sản phẩm thiết kế.
Với việc đoạt giải Nhân tài Đất Việt năm nay sẽ tác động tích cực như thế nào đến nhóm tác giả trong việc hoàn thiện hơn nữa sản phẩm để đưa nó ra thị trường trong thời gian tới?
Khi giải thưởng Nhân tài Đất Việt ghi nhận sự thành công sản phẩm chíp vi mạch, theo tôi nghĩ đó là tín hiệu rất tốt cho việc phát triển công nghiệp vi mạch tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.
Còn qua việc đoạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt, sẽ có nhiều người biết đến sản phẩm của chúng tôi, không chỉ những đơn vị hoạt động công nghệ trong nước, mà còn cả những đơn vị ở nước ngoài. Khi sản phẩm được sản xuất thử nghiệm và chứng minh thiết kế thành công thì chúng tôi cũng sẽ có cơ hội để chuyển giao công nghệ. Hiện chúng tôi cũng đã đàm phán với đơn vị bên Singapore và một số đơn vị trong nước để chuyển giao công nghệ, những đơn vị sản xuất họ sẽ là ra sản phẩm cho các thiết bị chuyên dụng.
Khi tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay và đã đoạt giải Nhì công nghệ thông tin triển vọng, ông xác định nó là cái đích đến hay là bệ phóng cho sản phẩm trong thời gian tới?
Thực ra khi tham gia giải thưởng chúng tôi rất tự tin về hàm lượng chất xám của sản phẩm. Tuy nhiên, với giải thưởng Nhân tài Đất Việt, ngoài việc đòi hỏi chất xám cao còn yêu cầu thêm tính ứng dụng của sản phẩm. Đây quả thực là vấn đề khó đổi với lĩnh vực công nghệ cao. Chúng tôi nghĩ đây là giải thưởng rất uy tín nên hoàn toàn tin tưởng vào lựa chọn của ban giám khảo, đặc biệt là hội đồng chuyên môn, họ có những đánh giá rất sắc sảo. Thông qua giải thưởng này, nhiều khi vị trí nhất nhì không quan trọng mà quan trọng sau đó sản phẩm sẽ đi tiếp được những nấc thang nào trong công cuộc thương mại hóa và phát triển công nghệ cao.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong