Tin đồn “mang khẩu trang bị mạng 5G theo dõi” lan truyền trên mạng xã hội

(Dân trí) - Thêm một thuyết âm mưu liên quan đến mạng 5G được lan truyền trên Internet, trong đó cho rằng những người mang khẩu trang sẽ bị theo dõi dấu vết và thu thập mọi hoạt động bởi mạng 5G.

Trong bối cảnh dịch bệnh do Covid-19 lây lan ngày càng nhanh chóng trên toàn cầu, đeo khẩu trang là một trong những giải pháp đã được các nhà khoa học chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hiện nhiều quốc gia đã bắt buộc người dân phải mang khẩu trang khi ra nơi công cộng.

Tuy nhiên, lợi dụng điều này, một thuyết âm mưu mới liên quan đến mạng 5G đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

Tin đồn “mang khẩu trang bị mạng 5G theo dõi” lan truyền trên mạng xã hội - 1

Nhiều người cho rằng thanh kim loại phía trên các loại khẩu trang là… ăn ten bắt sóng 5G

Theo đó, một tài khoản Facebook có tên Sheed Bradley đã đăng tải một đoạn video, trong đó người này cho biết đã tìm thấy một thanh kim loại được gắn vào bên trong khẩu trang và khẳng định đó là ăn ten để thu sóng 5G, có thể khiến người mang khẩu trang bị nhiễm bệnh nghiêm trọng hơn vì mạng 5G.

“Đúng vậy, ăn ten 5G được giấu bên trong khẩu trang mà họ đang bảo mọi người đeo vào. Tôi đã lấy thanh kim loại này ra khỏi chiếc khẩu trang và nó là ăn ten 5G được giấu ở bên trong”, Sheed Bradley nói trong đoạn video của mình và rút ra một thanh kim loại nhỏ ở bên trong chiếc khẩu trang y tế.

“Họ nói bạn hãy mang khẩu trang vào và hít trực tiếp mạng 5G vào mũi và bộ não bạn bắt đầu bị phá hủy. Điều này cũng giống như cơ chế mà họ đã giết rất người trong chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai”, người này nói thêm, đồng thời kêu gọi mọi người ngừng mang khẩu trang vì có thể bị theo dõi

đồng thời khẳng định rằng đeo khẩu trang sẽ bị theo dõi mọi hoạt động, vị trí bởi sóng 5G và thậm chí người đeo khẩu trang sẽ bị theo dõi mọi hoạt động, vị trí bởi sóng 5G.

Đoạn video do Sheed Bradley đăng tải đã nhận được hàng trăm lượt chia sẻ và “gây sốt” trên mạng xã hội. Nhiều người đã thử thực hiện theo đoạn video và thừa nhận rằng họ phát hiện ra một thanh kim loại nhỏ gắn bên trong các loại khẩu trang, càng khiến cho thông tin do Sheed Bradley đăng tải được nhiều người tin tưởng.

Một làn sóng “tẩy chay” và kêu gọi không mang khẩu trang đã được lan truyền trên cộng đồng mạng tại Mỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, thanh kim loại mà mọi người phát hiện ra bên trong các loại khẩu trang chỉ nhằm mục đích xác định đâu là mặt phía trên của khẩu trang và được sử dụng để cố định khẩu trang vào mũi, đồng thời giúp khẩu trang bịt kín gương mặt hơn.

“Phía trên của khẩu trang luôn có một phần kim loại nhỏ và người đeo sẽ ép phần kim loại này vào mũi để cố định khẩu trang”, bác sĩ April Baller của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giải thích.

Đại diện của 3M, một trong những hãng sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới hiện nay, cũng cho biết dải kim loại bên trong khẩu trang phẫu thuật hoặc các loại khẩu trang y tế khác chỉ giúp khẩu trang trở nên vừa vặn hơn trên gương mặt người đeo và khẳng định không hề có bất kỳ ăn ten 5G nào được giấu vào bên trong khẩu trang.

Như vậy có thể khẳng định rằng thông tin do Sheed Bradley là hoàn toàn thất thiệt và đây chỉ là một thuyết âm mưu mới nhất nhằm vào công nghệ mạng 5G. Điều đáng nói là hiện tại, Facebook không xóa đi đoạn video với thông tin thất thiệt này mà chỉ dán nhãn “Thông tin sai sự thật” và vẫn cho phép đoạn video tồn tại trên nền tảng mạng xã hội của mình.

Không phải thuyết âm mưu đầu tiên liên quan đến mạng 5G

Trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện các thuyết âm mưu liên quan đến mạng 5G.

Cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, một thuyết âm mưu đã lan truyền trên mạng xã hội tại Anh, cho rằng có sự liên quan giữa mạng 5G và sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 tại Anh. Các thông tin này khẳng định rằng tần số mạng 5G làm suy giảm hệ miễn dịch của con người để virus SARS-CoV-2 dễ dàng xâm nhập và gây hại.

Thuyết âm mưu này đã được rất nhiều người dân tại Anh tin theo và dẫn đến một làn sóng phản đối triển khai mạng 5G. Thậm chí, nhiều trạm phát sóng mạng 5G và cả những trạm phát sóng di động thông thường trên khắp nước Anh đã bị đốt phá.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 90 trạm phát sóng di động, trong đó phần lớn chỉ là những trạm phát sóng di động thông thường, không phải trạm phát sóng mạng 5G, đã bị người dân tại Anh đốt phá.

Ngoài Anh, Hà Lan cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi các thuyết âm mưu và thông tin giả mạo liên quan đến mạng 5G, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình chống lại việc triển khai mạng 5G. Đến giữa tháng 4 vừa qua, ít nhất 4 trạm phát sóng di động tại Hà Lan cũng đã bị những người phản đối mạng 5G đốt phá.

Dù đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng mạng tần số mạng 5G không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người,nhưng có vẻ nhiều người dân tại Anh và Hà Lan vẫn tin vào các thông tin thất thiệt được chia sẻ trên mạng xã hội, hơn là các chứng minh khoa học.

T.Thủy
Theo RT/Sputnik